Tuyên Quang: Bài học trong phá vỡ quy hoạch vùng cam Hàm Yên

Giá cam sành xuống thấp ''kỷ lục', thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn… Đây là thực trạng người trồng cam sành ở Hàm Yên (Tuyên Quang) đã phải trải qua trong vụ cam 2017 – 2018. Thực trạng này, chính là bài học trong việc phá vỡ quy hoạch vùng cam Hàm Yên.

Xót xa một vụ cam

Vụ cam 2017 – 2018, giá bán cam sành Hàm Yên tại vườn chỉ giao động từ 4.000 – 6.000 đồng/kg, giảm gần 1 nửa so với vụ cam 2016 -2017 (8.000 – 10.000 đồng/kg). Giá cam sành giảm mạnh, tiêu thụ chậm đã khiến không ít các hộ trồng cam ở Hàm Yên “lao đao”. Để hiểu rõ hơn về tình trạng giá trị cam sành bị giảm mạnh trong vụ cam vừa qua, chúng tôi tìm về xã Phù Lưu - xã trồng nhiều cam nhất huyện Hàm Yên.

Ông Ma Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: Cây cam là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Xã có trên 2.000 hộ dân, trong đó có trên 1.700 hộ trồng cam. Hiện nay, xã có 2.400ha cam, trong đó có khoảng 2.000ha cho thu hoạch. Vụ cam 2017 – 2018, tổng sản lượng thu hoạch cam trên địa bàn xã đạt khoảng 35.000 tấn. Tuy nhiên, vì giá cam trong vụ cam vừa qua xuống thấp nên thu nhập của người trồng cam bị giảm đi nhiều.

Anh Nình Văn Hòa, thôn Pá Han, xã Phù Lưu cho biết: Cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn Pá Han, cây cam là cây trồng chủ lực của gia đình tôi. Tuy nhiên, vụ cam vừa qua giá cam giảm mạnh gia đình tôi chỉ bán được cam với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg nên thu nhập giảm đi gần 1 nửa so với các vụ cam trước. Gia đình tôi hiện có 7ha cam cho thu hoạch, nếu như những vụ cam trước, giá cam ổn định từ 8.000 – 10.000 đồng/kg mỗi năm gia đình tôi thu về từ 700 – 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng thì vụ cam 2017- 2018, gia đình tôi chỉ thu về trên 400 triệu đồng tiền cam, số tiền này chỉ vừa đủ chi phí đầu tư chứ không có lãi.

Anh Hòa cũng cho biết thêm: Nếu như những năm trước, gia đình tôi chỉ thu bán trong khoảng 10 ngày là hết cam thì vụ cam vừa qua, gia đình tôi phải bán rải rác gần 2 tháng mới hết cam. Giá cam giảm mạnh, khó tiêu thụ khiến người trồng cam chúng tôi rất lo lắng. Tôi hi vọng, thời gian tới các cấp các ngành quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác quả bá sản phẩm cam sành, giúp người nông dân tìm đầu ra ổn định cho cây cam…

Cam là cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân ở Hàm Yên

Giá cam xuống thấp, khó tiêu thụ đã khiến nhiều hộ trồng cam ở Hàm Yên “điêu đứng”. Chị Lương Thị Thảo, thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên cho biết: Từ khi cam sành Hàm Yên được công nhận là 1 trong 50 loại đặc sản trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam năm 2012 thì đây là năm giá cam sành xuống thấp nhất. Thông thường, thời điểm thích hợp để thu hoạch cam là khoảng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Tuy nhiên, vì thời điểm đó giá cam thấp, tiêu thu chậm nên gia đình tôi để cam đến gần cuối tháng 3 mới bắt đầu thu hoạch. Mặc dù, thu hoạch muộn sẽ hại cây và ảnh hưởng đến năng suất của vụ cam sau nhưng gia đình tôi phải chấp nhận để có thể bán cam với giá cao hơn, tránh tình trạng bị lỗ vốn hoặc không có lãi như nhiều gia đình khác thu hoạch đúng thời điểm.

Thu hoạch cam muộn của gia đình chị Lương Thị Thảo, thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên)

Là người đã buôn bán cam sành nhiều năm anh Lộc Ngọc Dương, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành cho biết: Mặc dù đã đi buôn cam được nhiều năm nhưng chưa năm nào tôi thấy cam khó tiêu thụ và giá thành thấp như năm nay. Nếu như những vụ cam trước, một tháng tôi có thể bán 100 tấn cam vào thị trường Hà Nội, thì vụ cam năm nay tôi chỉ bán được khoảng 50 tấn. Bên cạnh đó, giá bán cam cũng thấp hơn, cùng vào thời điểm thu hoạch muộn, vụ cam trước tôi có thể bán cam với giá 18.000 – 20.000 đồng/kg. Vụ cam năm nay, tôi chỉ bán được giá 15.000 đồng/kg. Thị trường miền Nam sức mua kém, thị trường miền Bắc lại phải cạnh tranh với cam ở các tỉnh như: Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình… nên việc tiêu thụ cam sành Hàm Yên vừa qua rất khó.

Ông Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Theo Đề án quy hoạch phát triển vùng cam Hàm Yên từ năm 2014 – 2020, xã Tân Thành được mở rộng diện tích trồng cam lên 900ha. Tuy nhiên, năm 2014 do giá trị của cây cam lớn nên các hộ dân trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích trồng cam, từ 450ha lên 900ha ngay trong năm đó. Vụ cam 2017- 2018, tiêu thụ cam gặp nhiều khó khăn nên nhiều hộ trồng cam trên địa bàn xã chưa bán được hết cam trong giai đoạn thu hoạch chính, phải chấp nhận thu hoạch cam muộn hơn so với các xã khác. Hết tháng 3/2018, toàn bộ diện tích cam trên địa bàn xã mới thu hoạch hết. Mặc dù, giá bán cam hiện nay có cao hơn so với đầu vụ nhưng thu hoạch cam muộn sẽ hại đến cây cam. Bởi thời điểm này cam đã ra hoa và đang cần dưỡng chất để nuôi quả cam non, nếu thu hái cam muộn sẽ làm rụng hoa, đồng thời cây phải chia dưỡng chất để nuôi thêm cả cam già nên năng suất vụ sau sẽ bị giảm…

Giải pháp tìm lại giá trị cam sành Hàm Yên

Nhằm giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên; khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, phát triển vùng cam sành với quy mô phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam sành, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người trồng cam… Năm 2014, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2014 – 2020. Theo đó, đến năm 2020, diện tích cam sành Hàm Yên sẽ đạt trên 5.000ha trong đó diện tích trồng mới là 1.100ha. Tuy nhiên, trước hiệu quả kinh tế cây cam mang lại, nhiều hộ dân đã tự ý mở rộng diện tích trồng cam, phá vỡ quy hoạch phát triển cam của tỉnh. Nếu như năm 2014, diện tích cam trên địa bàn huyện Hàm Yên mới đạt trên 4.000ha, thì đến nay diện tích cam đã tăng lên trên 7.000ha, vượt trên 2.000ha so với quy hoạch. Điều này đã khiến sản lượng cam tăng vọt, chất lượng sản phẩm quả cam chưa đồng đều, năng xuất không ổn định, cung vượt quá cầu, giá trị cây cam giảm mạnh…

Thu hoạch cam muộn của gia đình chị Lương Thị Thảo, thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên)

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết: Diện tích cam trồng mới phát triển ồ ạt, sản lượng cam tăng nhanh khiến cung vượt quá cầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá trong vụ cam 2017 – 2018 giảm mạnh. Bên cạnh đó, cơ cấu giống cam chủ yếu là cam sành (chiếm 84% diện tích) nên khi chín tập trung, sản lượng lớn làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, vận động người dân áp dụng khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng cam sành. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền quảng bá sản phẩm cam sành đến các tỉnh thành trong cả nước; liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm; duy trì và quản lý diện tích cam hiện có trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá đất đai, quy hoạch chi tiết diện tích cam trên địa bàn huyện; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành; đẩy mạnh, nhân rộng mô hình sản xuất cam sành theo hướng VietGap… Nhằm mục tiêu tìm lại “vị thế” và phát triển bền vững vùng cam sành Hàm Yên.

Từng gắn bó với những người trồng cam tại Hàm Yên từ năm 2007, ông Đào Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc Việt Nam cho rằng, để đảm bảo phát triển vùng cam Hàm Yên một cách bền vững, trước hết người trồng cam phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng quả; xây dựng cơ cấu giống cam hợp lý. Ngoài giống cam sành chủ đạo, người trồng cam cũng nên bổ sung những giống cam có giai đoạn chín khác nhau: cam Xã Đoài, cam Valencia… Bên cạnh đó, cũng cần phải chú ý đến khâu thu hoạch, tránh tình trạng cam bị dập, nát ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng…

Thực trạng giá cam xuống thấp, khó tiêu thụ trong vụ cam 2017 – 2018 không chỉ là bài học trong việc phá vỡ quy hoạch vùng cam Hàm Yên mà còn là bài học trong việc quản lý, sử dụng đất. Với diện tích và sản lượng cam đã và đang tăng một cách ồ ạt như hiện nay, thời gian tới các cấp các ngành tỉnh Tuyên Quang sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp có tính “đột phá” hơn nữa để giữ vững giá trị cam sành Hàm Yên – một trong 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam.../.

Phạm Yến

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-bai-hoc-trong-pha-vo-quy-hoach-vung-cam-ham-yen-61002