Uống trà giữa trời tuyết trắng ở Bảo tàng Dân tộc học ngoài trời 'Torum Maa' vùng Yugra
Nằm ở cực bắc của nước Nga, vùng đất Yugralà ngôi nhà chung của 32.000 người Khanty, Mansi và Nenets, những dân tộc bản địa gắn bó sâu sắc với rừng. Nơi đây có một Bảo tàng Dân tộc học Ngoài trời mang tên Torum Maa.
Không gian tại đây được tái hiện sống động như một khu định cư thực sự, với các hiện vật vật chất và tinh thần nguyên bản của dân tộc Khanty và Mansi. Đến đây, giữa đất trời bao la phủ đầy tuyết trắng, bạn sẽ được chào đón bằng một loại trà thảo mộc ấm nóng của người bản địa, do chính tay người dân tộc chuẩn bị.
PV: Thưa ông, xin ông giới thiệu đôi nét về Bảo tàng Dân tộc học Ngoài trời "Torum Maa"?
Ông Sergey Pavlovich: Bảo tàng do giới trí thức người Khanty-Mansisk thành lập vào năm 1987. Chúng tôi quyết định xây dựng bảo tàng để thế hệ trẻ thuộc các dân tộc thiểu số bản địa vùng cực Bắc có thể tiếp cận với văn hóa của mình, bởi vì cuộc sống hiện đại khiến một số bạn trẻ thậm chí còn không biết rằng tổ tiên họ từng sống trong các khu định cư du mục. Trải qua thời gian, Bảo tàng của chúng tôi hiện có tới bốn khu trưng bày.
Nhiều hiện vật đến từ các vùng khác nhau, bao gồm cả Khanty-Mansi và không chỉ giới hạn trong khu vực mà các dân tộc Khanty sinh sống truyền thống.
Chúng tôi tập hợp tất cả mọi thứ tại Bảo tàng, ngay cạnh sườn núi Ural. Hàng năm, chúng tôi tổ chức các hội thảo về các chủ đề khác nhau và mời các nghệ nhân từ các khu vực khác nhau của địa phương hoặc thậm chí là Tây Siberia tham dự.
Họ sẽ trình diễn những kỹ thuật thủ công truyền thống của mình. Đây là những người còn giữ được nét văn hóa truyền thống và chúng tôi đang cố gắng bảo tồn những nét văn hóa này. Chúng tôi cũng tham gia vào các hội thảo này để học hỏi kỹ năng từ các nghệ nhân, để từ đó có thể tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau.
PV: Vậy nét đặc sắc nhất của Bảo tàng là gì, thưa ông?
Ông Sergey Pavlovich: Có lẽ nét đặc sắc nhất là bảo tàng nằm ở ngoài trời. Hiện nay, bộ sưu tập của bảo tàng gồm hơn ba nghìn hiện vật. Du khách sẽ được làm quen với "Thánh địa của các dân tộc Ob-Ugric" và "Khu định cư mùa đông của người Mansi phương Bắc".
Các hiện vật trưng bày, cả bên ngoài và bên trong, hầu hết đều là đồ vật thật. Tức là chúng không phải là đồ vật mới làm. Và chúng cũng không bị cất giữ trong kho, trong các ngăn kéo, không bị giấu sau các tủ kính, mà chúng được trưng bày ở đây để du khách có thể chiêm ngưỡng.
Bảo tàng của chúng tôi có phần tương tác, nghĩa là ở một số khu vực, du khách thậm chí có thể chạm vào một số đồ vật.
Chúng tôi cố gắng xây dựng các khu trưng bày sao cho giống với thực tế nhất có thể, bằng cách mời các nghệ nhân người dân tộc bản địa đến đây cùng chúng tôi xây dựng. Ví dụ, chúng tôi đã xây dựng một ngôi nhà tắm hơi truyền thống, nơi khách tham quan có thể thử nghiệm. Hoặc một xưởng rèn, nơi các thợ rèn làm việc và mọi thứ đều hoạt động. Đặc biệt, đến đây, giữa đất trời bao la phủ đầy tuyết trắng, bạn sẽ được chào đón bằng một loại trà thảo mộc ấm nóng của người bản địa, do chính tay người dân tộc chuẩn bị.
Ở Bảo tàng Bashkiria có một ngôi nhà mùa hè và một ngôi nhà mùa đông. Chúng được xây dựng nhằm tái hiệu cuộc sống của người dân địa phương. Nhà mùa hè thường được xây dựng bên bờ sông, thường là một con sông lớn. Bởi vì mùa hè, người dân tộc chủ yếu đi câu cá. Và như vậy, họ không cần phải đi quá xa. Còn nhà mùa đông thì nằm sâu trong rừng. Trong nhà có những chiếc áo mùa đông rất dày và ấm. Loại quần áo có hai lớp có khả năng giữ nhiệt rất tốt.
PV: Bảo tàng có những hoạt động gì để thu hút giới trẻ và ông muốn nhắn gửi điều gì tới thế hệ trẻ ở Yugra về nét văn hóa truyền thống của các dân tộc địa phương?
Ông Sergey Pavlovich: Tôi chỉ muốn nói một điều quan trọng là các bạn trẻ nên quan tâm tìm hiểu và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Khanty-Mansi, bởi vì trong cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ hầu như không quan tâm.
Chúng tôi đã cố gắng thu hút họ đến bảo tàng thông qua các chương trình đa dạng. Chúng tôi không chỉ có các tour tham quan thông thường, mà còn có các chương trình khác; tổ chức các cuộc thi dành cho mọi lứa tuổi.
Vào mùa hè, chúng tôi thậm chí còn tổ chức các lớp học “sinh tồn”. Tức là dạy cho thế hệ trẻ, bất kể dân tộc nào, cách sinh tồn trong rừng trong những trường hợp khẩn cấp. Làm thế nào để xác định phương hướng mà không cần la bàn? Làm thế nào để nhóm lửa bằng các vật liệu sẵn có? Nếu một em nhỏ gặp phải tình huống nguy hiểm, nếu đã tham gia lớp học sinh tồn của chúng tôi, em sẽ cảm thấy tự tin hơn và biết cách bình tĩnh xử lý dù gặp bất cứ tình huống nguy hiểm nào ở trong rừng.
PV: Xin cảm ơn ông!