Vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V không gây tác dụng phụ nghiêm trọng

QĐND - Lần đầu tiên Tạp chí y khoa quốc tế uy tín Lancet công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đối với vaccine Sputnik V ngừa virus gây đại dịch Covid-19 của Nga. Theo đó, cho thấy Sputnik V đã tạo ra phản ứng miễn dịch và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào...

Bài viết đăng ngày 4-9 trên Tạp chí Lancet khẳng định, vaccine Sputnik V đã tạo kháng thể cho tất cả những người tham gia tiêm thử nghiệm trong hai giai đoạn đầu mà không gây bất cứ vấn đề nào. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 với Sputnik V được tiến hành trong tháng 6 và tháng 7 năm nay, với 76 người tham gia. Hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng kéo dài 42 ngày, mỗi giai đoạn có 38 người trưởng thành khỏe mạnh tham gia. “Kết quả cho thấy vaccine đã tạo ra kháng thể cho tất cả những người tham gia mà không gây bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào”, Tạp chí Lancet cho biết.

Cũng theo tạp chí này, mức kháng thể ở các tình nguyện viên được tiêm vaccine cao gấp 1,4 lần đến 1,5 lần so với kháng thể ở bệnh nhân phục hồi sau khi nhiễm Covid-19. Mặc dù vậy, bài viết cũng nhấn mạnh vẫn cần các thử nghiệm quy mô lớn và dài hạn để thiết lập tính an toàn và hiệu quả lâu dài của Sputnik V. Được biết, các nhà khoa học Nga đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng Sputnik V giai đoạn 3 với sự tham gia của khoảng 40.000 người theo dự kiến. Kết quả thử nghiệm có thể được công bố vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Ít nhất 3.000 người đã được huy động cho đợt thử nghiệm bắt đầu từ tuần trước.

Vaccine Sputnik V được nghiên cứu bào chế tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, Nga. Ảnh: Getty Images

Vaccine Sputnik V được nghiên cứu bào chế tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, Nga. Ảnh: Getty Images

Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của Sputnik V cho thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào, trong khi tỷ lệ các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với các ứng cử viên vaccine Covid-19 khác dao động từ 1% đến 25%. Tạp chí Lancet cho biết: “Cả hai công thức vaccine đều an toàn và được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ nhẹ thường gặp nhất là: Đau tại chỗ tiêm, tăng nhiệt độ cơ thể, nhức đầu, suy nhược (suy nhược cơ thể hoặc thiếu năng lượng), đau cơ và khớp. Các tác động nhẹ này tương tự như những tác dụng gây ra bởi các vaccine adenovirus khác và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào”.

Trong cuộc họp báo trực tuyến diễn ra cùng ngày, phản hồi thắc mắc của báo giới quốc tế về mẫu số quá ít trong cuộc thử nghiệm này, ông Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF), nói rằng số lượng người tham gia thử nghiệm lâm sàng được nhận hai mũi vaccine của Nga, cao gấp 4 lần loại vaccine AstraZeneca (Anh).

Ông Kirill Dmitriev khẳng định, “với việc công bố này, chúng tôi có thể trả lời tất cả những hoài nghi của phương Tây suốt 3 tuần qua nhằm hạ thấp vaccine của Nga”. Tạp chí Lancet công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với Sputnik V trong bối cảnh có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của loại vaccine do Nga bào chế và sản xuất.

Cùng ngày 4-9, hãng tin RT dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bộ trưởng Sergei Shoigu đã tiêm vaccine Sputnik V tại một cơ sở y tế ở khu vực Moscow. Bộ trưởng Thương mại Nga Denis Manturov cũng cho biết, ông đã được tiêm Sputnik V và sốt nhẹ trong ngày đầu tiên. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố loại vaccine này an toàn và con gái ông cũng đã tiêm thử nghiệm và sức khỏe vẫn bình thường.

Theo ông Kirill Dmitriev, có hơn 40 quốc gia quan tâm đến việc nhập khẩu vaccine Sputnik V nhưng năng suất hiện tại chưa bảo đảm để đáp ứng nhu cầu. Nga đang thảo luận hợp tác với Ấn Độ và Brazil để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này, đồng thời bỏ ngỏ khả năng xuất khẩu đến tháng 11.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 13 loại vaccine tiềm năng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Nhà khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan dự báo việc tiêm chủng ngừa Covid-19 trên diện rộng có thể phải tới giữa năm sau mới làm được bất chấp thực tế trong nhiều tuần tới khả năng Mỹ sẽ bắt đầu phân bổ loại vaccine này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại khi các nhà sản xuất đang đẩy nhanh quá trình bào chế vaccine ngừa Covid-19, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 870.000 người và khiến hơn 26 triệu người mắc bệnh. Theo các quy trình thông thường, phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để khẳng định rằng một vaccine tiềm năng nào đó là an toàn và hiệu quả. Nhưng đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành, gây sức ép lớn phải nhanh chóng tìm ra một loại vaccine phòng ngừa, làm dấy lên lo ngại rằng các tiêu chuẩn xét nghiệm có thể bị hạ thấp. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “WHO sẽ không phê chuẩn một vaccine nào không hiệu quả và an toàn”.

XUÂN PHONG

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=151356