Ứng phó với lũ quét, sạt lở: Bài toán di dời bản làng

Thực tế những năm qua, mỗi lần thiên tai ập đến đều để lại những hậu quả rất đau lòng từ hiện trạng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi. Công tác cảnh báo và phòng tránh thiên tai dẫu đã có những tiến bộ nhưng vẫn chưa thể dự báo được chính xác thời điểm và vị trí xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Do vậy, bài toán đặt ra là cần làm thế nào để di dời các bản làng khỏi những vùng nguy hiểm trước khi thiên tai xảy ra.

Vị trí xây dựng khu tái định cư Làng Nủ. Ảnh: Trọng Điểm.

Vị trí xây dựng khu tái định cư Làng Nủ. Ảnh: Trọng Điểm.

Chuyện đau thương nhắc lại

Thiên tai là không thể đoán trước và lũ quét, sạt lở đất đang ngày càng trở thành một mối đe dọa thường trực tại khu vực vùng núi Việt Nam. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, hơn 400 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, trong đó phần lớn là do sạt lở đất và lũ cuốn.

Đi qua cơn bão Yagi hồi trung tuần tháng 9/2024, có lẽ nhiều người vẫn còn ám ảnh bởi câu chuyện của thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Trận lũ quét và sạt lở ngày 10/9 đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi có 33 hộ dân sinh sống. Chỉ trong tích tắc, lớp đất đá dày đặc đã vùi lấp hàng chục ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Ngôi làng từng yên bình dưới chân núi Con Voi giờ chỉ còn là đống hoang tàn. Tính tới ngày 23/9, cơ quan chức năng xác định đã có ít nhất 55 người chết, 12 người mất tích.

Hay câu chuyện trước đó, tại Hà Giang, ngày 13/7/2024, một trận sạt lở bất ngờ xảy ra trên Quốc lộ 34, vùi lấp một chiếc ô tô khách đang di chuyển. Vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 11 người và làm 4 người bị thương.

Và chỉ chưa đầy một tháng sau, trong hai ngày 4 và 5/8, liên tiếp các vụ sạt lở đất tại Lạng Sơn và Sơn La khiến 3 người tử vong và 2 người khác bị thương.

Trước thiên nhiên con người thật nhỏ bé và nhiều khi là sự bất lực chịu đựng những thảm họa không thể lường trước. Trong quá khứ đau thương đã tàn khốc, thì ở hiện tại, lũ quét, sạt lở đất vẫn đang tiếp tục đe dọa nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Vừa qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa rơi vào tình trạng sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng. Tại huyện Mường Lát, sạt lở đất trên Quốc lộ 15 và Quốc lộ 16 đã chia cắt giao thông từ miền xuôi lên trung tâm huyện. Tại xã Mường Chanh, nước lũ từ suối Sim dâng cao ngập Tỉnh lộ 521E, buộc 18 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn. Hàng chục điểm sạt lở khác trên các đồi núi trong khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Không chỉ tại Thanh Hóa, tình hình tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Nghệ An. Rạng sáng ngày 22/9, các lực lượng chức năng đã kịp thời sơ tán người dân tại bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, trước khi núi sạt lở. Nhiều tuyến đường huyết mạch, trong đó có tuyến đường từ trung tâm thị trấn đi xã Mường Típ và Mường Ải, đã bị chia cắt bởi hai điểm sạt lở lớn.

Nhiều bài học đã được rút ra sau những trận lũ quét, sạt lở đất đầy thương tâm. Nhưng việc chủ động ứng phó với thiên tai vẫn còn đó nhiều điều cần khắc phục.

Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Di dời cần bài bản

Trước những cảnh báo thiên tai, việc di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở luôn là điều cần thực hiện gấp rút nhưng cần một chiến lược bài bản.

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ví dụ trong việc ứng phó với thiên tai từ kinh nghiệm các quốc gia khác: "Ngay ở Thái Lan, người ta làm rất là đơn giản là cung cấp từng xã 1 bình đo mưa, trên đó khắc ngưỡng, ví dụ mưa ở đó vượt quá ngưỡng 100ml thì tự khắc người ta báo động để người dân ở khu vực nhỏ ý thức sơ tán, phòng tránh".

Tại Việt Nam, việc di dân khỏi vùng sạt lở trước đây đã từng được thực hiện ở một số địa phương nhưng triển khai trên diện rộng không dễ vì thiếu quỹ đất và vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà cửa, đất canh tác. Tháng 10/2023, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du. Đến nay, bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét ở nhiều tỉnh đã hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ mỗi bản đồ thì chưa đủ.

Ví dụ, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét, bàn giao đến Ủy ban nhân dân cấp xã từ tháng 8/2023. Đây là dữ liệu giúp chính quyền và người dân địa phương biết được những nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét. Tuy nhiên, trong đợt mưa bão vừa rồi, vì không có thông tin cụ thể về lượng mưa tại từng thời điểm nên bản đồ chưa phát huy tác dụng. Lại phải mất vài năm mới xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông các bộ ngành, địa phương về nguy cơ sạt lở đất và lũ quét nên một số chuyên gia cho rằng, trước mắt cần nghiên cứu, ứng dụng cách làm của một số nước, kết hợp với kinh nghiệm của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam cho rằng, nhu cầu dân sinh, chỗ ở vẫn đang là vấn đề thường trực của người dân. Họ vẫn sẽ tìm đến những khu vực có thể phù hợp với cuộc sống và công việc của họ như trồng trọt, mùa màng thuận lợi để sinh sống và sản xuất. Tuy nhiên, không phải vùng nào cũng an toàn tuyệt đối về mặt thiên nhiên và nhiều người vẫn chấp nhận cuộc sống tại những khu vực này để mưu sinh. Để đảm bảo an toàn khi sống tại những vùng thường xuyên xảy ra sạt lở rất cần một hệ thống phân tích được các nguy cơ, rủi ro trên cơ sở lập bản đồ thiên tai, quy hoạch vùng nguy hiểm. Từ đó đưa bản đồ này xuống từng địa phương để có thể kịp thời cảnh báo người dân. Thậm chí cũng cần phải có những biện pháp cưỡng chế bắt buộc, di dời người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Kèm theo đó là những chính sách an sinh phù hợp để những người dân an cư tại nơi ở mới.

Cùng với đó, GS.TS Tạ Hòa Phương nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề này là vô cùng quan trọng. Từ đó phối hợp với lực lượng chức năng, và kết hợp với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để đưa ra các cảnh báo thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Còn theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Nhà nước cần bổ sung các quy định về lựa chọn địa điểm xây dựng, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Ở những nơi đồng bào còn đang sống rải rác, phân tán thì vận động đồng bào tự nguyện di chuyển vào các làng bản gần đường giao thông; Dành quỹ đất cho các công trình quan trọng như nhà ở, trường học, y tế, trụ sở. Quy hoạch các điểm dân cư cần chỉ ra các địa điểm sơ tán khẩn cấp và có cảnh báo sớm để sơ tán kịp thời.

"Việc cơ quan nhà nước cần làm ngay sau cơn siêu bão số 3 là phải xem xét, kiểm tra lại tất cả bản làng, đưa ra chính sách định cư, di dời phù hợp để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất", ông Chính nói.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm

Di dời người dân khỏi bản làng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất là biện pháp thực tế hữu hiệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam liên tục đối mặt với các hiện tượng thiên tai như lũ quét và sạt lở đất, thì việc cảnh báo sớm để giảm thiểu thiệt hại là một trong những vấn đề quan trọng cần được tập trung cải thiện, nâng cao.

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết hiện nay có nhiều công nghệ và phương pháp cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu là do quy mô hẹp và chưa thể áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Về cảnh báo sạt lở đất, có thể lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động để đo sự dịch chuyển của khối trượt. Khi sự dịch chuyển này vượt quá giới hạn an toàn, hệ thống sẽ tự động cảnh báo cho chính quyền và người dân để họ kịp thời sơ tán. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của phương pháp này là do Việt Nam có rất nhiều vùng miền núi với vô số sườn núi có nguy cơ sạt lở, trong khi nguồn kinh phí và nhân lực để lắp đặt thiết bị quan trắc ở tất cả các khu vực này còn hạn chế. Thêm vào đó, ở một số nơi không có sóng điện thoại di động, internet hay điện lưới, việc truyền tín hiệu cảnh báo cũng gặp khó khăn.

Đối với lũ quét, việc cảnh báo sớm còn khó khăn hơn do đặc điểm xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Lũ quét thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 40 phút đến 1 giờ 30 phút, khiến việc cảnh báo trở nên vô cùng thách thức. Một số nghiên cứu và công nghệ đang được thử nghiệm, nhưng vẫn còn trong giai đoạn đầu. Các nhà khoa học khuyến nghị một phương pháp đơn giản để cảnh báo sớm lũ quét là vào mùa mưa, khi mực nước suối thay đổi bất thường, như nước suối cạn bất ngờ hoặc trở nên đục, thì đây có thể là dấu hiệu lũ quét sắp xảy ra và cần phải di dời ngay.

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai do các nhà khoa học xây dựng. Những bản đồ này chỉ ra các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét với các cấp độ khác nhau, nhưng chúng chưa thể chỉ ra thời gian cụ thể khi nào các hiện tượng này sẽ xảy ra. Điều này đòi hỏi sự phát triển hơn nữa về công nghệ cảnh báo thiên tai.

TS Nguyễn Đại Trung, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng dự báo tình trạng sạt lở đất.

Trong nỗ lực cảnh báo sớm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Đề án cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực miền núi và trung du. Đề án này bao gồm việc thiết lập hệ thống thông tin cảnh báo sớm, phát triển các mô hình cảnh báo và lập bản đồ phân vùng nguy cơ với tỉ lệ 1/10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực có rủi ro cao. Bản đồ giai đoạn đầu đã chỉ ra 220 xã có nguy cơ sạt lở cao nhất, trùng khớp với các khu vực thực tế thường xuyên xảy ra sạt lở.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro đồng bộ là một trong những ưu tiên của đề án. Các bản đồ này sẽ được tích hợp với các thông tin kinh tế, xã hội và tự nhiên, dựa trên phần mềm ARC-GIS và mạng lưới trí tuệ nhân tạo (Neural Network) để đưa ra các mức cảnh báo khác nhau. Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đã đưa các cảnh báo này vào các trang thông tin cảnh báo hàng ngày và hàng tháng cho các tỉnh có nguy cơ cao.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã thực hiện Đề án điều tra và đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc từ năm 2012 đến 2021. Các bản đồ hiện trạng sạt lở và phân vùng nguy cơ với tỉ lệ chi tiết đã được chuyển giao cho các tỉnh để sử dụng trong công tác phòng chống thiên tai.

Theo TS Nguyễn Đại Trung, chính quyền địa phương cần khẩn trương cập nhật và áp dụng các kết quả nghiên cứu từ đề án này ở cấp huyện và xã. Điều này giúp các địa phương chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai, đồng thời đảm bảo việc sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm được thực hiện một cách hiệu quả.

“Để nâng cao hiệu quả cảnh báo và ứng phó với thiên tai. Trước hết, chính quyền địa phương cần hướng dẫn cấp xã sử dụng các tài liệu và công nghệ đã được chuyển giao. Thứ hai, cần chuẩn bị sẵn các phương án di dời dân cư đến nơi an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Cuối cùng, việc tuyên truyền và tập huấn cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai là cực kỳ quan trọng. Các địa phương cần có sẵn kế hoạch dự phòng như "4 tại chỗ" để đảm bảo sẵn sàng trong mọi tình huống. Trong trường hợp mất liên lạc thông tin, bộ đàm có thể được sử dụng để duy trì kết nối giữa các khu vực chịu ảnh hưởng”, TS Nguyễn Đại Trung nói.

Việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm và ứng phó với thiên tai như sạt lở đất và lũ quét không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về người và của, mà còn góp phần bảo vệ cộng đồng và cơ sở hạ tầng của đất nước. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân để xây dựng một hệ thống cảnh báo thiên tai hiệu quả hơn trong tương lai.

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội:

Ông Nguyễn Quang Huân

Quy hoạch các vùng dân cư để tránh sạt lở và lũ quét là vấn đề rất tốn kém, cần nhiều nguồn lực. Bởi hiện nay người dân không chỉ sống ở các vùng ven sông, suối mà còn ở các vùng dưới chân núi. Có những chỗ đi lại rất khó khăn, không có đường vào. Cơ sở hạ tầng để tiếp cận với từng khu dân cư có chỗ chưa triển khai được.

Đây là vấn đề khá khó khăn. Bởi phải di dời người dân đến nơi đủ điều kiện sống. Nghĩa là an toàn nhưng phải có kế sinh nhai, có đất cho người dân sản xuất vì đa phần người dân sống dựa vào nông nghiệp. Chưa kể còn vấn đề về nguồn lực, cho nên nhiều khi nhìn các vùng thung lũng, núi đá, đồi đất biết nguy hiểm nhưng vẫn có người dân sinh sống. Vì dời đi chỗ khác họ không có đất để sản xuất.

Vì vậy cần tạo điều kiện để người dân định cư tại chỗ, vừa ở được, vừa có thể làm nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải lên quy hoạch. Nhất là hiện nay chúng ta đang cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Nhưng vấn đề quan trọng cần có chính là phải có nguồn lực.

TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam

Bản làng miền núi phần lớn là tự phát. Người dân thường bám theo nguồn nước là sông, suối để ở và canh tác. Suối lại là dòng chảy của lũ. Người dân sống ở khu vực đó rủi ro rất lớn, khi lũ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng. Làng Nủ là một ví dụ điển hình. Nên công tác di dời được thực hiện chủ động, mô hình làng bản an toàn được nhân rộng hơn thì thiệt hại do thiên tai sẽ bớt nặng nề.

Cơ quan quản lý nhà nước cần khảo sát địa chất để có giải pháp cụ thể đối với từng khu dân cư. Những khu vực nào nguy hiểm, nguy cơ cao cần di dời người dân. Nhà nước cần bố trí tái định cư với hạ tầng đáp ứng được yêu cầu đời sống và canh tác của khu dân cư, trước hết là giao thông.

Những khu dân cư nguy cơ thấp hơn, có thể xây dựng kè, đê ngăn lũ, ngăn xói lở. Giải pháp có thể làm ngay là xây dựng nhà cộng đồng chống thiên tai bằng bê tông cốt thép, nơi này sẵn sàng trở thành nơi lưu trú của người dân bản địa khi có nguy hiểm.

Việc di dời, xây dựng nhà ở cho đồng bào miền núi, những khu vực có nguy cơ cao hoàn toàn có thể tích hợp vào chương trình phát triển nhà ở, nhà ở xã hội mà Nhà nước đang triển khai. Vì bản chất chính sách nhà ở là dành cho đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là một chính sách công bằng. Thế nhưng hiện nay, chính sách nhà ở xã hội được đề cập nhiều ở thành phố mà chưa nhắc đến các khu dân cư tập trung cho đồng bào miền núi, thầy giáo, cô giáo vùng sâu, vùng xa.

NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-pho-voi-lu-quet-sat-lo-bai-toan-di-doi-ban-lang-10291757.html