Ung thư gan đứng top đầu tử vong về bệnh lý ung thư ở nam giới

Vượt qua ung thư phổi, ung thư gan đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm tăng cao, chiếm 13,6% tổng số ca ung thư. Trong đó, 77% số ca ung thư gan là nam giới.

Những con số đáng báo động

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể (sau da) và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng khác nhau trong việc bảo vệ sức khỏe.

Hầu như, gan xử lý tất cả những gì chúng ta ăn hoặc uống vào, đồng thời lọc các chất độc có trong máu. Chính vì thế, bảo vệ lá gan là một trong những việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu bạn là người biết quan tâm đến sức khỏe của mình.

Ung thư gan trở thành căn bệnh gây tử vong cao nhất ở nam giới. (Ảnh: Internet).

Ung thư gan trở thành căn bệnh gây tử vong cao nhất ở nam giới. (Ảnh: Internet).

Theo số liệu năm 2022 của Globocan - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế cho biết, tỉ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam đứng vị trí đầu tiên với hơn 18.952 ca mắc ở nam giới và nằm trong top 1 tử vong cao nhất tại Việt Nam.

Ung thư gan (Liver) đã hoàn toàn vượt qua ung thư phổi để dẫn đầu số ca tử vong ở nam giới tại Việt Nam. (Ảnh: Globocan).

Ung thư gan (Liver) đã hoàn toàn vượt qua ung thư phổi để dẫn đầu số ca tử vong ở nam giới tại Việt Nam. (Ảnh: Globocan).

Theo số liệu mới nhất của World Cancer Research Fund (2018), Việt Nam đứng thứ 4 về số ca mắc mới ung thư gan trên thế giới với tỉ lệ trung bình cứ 100.000 người dân có hơn 23 người mắc bệnh.

Tiếp đến, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tỉ lệ mắc ung thư gan, đây cũng là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong, sau ung thư phổi. Trung bình mỗi năm có 25.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này, thể hiện rất rõ đặc trưng nguy hiểm cao của ung thư gan.

Dựa trên các nghiên cứu, các bệnh về gan có tỉ lệ mắc cao nhất và có nguy cơ dẫn đến ung thư gan là:

Viêm gan virus B (HBV): Viêm gan B là bệnh gan phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 257 triệu người trên thế giới nhiễm HBV mạn tính. Các bệnh nhân viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao phát triển thành ung thư gan, lên đến 15-40%.

Viêm gan virus C (HCV): Khoảng 58 triệu người trên thế giới nhiễm HCV mạn tính. Những bệnh nhân viêm gan C mạn tính có nguy cơ phát triển ung thư gan lên đến 1-5% sau 20-30 năm.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): NAFLD đang ngày càng phổ biến, ước tính khoảng 25% dân số trưởng thành toàn cầu mắc bệnh này. NAFLD có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư gan lên đến 3-5 lần so với dân số chung.

Ngoài ra, các bệnh gan mạn tính khác như xơ gan do rượu, bệnh Wilson cũng được xem là yếu tố nguy cơ đối với ung thư gan.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan

Bác sĩ CKI Trần Duy Viễn, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Ung thư gan, có rất nhiều các nguyên nhân có thể dẫn đến căn bệnh này. Tuy nhiên, bên cạnh xơ gan, thừa sắt và lạm dụng rượu bia, nguyên nhân chính được xác định hàng đầu chính là do virus viêm gan B hoặc C. Đây là 2 loại virus gây nhiễm trùng mạn tính và được gọi với cái tên là “sát thủ thầm lặng", vì luôn âm thầm mà dẫn dắt chúng ta đến nguy cơ ung thư gan".

Ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng thì ung thư gan có hai yếu tố chính để gặp phải. Thứ nhất là tự mặc bệnh và thứ hai là do vấn đề di truyền.

Mắc phải ung thư gan có thể là do tác động từ môi trường, từ các ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc gặp phải các bệnh lý về viêm nhiễm,... có thể gây nên tình trạng ung thư. Còn về di truyền, người thân trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến gan, ung thư gan thì khi xét nghiệm máu có thể phát hiện ra có mắc phải bệnh hay không.

Bác sĩ Trần Duy Viễn thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: Mỹ Hậu).

Bác sĩ Trần Duy Viễn thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: Mỹ Hậu).

Bác sĩ Viễn cho biết thêm, các triệu chứng để phát hiện sớm các bệnh lý về gan và nghi ngờ ung thư gan có thể kể đến như: đau bụng vùng sườn phải (vùng gan). Tuy nhiên có nhiều trường hợp không gây đau nhưng có trường hợp sẽ ảnh hưởng chung đến thể trạng của bệnh nhân. Khi phát hiện ra khối u, các tế bào ung thư hút các chất dinh dưỡng của cơ thể, làm cơ thể trở nên gầy sút, xanh xao, ăn uống kém, mệt mỏi,...

Sụt cân không rõ nguyên nhân, bệnh nhân thường cảm thấy ăn uống kém và sụt cân nhanh chóng mà không rõ nguyên do.

Chán ăn, buồn nôn, nôn: Do khối u ảnh hưởng đến thực quản và dạ dày, khiến bệnh nhân thường có cảm giác chán ăn, buồn nôn và nôn.

Gan to bất thường: Khối u trong gan có thể làm gan to bất thường, có thể sờ thấy được khi khám.

Vàng da, vàng mắt: Do khối u ung thư làm tắc đường mật, gây ra tình trạng tích tụ bilirubin, dẫn đến vàng da, vàng mắt.

Sốt không rõ nguyên nhân: Khối u ảnh hưởng đến các chất trong cơ thể, có thể gây ra tình trạng sốt không rõ nguyên nhân.

Độ tuổi mắc phải ung thư gan chủ yếu rơi vào độ tuổi trung niên, càng lớn tuổi thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao. Và đặc biệt, bệnh này chiếm tỉ lệ mắc ở nam giới cao gấp nhiều lần so với nữ giới.

Tuy nhiên theo những báo cáo, nghiên cứu hiện nay, bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa dần do các tác động khách quan về môi trường, đặc biệt là con người nạp quá nhiều thức ăn không lành mạnh vào cơ thể, tiếp xúc với môi trường độc hại càng gia tăng thêm khả năng mắc các bệnh lý về ung thư nói chung chứ không chỉ riêng gì về ung thư gan.

"Trong ung thư gan gồm những cá thể khác nhau, nó sẽ phát triển theo từng loại tế bào, phải phụ thuộc vào những cái đó chúng ta mới tiên lượng được bệnh của bệnh nhân. Có những trường hợp tế bào ung thư phát triển nhanh, như ung thư biểu mô thì tiến triển của nó rất nhanh, còn những loại khác thì có thể tiến triển chậm hơn. Những cái đó đều phải qua xét nghiệm sinh thiết, làm tế bào học, nhuộm soi kính hiển vi để xác định được tế bào đó phát triển nhanh hay chậm. Gan là nhà máy hóa chất lọc các chất độc trong cơ thể. Tất cả các đồ ăn, thức uống khi mình ăn uống vào nếu có chất độc đều sẽ qua gan xử lý. Vì vậy, gan là nơi chịu tác động đầu tiên bởi các chất “độc” đó. Vì thế cần ăn uống hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế rượu bia để tránh “hành hạ” lá gan của mình", bác sĩ Viễn chia sẻ.

Phạm Thị Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ung-thu-gan-dung-top-dau-tu-vong-ve-benh-ly-ung-thu-o-nam-gioi-a665192.html