Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em
Ngày 10/10, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2024.
Thực hiện chỉ đạo của Bệnh viện Mắt Trung ương về việc hưởng ứng ngày Thị giác thế giới năm 2024, ngành Y tế Lâm Đồng tổ chức các hoạt động theo chủ đề năm nay. Với mục tiêu “Quyền được nhìn thấy cho mọi người vào năm 2030”, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức phòng, chống mù lòa Quốc tế đã quyết định chọn ngày thứ 5 của tuần lễ thứ 2 vào tháng 10 hàng năm là Ngày Thị giác thế giới (năm nay là ngày 10/10/2024). Năm nay với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên sức khỏe mắt của trẻ em và mang đến cho trẻ em trên toàn thế giới cơ hội yêu thương đôi mắt của mình.
Nhằm động viên toàn xã hội tham gia vào hoạt động chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa, Sở Y tế tỉnh đề nghị các đơn vị tham gia các hoạt động hưởng ứng như: Tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng chống mù lòa. Tổ chức lề mít tinh hưởng ứng ngày Thị giác thế giới xung quanh sự kiện này. Tổ chức các đợt khám và cấp thuốc miễn phí tùy theo khả năng và kinh phí của địa phương.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ/ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Do đó, chỉ nên tương tác với các thiết bị điện tử dưới khoảng thời gian này mỗi ngày. Thống kê ở Việt Nam, trung bình một ngày, mỗi người dành 6 giờ để truy cập mạng, 2 giờ để xem tivi. Con số này cao gần gấp 3 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Do sử dụng các thiết bị điện tử như: tivi, ipad, điện thoại, máy tính, đọc sách sai cách, ít các hoạt động ngoài trời, dẫn đến nhiều trẻ em phải đến các bệnh viện thăm khám các bệnh lý về mắt, đáng chú ý có nhiều trẻ bị tăng độ và bị cận thị. Để giúp trẻ có đôi mắt khỏe mạnh, phụ huynh hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, cần tăng thời gian hoạt động vui chơi ngoài trời cho trẻ.
Lứa tuổi học sinh rất dễ bị một số tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị… Tật khúc xạ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt. Do không nhìn thấy rõ nên các em khó hiểu bài, kết quả học tập giảm sút. Nếu để lâu không chữa trị có thể gây bệnh “mắt lười” gây suy giảm thị lực, khó điều trị.
Những dấu hiệu của tật khúc xạ gồm: Nhìn mờ, nhìn không rõ, có bóng đôi; hay nhầm lẫn khi đọc chữ trên bảng, sách báo; xem tivi thường nheo mắt, nhìn nghiêng một bệnh hoặc phải đến gần mới thấy rõ; mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, dễ mất tập trung khi học tập hay đọc sách, báo.
Nguyên nhân gây tật khúc xạ: Thói quen đọc sách, sử dụng thiết bị điện tử không hợp lý; nhìn ở khoảng cách gần trong thời gian dài; học tập và làm việc trong môi trường ánh sáng kém, ánh sáng xanh; chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu Vitamin A; yếu tố di truyền.
Các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo chăm sóc mắt bằng cách: Ngồi đúng tư thế (lưng thẳng, mắt cách bàn học 30cm) và ở nơi có đủ ánh sáng khi học, đọc sách, sử dụng vi tính; xem tivi, chơi điện tử không quá 45 phút mỗi lần; nghỉ 10-15 phút sau mỗi giờ học; tăng cường vận động ngoài trời, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bí đỏ, thịt, cá, trứng… tăng cường sức khỏe mắt.
Ở lứa tuổi học sinh, các em nên đi khám mắt định kỳ khoảng 6 tháng hoặc 1 năm một lần để phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ kịp thời, tạo thuận lợi cho việc học. Nên đi khám tại các cơ sở y tế có uy tín. Nếu mắc tật khúc xạ thì nên đeo kính thường xuyên để giúp nhìn rõ hơn, nếu để lâu dễ dẫn đến nhược thị (mắt bị yếu) và suy giảm thị lực (nhìn ở đâu cũng không rõ).
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/uu-tien-cham-soc-mat-tre-em-cf52139/