Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa trị đúng

Ngày nay cùng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bệnh ung thư không còn là nỗi đáng sợ, không còn là 'án tử' với nhiều người không may mắc phải. Quan trọng nhất là bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm. Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa trị đúng.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình cánh bướm, nằm ở phía trước cổ. Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là tiết hormone tuyến giáp vào máu để vận chuyển tới từng mô trong cơ thể, giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, cho phép tim, não, các cơ quan làm việc ổn định.

Ung thư tuyến giáp hình thành khi các tế bào trong tuyến giáp bị thay đổi, phân chia quá nhanh mà không chịu sự kiểm soát của cơ thể. Khi tới ngưỡng vừa đủ, chúng tạo thành một khối u có khả năng xâm lấn tới các mô xung quanh và di căn tới những cơ quan xa hơn trên cơ thể.

Ung thư tuyến giáp có tỷ lệ chữa khỏi rất cao.

Ung thư tuyến giáp có tiên lượng bệnh tốt hơn so với nhiều loại ung thư khác vì loại tế bào biệt hóa tốt (dạng nang, dạng nhú có mức độ ác tính thấp) chiếm tới 90% trong các loại ung thư ở tuyến giáp. Đặc biệt, bệnh nhân dưới 45 tuổi, phát hiện bệnh khi khối u có kích thước nhỏ, chưa di căn sẽ có cơ hội chữa khỏi cao hơn (lên tới 90 - 97%).

Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu phát triển khá âm thầm, hầu như không có triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể phát hiện ung thư ở tuyến giáp nếu thấy khối u vùng cổ khi soi gương, đeo dây chuyền, đóng khuy cổ áo hoặc bị đau cổ, hàm hoặc tai. Đến giai đoạn sau khi nhân tuyến giáp đủ lớn, nó có thể chèn ép vào khí quản hoặc thực quản gây nuốt vướng, khó thở, khàn tiếng hoặc nổi hạch vùng cổ,...

Khi kết quả chọc hút tế bào kết luận là ung thư tuyến giáp hoặc nghi ngờ ung thư thì người bệnh sẽ được lên kế hoạch điều trị. Việc điều trị bệnh thường là kết hợp nhiều phương thức để thu được kết quả tốt nhất. Các phương thức điều trị là: phẫu thuật và xạ trị với i-ốt phóng xạ. Tùy tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau phẫu thuật và điều trị i-ốt phóng xạ, bệnh nhân có một chế độ điều trị nội tiết và theo dõi chặt chẽ, dài hạn để giảm khả năng tái phát ung thư tuyến giáp và đưa người bệnh trở lại cuộc sống như người khỏe mạnh bình thường. Đồng thời, người bệnh cũng được theo dõi định kỳ chặt chẽ (siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu) để phòng ngừa ung thư tái phát.

Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp phát hiện bệnh khi kích cỡ khối u chỉ 2mm thì chỉ cần phải cắt một bên thùy giáp có ung thư, thùy còn lại vẫn hoạt động bình thường. Những bệnh nhân này không cần phải uống thuốc bổ sung hormone tuyến giáp. Với bệnh nhân bị cắt cả 2 thùy giáp, ngoài việc dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời thì sức khỏe và sinh hoạt hầu như không bị ảnh hưởng.

Thông thường, thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư tuyến giáp trong vòng 10 năm là gần 100%. Tỷ lệ tử vong do bệnh rất thấp.

Do đó, việc phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh và hạn chế các biến chứng của các phương pháp điều trị. Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường như khó nuốt, đau họng, sưng hạch cổ, sờ thấy khối u vùng cổ,... bệnh nhân nên sớm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời.

Khi được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ để điều trị hiệu quả và theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa bệnh tái phát. Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh cũng cần chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý.

BS. Trần Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-tuyen-giap-co-the-chua-khoi-neu-phat-hien-som-chua-tri-dung-n180523.html