Vải thiều Lục Ngạn lại được mùa, ùn ùn xuất ngoại
Đúc rút kinh nghiệm từ những vụ mùa trước, người trồng và chính quyền huyện Lục Ngạn tất bật chuẩn bị để đưa quả vải thiều đi khắp thế giới.
Chưa vào vụ, thương nhân đã ùn ùn kéo đến
Là người nổi tiếng mát tay với vải thiều, ông Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được biết đến là một trong những hộ sản xuất vải thiều cho sản lượng và chất lượng tốt nhất huyện Lục Ngạn.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Quyên cho biết, năm trước gia đình ông thu hoạch hơn 10 tấn quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hầu như không thể xuất khẩu mà chỉ bán tại thị trường nội địa với giá khoảng 20 nghìn đồng/kg.
Năm nay, vườn vải của gia đình vẫn được mùa, sản lượng đạt khoảng 13 tấn. Dù chưa đến mùa vụ nhưng hiện đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân đến thăm vườn, đặt vấn đề tiêu thụ.
“Năm nay, các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc ùn ùn kéo đến Lục Ngạn. Thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản… cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc, hứa hẹn đem lại giá trị cao. Chỉ cần giá bán 15 nghìn đồng/kg vải thiều thì đã có lãi. Nhưng hiện tại, vải chín sớm đang được bán với giá từ 30 - 35 nghìn đồng/kg”, ông Quyên khoe.
Dù còn gần nửa tháng nữa mới bước vào vụ thu hoạch nhưng đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cử người đến Lục Ngạn khảo sát thị trường, chuẩn bị các điều kiện thu hoạch, tiêu thụ.
Ông Đinh Văn Hưng, đại diện Công ty TNHH Hùng Thảo cho biết, vụ vải thiều hàng năm, Công ty Hùng Thảo cùng đối tác Trung Quốc hợp tác thu mua, đóng gói, xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với sản lượng từ 15 - 17 nghìn tấn quả tươi.
Năm nay, dù còn hơn 10 ngày nữa mới bước vào vụ mới nhưng đối tác Trung Quốc đã cử 5 người gồm giám đốc kỹ thuật, trưởng phòng và kỹ thuật viên trực tiếp về Lục Ngạn khảo sát, nắm tình hình, lên kế hoạch.
“Khi vào vụ, công ty sẽ chịu trách nhiệm thu mua dưới sự giám sát, hướng dẫn sơ chế, đóng gói của tổ chuyên gia Trung Quốc. Vải thiều xuất khẩu phải bảo đảm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, không để cuống dài, không còn lẫn lá và đặc biệt là vải không được sâu cuống.
Sau khi vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu, vải thiều sẽ được công ty đưa về Bắc Kinh, Hồ Bắc và Tứ Xuyên (Trung Quốc) tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn nên giá thu mua tại Lục Ngạn thường cao và ổn định hơn so với thị trường”, ông Hưng nói.
Thu hàng nghìn tỷ đồng từ quả vải
Lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn thông tin, năm 2022, dù vẫn phải chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng do làm tốt công tác tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, vụ vải thiều đã tiêu thụ thành công toàn bộ 126.623 tấn quả; tổng giá trị sản xuất đạt 3.849 tỷ đồng.
Trong đó, xuất khẩu đạt 1.255 tỷ đồng (tương đương 53,43 triệu USD). Thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 94.99% tổng sản lượng xuất khẩu với sản lượng 39.764 tấn.
Ngoài ra, vải thiều Bắc Giang còn xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan 876 tấn; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc 704 tấn; thị trường Australia 279 tấn; thị trường EU 234 tấn…
Năm nay, diện tích vải thiều toàn huyện là 17.357ha, sản lượng ước đạt khoảng hơn 100.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng đầu tháng 6/2023 đến cuối tháng 7/2023. Trong đó, diện tích vải sớm là 3.967ha, sản lượng 25.000 tấn; vải chính vụ 13.390ha, sản lượng 72.600 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 13.200ha, sản lượng khoảng 81.300 tấn.
Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng mô hình vải sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ quy mô 20ha, dự kiến sản lượng 125 tấn; xây dựng mô hình và cấp giấy chứng nhận GlobalGAP cho 30ha, sản lượng dự kiến 220 tấn...
Thêm cú hích từ giao thông, logistics
Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn khẳng định, năm nay huyện sẽ chú trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu với mục tiêu tiêu thụ 78.300 tấn vải thiều tươi. Trong đó, thị trường trong nước 35.000 tấn, tập trung vào các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai như Go, SaiGon.Coop, Vinmart.
Thị trường xuất khẩu dự kiến tiêu thụ 43.300 tấn, chủ yếu là thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 85 - 90%; khoảng 10 - 15% còn lại vào một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước EU…
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn cho biết, hiện nay, QL31 qua địa bàn huyện đang được đầu tư, nâng cấp, cải tạo sẵn sàng phục vụ vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.
Đây là cú hích lớn, giúp vải thiều Lục Ngạn được vận chuyển, tiêu thụ thuận lợi, nâng cao giá bán khi vải thiều chín sớm hiện đang tiêu thụ thuận lợi, giá cao, khoảng 35 nghìn đồng/kg.
Để công tác tiêu thụ thuận lợi, UBND huyện Lục Ngạn cũng đến Quảng Tây và Vân Nam, Trung Quốc xúc tiến thương mại, kết nối, giúp doanh nghiệp 2 nước hợp tác, tiêu thụ vải thiều.
Đến nay, đã có 204 thương nhân Trung Quốc đăng ký đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Trong đó, đã có 160 thương nhân được Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an chấp thuận, cấp thị thực đến Việt Nam; 44 thương nhân còn lại đang trong quá trình thẩm tra, xét duyệt.
Ngoài ra, sau hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp 2 nước đã kết nối, thương thảo hợp đồng thu mua vải thiều Lục Ngạn. UBND huyện Lục Ngạn cũng cử đoàn công tác đến các chợ đầu mối, trung tâm thương mại lớn tại các tỉnh phía Nam xúc tiến; tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu sản phẩm đến các tỉnh thành, tập đoàn kinh tế lớn để giữ vững thị trường tiêu thụ trong nước.
Theo ông Lợi, để vải thiều được vận chuyển thuận lợi, bên cạnh việc đề nghị các cửa khẩu dành riêng luồng thông quan cho xe ô tô vận chuyển vải thiều sang Trung Quốc, UBND huyện Lục Ngạn đã tìm hướng vận chuyển bằng đường sắt.
Huyện đã nhiều lần làm việc với Tổng công ty Cổ phần Thương mại và vận tải đường sắt Việt Nam để thống nhất phương án đóng gói, vận chuyển vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Với phương án này, vải thiều sẽ được kiểm dịch, làm thủ tục thông quan tại ga liên vận quốc tế thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang rồi được vận chuyển đến Trung Quốc bằng đường sắt.
Ngoài ra, phương án vận chuyển bằng đường sắt, đưa vải thiều đến các tỉnh phía Nam cũng đang được các bên thảo luận.
Nếu được thông qua, phương thức vận chuyển này hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí vận chuyển, góp phần nâng cao giá trị vải thiều Lục Ngạn.
Vụ vải thiều năm nay, UBND huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” từ tháng 5 - 7/2023. Chương trình sẽ kết nối các điểm du lịch, thắng cảnh, các nhà vườn, hợp tác xã được chọn làm chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín”; tổ chức thi hái vải, bó vải, đóng vải. Tổ chức các tour trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng vùng cao…
Các hợp tác xã tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh, tự tay hái vải tại vườn; thi hái quả vải; tổ chức Team building tại vườn vải; chế biến món ăn từ vải, trải nghiệm ngày làm mỳ Chũ; giao lưu văn nghệ, trình diễn dân ca tại điểm du lịch…