Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững Quốc bảo Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) là một trong 4 loại nhân sâm quí nhất trên thế giới với những tác dụng đối với sức khỏe con người đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng quá lớn, trong khi công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong loại dược liệu này còn hạn chế, việc khai thác chưa đi liền với phát triển vùng nguyên liệu và chế biến sâu nên chưa khai thác được hết giá trị của Sâm Ngọc Linh.
Ứng dụng công nghệ để nhân giống, phát triển vùng nguyên liệu sâm
Cây sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv., thuộc giới Plantae, ngành Magnoliophyta, bộ Apiales, họ Araliaceae, chi Panax, loài Panax vietnamesis Ha et Grushv; là một trong 4 loại sâm tốt nhất thế giới với 52 hoạt chất Saponin và các chất chống oxi hóa. Hàm lượng saponin trong Sâm Ngọc Linh (13 ÷ 18%) cao hơn hẳn trong Nhân sâm (4 ÷ 8%) và các loại sâm khác. Với những giá trị đặc biệt quí đó, năm 2017, Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia, là "Quốc bảo Việt Nam".
Tuy nhiên, với giá trị đã được khẳng định, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao khiến Sâm Ngọc Linh bị khai thác gần như cạn kiệt. Bên cạnh đó, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, môi trường sống của sâm Ngọc Linh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhu cầu về giống và các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh là rất cao.
Trước yêu cầu đó, Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học – công nghệ (ISC) (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã tiến hành nghiên cứu toàn diện về cây sâm Ngọc Linh từ quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, chế biến đến xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh.
ISC đã tiến hành một số nghiên cứu dựa trên chuỗi giá trị của dược liệu sâm Ngọc Linh từ khâu giống đến vùng nguyên liệu, chiết suất và bào chế sản phẩm. Qua đó, đã giải mã thành công bộ gen lục lạp cây sâm Ngọc Linh và cây Tam thất hoang và hoàn tất việc đăng ký bảo hộ trên ngân hàng gen thế giới NCBI; đã tiến hành nghiên cứu giá thể trồng, tìm ra được công thức giá thể và xây dựng được biểu đồ nhu cầu dinh dưỡng cho cây sâm Ngọc Linh, góp phần chủ động nguồn giá thể đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất theo hướng công nghiệp.
ISC cũng nghiên cứu thiết kế được bộ chỉ thị phân tử ADN đặc hiệu để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loài sâm khác trên cơ sở so sánh các trình tự hệ gen lục lạp. Quy trình kiểm định sâm Ngọc Linh và cặp mồi đặc hiệu cho sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) đã được đăng ký giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ. Các kết quả nghiên cứu này đã góp phần từng bước ngặn chặn nạn sâm giả lưu thông trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ, ISC đã xây dựng thành công các Quy trình công nghệ bào chế các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, dự kiến sẽ thương mại hóa từ cuối năm 2019
Đã nghiên cứu hoàn thiện được Quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh bằng công nghệ nuôi cấy phôi hữu tính giúp sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh có chất lượng cao. Đặc biệt Trung tâm đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cây giống in-vitro cho phép cây đưa ra ngoài vườn ươm có tỷ lệ sống đạt trên 85%, sinh trưởng phát triển bình thường. Kết quả phân tích, đánh giá động thái tích lũy hoạt chất cho thấy hàm lượng và thành phần saponin tương đồng với cây gieo từ hạt. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng thành công trong việc phá ngủ nghỉ hạt, tăng tỷ lệ nảy mầm, kiểm soát rủi do, và rút ngắn quá trình gieo ươm để nâng cao năng suất và chất lượng hạt giống sân Ngọc Linh.
Trong giai đoạn sắp tới, ISC tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất xây giống Sâm Ngọc Linh trên quy mô lớn, tuyển chọng giống Sâm có năng suất chất lượng cao, tạo lập bản đồ di truyền giống Sâm, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh tiến tới thương mại hóa sản phẩm này….
Bên cạnh ISC, việc phát triển giống và thương mại hóa Sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị sản xuất cũng được nhiều doanh nghiệp tư nhân quan tâm.
Công ty TNHH Sâm Sâm là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Quảng Nam thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh, với quy mô vườn trồng 10ha. Đơn vị này đã bước đầu nghiên cứu và từng bước hoàn thiện quy trình nhân giống Sâm Ngọc Linh bằng công nghệ nuôi cấy mô. Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện khâu huấn luyện ngoài vườn ươm nhưng với số lượng hơn 25.000 cây sâm mô đạt tiêu chuẩn, tỉ lệ sống cao, phát triển đồng đều, hình thái, cấu trúc tương tự sâm tự nhiên là những thành công bước đầu.
Đơn vị này đã làm chủ được công nghệ nhân giống Sâm trong ống nghiệm với 23.000 cây sâm mô đạt tiêu chuẩn để đưa ra vườn ươm, trong đó 10.000 cây đã được đưa ra huấn luyện tại vườn ươm ở núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My). Qua theo dõi nhận thấy, cây sâm mô phát triển đồng đều, củ to, hình thái lá bình thường và cấu trúc tương tự cây sâm ngoài tự nhiên; tỷ lệ sống sau 5 tháng tại vườn ươm đạt 70%.
Thời gian tới, Công ty Sâm Sâm tiếp tục nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cây sâm mô trong vườn ươm và vườn trồng để nâng tỷ lệ sống của cây con (giá thể, nhiệt độ, độ ẩm, thời gian huấn luyện ...); đồng thời hoàn chỉnh quy trình sản xuất cây giống nuôi cấy mô tại Quảng Nam để tiến tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Cần sự phối hợp đồng bộ để xây dựng chuỗi giá trị về Sâm Ngọc Linh
Tại Hội nghị “Khoa học & Công nghệ phục vụ phát triển dược liệu khu vực Tây Nguyên & Nam Trung Bộ” được tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về Sâm Ngọc Linh và các doanh nghiệp quan tâm đều cho rằng cần có những chính sách và sự phối hợp đồng bộ để phát triển và khai thác có hiệu quả Sâm Ngọc Linh.
Theo đại diện Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, để phát triển Sâm Việt Nam đồng bộ trong thời gian cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ KH&CN với UBND tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và các bộ, ngành đơn vị có liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả việc phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam. UBND hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum rà soát quá trình thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ (đặc biệt về sử dụng đất và vốn) để thúc đẩy việc phát triển sản phẩm Sâm Việt Nam; ưu tiên thẩm định và phê duyệt Dự án đầu tư sản xuất liên quan đến sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam theo quy định hiện hành; …
Còn đại diện công ty TNHH Sâm Sâm cho rằng cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu trong chuỗi giá trị Sâm Ngọc Linh từ phát triển giống đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến và thương mại hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, có cơ chế thuận lợi về vốn tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, khai thác Sâm. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện để xây dựng mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà”, trong đó nòng cốt là quan hệ liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để rút ngắn “quãng đường” từ phòng thí nghiệm đến thực tế sản xuất.
Đặc biệt, cần có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh để các sản phẩm sâm Ngọc Linh đến gần hơn với người dùng với hàm lượng giá trị gia tăng cao, được chế biến sâu.