Ứng dụng ChatGPT để phục vụ người dân tốt hơn
Ngày 1/3, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Thành Đoàn thành phố tổ chức tọa đàm về ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp với chủ đề 'Cơ hội và Thách thức'. Tọa đàm là một trong số các giải pháp của thành phố nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 'Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030'.
Chia sẻ về đề tài “ChatGPT và những hướng ứng dụng trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến - cơ hội và thách thức”, PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, ChatGPT có thể hỗ trợ thành phố trong việc tư vấn người dân, phân tích các số liệu, viết bài tham luận, dịch đa ngữ, tóm tắt văn bản, phân loại văn bản theo lĩnh vực, cảm xúc, đề xuất một số giải pháp, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ; cung cấp các căn cứ pháp lý khi truy vấn thông tin; hỗ trợ dựng video…
Về hạn chế, theo PGS.TS Đinh Điền, ChatGPT còn một số thiếu sót trong việc kiểm soát, kiểm chứng thông tin; dữ liệu của ứng dụng chỉ được cập nhật đến năm 2021; các thông tin ứng dụng cung cấp có sai sót đối với những vấn đề mang tính đặc thù (đất nước, dân tộc, văn hóa,…) vì không có ngữ liệu; thông tin đưa ra đôi lúc không chính xác về ngữ nghĩa; ChatGPT chưa hiểu nghĩa hàm ẩn, dụng học… Mặc dù những thông tin ChatGPT cung cấp không thể chính xác tuyệt đối nhưng đây vẫn là công cụ rất hữu dụng.
Trình bày chủ đề “Các cơ chế bảo mật và an toàn thông tin khi ứng dụng ChatGPT và sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, TS Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam cho rằng, ChatGPT tiềm ẩn một số rủi ro như: tin giả, lừa đảo mạng, thất thoát dữ liệu nhạy cảm. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát và bảo vệ dữ liệu đầu vào, kiểm định tri thức đầu ra. Bên cạnh đó, người dùng cần chủ động bảo vệ tính riêng tư và phiên làm việc bằng cách không dùng chung tài khoản; không chia sẻ tài khoản và thông tin nhạy cảm với ứng dụng; không trả tiền khi chưa kiểm chứng ứng dụng; không tin ChatGPT một cách máy móc.
Các đại biểu có ý kiến cần phải nâng cao nhận thức, tìm hiểu sâu hơn về ChatGPT để khai thác những lợi thế của ứng dụng này trong quản lý Nhà nước. Từ đó, nâng cao hiệu suất công việc của công chức thành phố, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, ChatGPT đơn giản là một công cụ do con người tạo ra, chúng ta sử dụng nó như thế nào mới là quan trọng. Do đó, phải nắm rõ ưu, nhược điểm của công cụ này để đưa ChatGTP vào phục vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền thành phố, phục vụ người dân được tốt nhất.