Ưu tiên bố trí kinh phí cho các công trình nước sạch nông thôn

Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa khảo sát tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Công

Ông Phạm Ngọc Công

Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Phạm Ngọc Công, Trưởng đoàn khảo sát xung quanh cuộc khảo sát nói trên.

* Qua khảo sát thực tế, ông đánh giá như thế nào về tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh thời gian qua, thưa ông?

- Tính đến thời điểm này, trên địa bàn 3 huyện miền núi: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân đã đầu tư, đưa vào quản lý, sử dụng và khai thác 72 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong đó có 24 công trình hoạt động bền vững, 10 công trình hoạt động bình thường, 13 công trình hoạt động kém hiệu quả, 17 công trình không hoạt động, 8 công trình đã thanh lý. Việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong vùng dự án, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở những khu vực khó khăn, góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Chúng tôi cũng nhận thấy, chương trình cấp nước sạch nông thôn tập trung vùng đồng bào DTTS và miền núi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, UBND các huyện, các xã và sự đồng tình, hưởng ứng cao của người dân. Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nước sạch được ban hành tương đối kịp thời, đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức thực hiện. Các công trình cấp nước được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao sức khỏe, tiết kiệm được thời gian, sức lao động cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi. Nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng chuyển biến tích cực, tự giác tham gia đóng góp xây dựng, bảo quản, sử dụng công trình nước. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển nông thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho Nhân dân.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát chương trình cấp nước sạch tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Ảnh: THÙY THẢO

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát chương trình cấp nước sạch tại xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Ảnh: THÙY THẢO

* Còn những tồn tại, hạn chế, thưa ông?

- Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã đưa vào sử dụng trên 10 năm nên thường xuyên hư hỏng, xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Trang thiết bị đầu tư công trình các giai đoạn chưa đồng bộ nên khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát và đánh giá tỉ lệ thất thoát nước. Kinh phí phân bổ hàng năm để đầu tư, nâng cấp mở rộng công trình cấp nước trên địa bàn các huyện miền núi rất ít, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nguồn thu tiền sử dụng nước không đủ chi phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa khắc phục các sự cố nhỏ; mô hình quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước chưa được thống nhất; việc chuyển đổi hoặc thành lập đơn vị sự nghiệp công để làm nhiệm vụ quản lý, vận hành chưa được thực hiện. Trình độ nghiệp vụ, năng lực, kinh nghiệm của nhân viên quản lý, vận hành còn yếu, chưa đồng đều, thường xuyên thay đổi, nhiều trạm nhân viên không đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn. Công tác kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư, nâng cấp mở rộng công trình cấp nước cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc đi thực tế tại công trình cấp nước ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). Ảnh: THÙY THẢO

Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc đi thực tế tại công trình cấp nước ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). Ảnh: THÙY THẢO

* Vậy ban đã có những đề xuất, kiến nghị như thế nào để sớm khắc phục những khó khăn và tồn tại, hạn chế như ông vừa nêu?

- Chúng tôi đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương sớm ban hành nghị định quy định cấp nước sinh hoạt nông thôn; các thông tư hướng dẫn quy trình bảo trì công trình cấp nước sạch nông thôn; thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực thủy lợi, nước sạch nông thôn; quy trình đặt hàng, giao kế hoạch dịch vụ công cấp nước sinh hoạt cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và quyết định về thực hiện tín dụng ưu đãi công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả mục tiêu theo Kế hoạch 27/KH-UBND ngày 6/2/2023 của UBND tỉnh về đầu tư, nâng cấp công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trước mắt, xem xét hỗ trợ kinh phí hoặc kêu gọi đầu tư để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng các công trình cấp nước đã xuống cấp, không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả và những khu vực chưa có công trình cấp nước. Trong thời gian chờ trung ương ban hành khung định mức sản xuất nước sạch khu vực nông thôn và hướng dẫn xây dựng giá nước, tỉnh xem xét tăng giá nước sinh hoạt ở khu vực miền núi từ 6.000 đồng/m3 mức thu hiện nay (cấp nước bơm dẫn) lên 7.000 đồng/m3 để đảm bảo kinh phí trong quản lý vận hành; đồng thời cho phép tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng công trình cấp nước nông thôn cho đến khi tỉnh ban hành giá nước mới (không trích khấu hao).

UBND các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân cần chủ động ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia và lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện danh mục dự án theo Kế hoạch 27 của UBND tỉnh; rà soát đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng công trình ngay sau khi dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư theo kế hoạch trên. Hằng năm, các huyện chủ động xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước tập trung đã đầu tư ở các giai đoạn trước đang xuống cấp nhằm duy trì ổn định việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời chỉ đạo xây dựng bộ máy đáp ứng với năng lực, trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ để bảo đảm công tác quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả công trình; rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng, khai thác và thực hiện thủ tục thanh lý đối với các công trình cấp nước tập trung đã xuống cấp, không còn hoạt động nhiều năm…

* Xin cảm ơn ông!

THÙY THẢO (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298730/uu-tien-bo-tri-kinh-phi-cho-cac-cong-trinh-nuoc-sach-nong-thon.html