Tuyên án phúc thẩm: Trương Mỹ Lan y án tử hình, nhiều bị cáo được giảm án
Tòa án Nhân dân ấp cao tại TP.HCM tuyên án với Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các tổ chức liên quan, giai đoạn 1.
Ngày 3/12, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, tiếp tục buộc bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền là 673.800 tỷ đồng.
Đối với chồng của Trương Mỹ Lan là bị cáo Chu Lập Cơ, tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, phạt bị cáo mức án 7 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (sơ thẩm phạt 9 năm tù).
Tòa phúc thẩm cũng sửa án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) từ 17 năm tù xuống còn 13 năm tù về tội tham ô tài sản.
Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước - nhận hối lộ của bị cáo Trương Mỹ Lan tới 5,2 triệu USD, tòa phúc thẩm bác kháng cáo, tuyên phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ để bao che sai phạm tại SCB.
“Phúc thẩm, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới: gia đình có công với cách mạng, nộp 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Nhưng xét thấy tính chất, mức độ hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến uy tín của Đảng, của Nhà nước, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Từ đó không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Thị Nhàn”, bản án nhận định.
HĐXX phúc thẩm cũng phạt bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu thành viên HĐQT Ngân hàng SCB y án chung thân về tội "Tham ô tài sản" và 19 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo này là chung thân.
Cùng lãnh án tù chung thân còn có bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB. HĐXX Cấp phúc thẩm dù giảm từ 19 năm tù xuống 16 năm tù đối với bị cáo này về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; tuy nhiên, bị cáo vẫn chịu mức án chung thân về tội "Tham ô tài sản". Do đó, tổng hợp hình phạt chung phải nhận án chung thân về cả 2 tội danh này.
Đối với nhóm bị cáo là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB được giảm án từ 18 năm tù còn 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản".
Cùng tội danh này, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB được giảm án từ 16 năm tù xuống còn 15 năm tù giam.
Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang và Chủ tịch HĐQT Công ty Capella, được tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm án từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù, về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo còn lại trong vụ án lãnh các mức án tù từ 1 năm 9 tháng tù đến 18 năm tù giam về nhiều tội danh khác nhau, như: "Tham ô tài sản"; "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"...
Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX nhận định, bị cáo Lan là chủ Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn lấy Vạn Thịnh Phát làm trọng tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.
Sau khi biết ba ngân hàng là SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất mất khả năng thanh khoản buộc phải hợp nhất hoặc mua lại, bị cáo Trương Mỹ Lan đã nhờ nhiều người thân tín, bạn bè đứng ra mua một lượng lớn cổ phần. Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan đã thâu tóm, nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần ngân hàng SCB.
Dù bị cáo Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo này gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên bị cáo Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này và trở thành người quyết định cao nhất tại ngân hàng SCB.
Lợi dụng vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB như: Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn… rút tiền ra khỏi SCB để phục vụ mục đích của mình. Điều này gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Do đó, đã đủ dấu hiệu tội phạm của tội tham ô tài sản.
Các luật sư cho rằng, bị cáo Lan không nắm giữ chức vụ gì trong ngân hàng SCB nên không đủ dấu hiệu của tội phạm là không có căn cứ để chấp nhận.
Cạnh đó, do chính sách pháp luật có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý trước và sau ngày 1/1/2018 nên thời điểm sau ngày 1/1/2018 hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành của tội tham ô tài sản (tội này áp dụng cả trong lĩnh vực tư nhân).
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã đưa ra các phương án, đưa tài sản vào để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên các tài sản bị cáo đưa vào chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định giá trị tài sản, không định lượng được số tiền khắc phục thêm là bao nhiêu từ đó không có căn cứ xác định bị cáo đã khắc phục đủ ba phần tư hậu quả của để áp dụng giảm nhẹ hình phạt tử hình cho bị cáo.
Tuy nhiên, trường hợp bị cáo có thái độ tích cực, phối hợp khắc phục hậu quả vụ án trong quá trình thi hành án và đáp ứng đủ điều kiện khắc phục đủ ba phần tư hậu quả của vụ án theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 40, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân.