Uống bia 0 độ, khi thổi nồng độ cồn có lên không?

Theo chuyên gia y tế, một số loại bia được dán nhãn không cồn, nhưng nếu uống quá nhiều hoặc uống xong thổi nồng độ cồn ngay vẫn có thể khiến tài xế đối diện nguy cơ bị xử phạt.

Bia 0 độ không có nghĩa là không có cồn!

Thời gian này, nhiều người có xu hướng chọn uống bia không cồn, thay vì uống bia bình thường như trước đây. Theo họ, uống bia không cồn sẽ không bị say, giúp an toàn hơn khi lái xe và nếu có bị cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra, nồng độ cồn cũng không lên.

Trong khi đó, uống bia không cồn vẫn có một nồng độ cồn nhất định, dù là rất thấp. Với quy định nồng độ cồn tuyệt đối như hiện nay, một số loại bia được dán nhãn không cồn, nhưng nếu uống quá nhiều hoặc uống xong thổi nồng độ cồn ngay vẫn có thể khiến tài xế đối diện nguy cơ bị xử phạt.

Theo các chuyên gia, bia 0 độ vẫn chứa một hàm lượng cồn nhất định.

Trao đổi với Báo Giao thông, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng bộ phận điều trị Oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, bia có nồng độ cồn bằng 0 hay còn gọi là bia chay, bia không cồn là sản phẩm được tách chiết hết cồn hoặc được ủ để chứa lượng cồn thấp hơn mức cho phép.

Trên thực tế, nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5% bởi mỗi quốc gia có quy định nồng độ cồn trong bia khác nhau. Ví như theo quy định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đồ uống nồng độ cồn dưới 0,5% có thể xem là không cồn, còn tại Italy, bia 0 độ vẫn chứa nồng độ cồn tới 1,2%, tại Anh là 0,05%.

Chính vì vậy, nếu sử dụng bia 0 độ thì khả năng hơi thở bạn vẫn có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp. Nếu uống bia 0 độ, nhất là uống nhiều mà tham gia giao thông ngay, thì khi bị yêu cầu dừng lại thổi nồng độ cồn vẫn có thể có mức vi phạm. Như vậy, tốt nhất không nên sử dụng bia, dù là bia 0 độ trước khi tham gia giao thông.

Theo giới thiệu từ phía đại diện Heineken, Heineken 0.0 chứa một lượng cồn rất nhỏ - thấp hơn 0.03% độ cồn, tức là còn thấp hơn lượng cồn chứa trong một ly nước cam thông thường bởi, hầu hết các loại nước ép trái cây tự nhiên sẽ chứa một lượng cồn nhỏ tương tự do quá trình lên men tự nhiên.

Khi thực sự đã sử dụng bia 0 độ, người điều khiển phương tiện có thể đề nghị CSGT cho mình súc miệng bằng nước lọc và đo lại.

Uống bia 0 độ gặp CSGT xử lý thế nào?

Rất nhiều lần khi theo chân lực lượng CSGT của TP Hà Nội xử lý vi phạm nồng độ cồn, PV Báo Giao thông nhận thấy không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn mà thông tin với lực lượng chức năng là trước đó uống bia 0 độ.

Chỉ có số ít đưa ra lý do là có uống bia, rượu có cồn nhưng uống ít nhưng "không ngờ lại đo lại lên nồng độ cồn trong hơi thở".

Trao đổi với PV Báo Giao thông, cán bộ CSGT nhiều đội của Công an TP Hà Nội cũng cho biết, chưa thấy hiện tượng người vi phạm nồng độ cồn thông tin là uống bia không cồn trước khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra.

"Hơn nữa, việc người điều khiển phương tiện giao thông uống gì trước khi đo nồng độ cồn, chúng tôi không thể kiểm soát được. Nếu họ uống bia rượu có cồn sau đó gặp CSGT lại bảo là uống bia không cồn thì cũng không có gì chứng minh điều họ nói. Chính vì thế, chúng tôi chỉ căn cứ vào kết quả đo thực tế khi kiểm tra, nếu có nồng độ cồn trong hơi thở chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý theo quy định", vị cán bộ CSGT này nói.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời điểm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực, cơ quan chức năng đã thực nghiệm trên 150 test thử với nhiều loại hoa quả, thuốc, nước súc miệng, nước trái cây lên men.

Kết quả cho thấy có trường hợp ăn, uống các loại này nếu đo ngay sau khi sử dụng thì có lên nồng độ cồn. Tuy nhiên, sau khi họ súc miệng bằng nước lọc và đo lại thì không còn nồng độ cồn.

Theo đại tá Nhật, nếu tài xế băn khoăn về kết quả kiểm tra nồng độ cồn, họ có quyền đề nghị CSGT cho nghỉ ngơi một lúc, có thể uống nước lọc rồi kiểm tra lại để đảm bảo sự khách quan.

Còn theo đại diện đơn vị tham gia soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an, quá trình tiếp thu ý kiến, một số ý kiến cho rằng có nhiều loại thức ăn, đồ uống… có chứa hàm lượng cồn. Do đó, khi người dân ăn uống vào sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm về nồng độ cồn rồi xử phạt.

"Thức ăn hay đồ uống có chứa cồn vẫn có tác dụng giống nhau đối với cơ thể như sử dụng rượu bia có cồn. Do đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần cân nhắc trước sử dụng để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật", vị đại diện cho hay.

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/uong-bia-0-do-khi-thoi-nong-do-con-co-len-khong-192240312144333167.htm