Tước bằng ngay khi phát hiện người nghiện lái xe, không chờ gây tai nạn?
Lái xe kinh doanh vận tải nghiện ma túy đã gây ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, đâu là giải pháp để ngăn chặn hiểm họa này?
Tại buổi tọa đàm “Cách nào ngăn lái xe sử dụng ma túy?” do Báo Giao thông tổ chức ngày 6/12, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN); ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN; Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng 4, Cục CSGT (Bộ Công an); ông Nguyễn Công Hùng, Gíam đốc Công ty Mai Linh Vùng I; Bs Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Mai Hương đều cho rằng, lái xe nghiện ma túy sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, cần có chế tài mạnh và giải pháp công nghệ để ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến đối tượng này.
Nhiều lỗ hổng
BTV Hoàng Việt: Nhìn từ góc độ Hiệp hội vận tải ô tô, ông đánh giá thế nào về thực trạng lái xe nghiện ma túy trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Thời điểm hiện tại, các đơn vị kinh doanh vận tải đã rất quan tâm đến việc kiểm soát lái xe có sử dụng chất ma túy. Trong đó có những doanh nghiệp lập cả bộ phận quản lý để làm việc này. Có những doanh nghiệp còn mời cơ sở y tế về tận nơi để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho lái xe với sự giám sát của cán bộ chuyên môn.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc này mới chỉ được thực hiện tốt tại một số doanh nghiệp vận tải quy mô lớn hoặc các HTX vận tải hoạt động theo mô hình tập trung. Hiện trong ngành vận tải có loại hình hộ kinh doanh và HTX dịch vụ hỗ trợ hầu như không quản lý phương tiện, người lái, việc tổ chức kiểm soát điều kiện sức khỏe lái xe ở những nơi này rất kém.
Trong khi đó tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe lái xe diễn ra rất phổ biến, việc mua được một giấy khám sức khỏe hết sức đơn giản.
Hiện nay, có những doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho lái xe với thời gian giao hàng gấp nên có tình trạng lái xe chạy cố. Nhận thấy bất cập này, cơ quan quản lý đã có những giải pháp như: yêu cầu các doanh nghiệp vận tải gắn thiết bị GSHT theo dõi thời gian lái xe làm việc liên tục, thời gian nghỉ ngơi, tổng thời gian làm việc trong ngày... Chỉ số này đã được theo dõi có hệ thống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải theo dõi được người lái xe hoạt động trên đường để có điều chỉnh phù hợp.
Song, có một thực trạng là không phải đơn vị kinh doanh vận tải nào cũng bố trí người theo dõi tình hình làm việc của lái xe. Hình thức xử lý đổi với doanh nghiệp vận tải hiện mới chỉ là xử lý vi phạm về điều kiện kinh doanh như: thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi phù hiệu, chưa xử phạt vi phạm hành chính.
Vì vậy, thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét nâng chế tài xử lý đối với doanh nghiệp không giám sát chặt chẽ lái xe qua thiết bị GSHT để có sự chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các lái xe không đảm bảo sức khỏe điều khiển phương tiện trên đường. Phải coi thiết bị GSHT là thiết bị ghi nhận vi phạm, dữ liệu tại thiết bị GSHT được sử dụng để xử lý vi phạm với lái xe và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Hiện có 3 mô hình quản lý lái xe ở các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Thứ nhất là mô hình doanh nghiệp quản lý, điều hành vận tải tập trung bao gồm quản lý hồ sơ, hành trình, phương tiện, sức khỏe…, người lái xe chỉ có mỗi một việc là chịu trách nhiệm vận tải hành khách.
Thứ hai là mô hình doanh nghiệp chỉ quản lý một phần của công đoạn vận tải như hồ sơ phương tiện, hợp đồng lao động, giá vé để kê khai với cơ quan thuế. Các công đoạn như bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, khoán doanh thu, nhân viên phục vụ trên xe được doanh nghiệp giao thẳng cho lái xe.
Mô hình thứ 3 là là doanh nghiệp không thực hiện công đoạn vận tải nào, doanh nghiệp chỉ đứng ra làm thủ tục cấp phù hiệu, thu phí dịch vụ. Việc quản lý điều hành vận tải hoàn toàn do chủ xe, lái xe tự quản lý. Dạng này thường tập trung ở HTX làm dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Đối với những doanh nghiệp quản lý trực tiếp lái xe, việc quản lý sức khỏe lái xe được thực hiện đầy đủ. Đối với doanh nghiệp ở mô hình 2, lái xe phải tự đi khám sức khỏe và nộp lại giấy khám cho công ty. Đối với mô hình HTX dịch vụ, lái xe, chủ xe cũng phải tự đi khám, dẫn đến việc quản lý sức khỏe rất lỏng lẻo.
Có nên tước GPLX vĩnh viễn?
BTV Hoàng Việt: Được biết, Tổng cục Đường bộ VN đã đề xuất tước Giấy phép lái xe (GPLX) đối với lái xe nghiện ma túy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vậy, cơ sở nào để Tổng cục có đề xuất này?
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Tôi khẳng định là Tổng cục chưa có đề xuất hình thức xử lý này mà chỉ là tổng hợp các ý kiến đề xuất của các chuyên gia phải tước vĩnh viễn GPLX đối với lái xe gây TNGT nghiêm trọng. Tổng cục Đường bộ chỉ đề xuất tăng mức xử phạt hành vi này lên 40 triệu đồng khi sửa Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.
BTV Hoàng Việt: Thưa ông Nguyễn Công Hùng, quan điểm của ông thế nào về việc có nên hay không tước vĩnh viễn GPLX đối với những lái xe nghiện ma túy?
Ông Nguyễn Công Hùng: Tôi cho rằng để tránh gây hiểm họa cho xã hội, chỉ cần phát hiện lái xe nghiện ma túy là có thể tước GPLX vĩnh viễn ngay, tránh để xảy ra mới giải quyết hậu quả, khi đó đã quá muộn.
Hiện nay số lượng lái xe công nghệ đã lên đến hàng trăm ngàn người, việc tuyển dụng, quản lý lái xe quá dễ dãi. Các HTX chỉ là cầu nối trung gian để hộ cá thể hợp thức hóa kinh doanh vận tải, không ai kiểm soát, gây nguy hiểm cho hành khách khi sử dụng dịch vụ.
Trong khi đó, taxi truyền thống có những quy định ngặt nghèo về quản lý lái xe, phương tiện. An toàn cho hành khách, lái xe phải được đặt lên hàng đầu, lái xe công nghệ phải được quản lý chặt chẽ, lái xe phải được kiểm soát hồ sơ đầu vào, và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm mất an toàn cho hành khách. Vì vậy, đối tượng tham gia kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi về ATGT.
Bs Nguyễn Mạnh Hùng: Liên quan đến giấy khám sức khỏe cho lái xe, gần đây mới có quy định khám về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, việc cấp giấy khám sức khỏe tâm thần cho lái xe chỉ thực hiện 1 lần trước khi thi bằng lái hay làm hồ sơ xin việc là chưa đủ mà cần phải tiến hành định kỳ 1 - 2 lần/năm.
Dưới khía cạnh chuyên môn, việc phân biệt giữa người chớm sử dụng và người nghiện lâu năm sẽ được dựa trên các yếu tố y khoa như: triệu chứng, chu kỳ sử dụng nên sẽ ít có sự cố bỏ lọt những đối tượng cố tình giấu diếm tình trạng sử dụng chất kích thích của mình.
Việc cấp giấy khám sức khỏe thuộc thẩm quyền của các bệnh viện đa khoa, trong đó có khám về chuyên khoa tâm thần. Trước đây, việc mua bán rất dễ những sau những vụ TNGT liên quan đến tài xế sử dụng ma túy, nồng độ cồn gần đây thì tình trạng này đã được siết chặt và kéo giảm đáng kể.
Quyết định tước GPLX vĩnh viễn hay không cần căn cứ theo mức độ sử dụng. Khi phát hiện lái xe dương tính với ma túy trong những lần kiểm tra đột xuất/định kỳ, cơ quan chức năng cần chuyển người đó đến cơ sở chuyên khoa về sức khỏe tâm thần để xác định rõ trường hợp đó chỉ ở mức mới sử dụng, lạm dụng vì một lý do nào đó hay đã ở mức nghiện lâu năm.
Những trường hợp mới sử dụng, chỉ dùng ở mức lạm dụng, việc xử lý tước GPLX nên có thời hạn nhất định (khoảng từ 1 năm trở lên) để tạo điều kiện cho họ có đường lui, từ bỏ việc sử dụng chất kích thích, ma túy và tiếp tục công việc của mình, đảm bảo đời sống gia đình. Những người đã nghiện thì phải kiên quyết loại bỏ ra khỏi đội ngũ lái xe để đảm bảo tính mạng cho hàng ngàn con người.
Dùng công nghệ để quản lý
BTV Hoàng Việt: Thưa Trung tá Tạ Thị Hồng Minh,việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với lái xe sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy hiện nay có những khó khăn gì?
Trung tá Tạ Thị Hồng Minh: Kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe điều khiển phương tiện trên đường là một trong những khâu quan trọng trong quản lý lái xe, nhất là lái xe đường dài. Việc tổng kiểm soát theo kế hoạch chỉ là hoạt động mang tính giải pháp, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng: lực lượng CSGT, Bộ GTVT, ngành Y tế để phòng ngừa tận gốc tình trạng lái xe sử dụng ma túy.
Giai đoạn 2018 - 2019, qua cơ sở dữ liệu TNGT của các địa phương nhập vào cơ sở dữ liệu TNGT chung, trong 7.357 vụ gây ra TNGT có khoảng 10 vụ lái xe dương tính với chất ma túy (0,057%). Khi tai nạn xảy ra, việc kiểm tra nồng độ cồn và ma túy là nội dung pháp lý cơ quan điều tra phải tiến hành để xét hành vi cấu thành tăng nặng trong xử lý vi phạm.
Hiện nay, toàn quốc có khoảng 355.000 lái xe tải và hơn 110.000 lái xe container đang hoạt động. Cũng có thời điểm xe tải đăng ký tăng đến 400%/năm tải và xe container tăng 500%. Chính vì thế, áp lực về thời gian, doanh thu của các doanh nghiệp khiến lái xe không đủ sức kham nổi khối lượng công việc lớn, dẫn đến việc lái xe sử dụng chất kích thích để tạo cảm giác hưng phấn. Điều này gây hậu quả lớn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Với công tác xử lý vi phạm của lực lượng công an thì chỉ mang tính tình thế, với các chế tài hiện hành như: phạt tiền, tước GPLX. Để công tác kiểm soát sức khỏe lái xe, trong đó có lái xe sử dụng chất kích thích, ma túy phải có sự phối hợp quyết liệt giữa các cơ quan chức năng.
Phía y tế phải kiểm tra chặt chẽ khâu khám sức khỏe bởi có những doanh nghiệp vận tải có cho lái xe đi khám nhưng không phải khám đột xuất mà khám định kỳ, trong quá trình đó, tài xế vẫn đối phó để khi kiểm tra không bị phát hiện dương tính với ma túy. Vì thế, cần thiết doanh nghiệp vận tải phải cho tài xế đi khám đột xuất, kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng của Bộ GTVT cần kiểm soát chặt chẽ mảng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, nâng cao nhận thức của lái xe.
Bản thân lực lượng phòng chống tội phạm phải ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn bán chất ma túy. Lực lượng CSGT phải nâng cao việc kiểm tra thường xuyên trong quá trình tuần tra chứ không chỉ kiểm tra theo chuyên đề.
Quá trình TTKS, nhất là kiểm tra đối tượng lái xe lạm dụng, sử dụng chất ma túy, lực lượng làm nhiệm vụ trên đường đã phối hợp với cảnh sát hình sự tiến hành các bước thử nhanh như thử nước tiểu và thử máu. Tuy nhiên, quá trình làm việc, lực lượng gặp không ít khó khăn, nhiều lái xe tỏ rõ sự chống đối, vài tiếng sau mới cho thử nước tiểu.
Thời gian tới, các cấp chức năng cũng cần xem xét, đầu tư thêm phương tiện, thiết bị kiểm tra nhanh, hỗ trợ cho các lực lượng, đáp ứng việc thử được nhanh và chính xác nhất việc sử dụng/lạm dụng chất kích thích, ma túy của người lái xe.
Từ nay đến cuối năm, ngành công an sẽ tổ chức những đợt cao điểm bảo đảm ATGT dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm, tất cả hành vi có nguy cơ cao gây TNGT như sử dụng rượu, bia, ma túy, vi phạm tốc tốc độ, cơ quan chức năng đều lập chuyên đề để kiểm tra, xử lý, kịp thời ngăn chặn vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiệp hội cũng đã đề xuất Bộ Y tế nhanh chóng có cơ sở dữ liệu về các đơn vị được phép khám và chứng nhận sức khỏe người lái xe, cơ sở dữ liệu về giấy chứng nhận điều kiện sức khỏe lái xe cấp ra. Bộ GTVT có quy định khi tiếp nhận định kỳ hàng năm các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bám vào cơ sở dữ liệu này để xác định tính hợp pháp giấy chứng nhận sức khỏe. Nếu làm được như thế sẽ loại trừ được tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe bất hợp pháp như hiện nay.
Ông Nguyễn Công Hùng: Với bề dày 30 năm trong quản lý, đến thời điểm hiện tại chưa có lái xe nào của Mai Linh lái xe trong tình trạng sử dụng chất gây nghiện. Để làm được điều này, Mai Linh có hệ thống quản trị tốt, từ khâu bắt đầu xét duyệt hồ sơ đầu vào như lý lịch nhân thân cho đến yếu tố ngoại hình, những người xăm trổ sẽ không được tuyển dụng.
Không những vậy, lái xe sẽ được kiểm tra sức khỏe đầu vào, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra các chất gây nghiện như ma túy. Khi lái xe đã trúng tuyển sẽ được đào tạo theo quy chuẩn trong vòng 12 ngày về các kỹ năng giao tiếp, văn hóa doanh nghiệp, kỹ năng nghề, kỹ năng sơ cứu. Đây cũng là những nội dung mà lái xe của công ty tham gia các chương trình tập huấn của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Mai Linh có trung tâm y tế hướng dẫn có các chi nhánh của công ty tại 63 tỉnh, thành chăm sóc sức khỏe cho lái xe. Mai Linh kiên quyết kiểm tra các chất gây nghiện đối với lái xe ngay từ khâu đầu vào, định kỳ 6 tháng lái xe được kiểm tra sức khỏe một lần. Mai Linh cũng có hệ thống kiểm soát giao ca 24/24, lái xe sẽ được kiểm tra về nồng độ cồn, test nhanh ma túy tại bãi giao ca.
BTV Hoàng Việt: Hiện hồ sơ quản lý lái xe giữa các doanh nghiệp không có sự liên kết, lái xe vi phạm ở doanh nghiệp này bị bị sa thải có thể sang doanh nghiệp khác xin việc mà không bị phát hiện? Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành cần thực hiện như thế nào để quản lý chặt chẽ lái xe?
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Hiện nay các quy định xử phạt đã tương đối đầy đủ, Nghị định 46 và Thông tư 10 của Bộ GTVT cũng đã có chế tài xử phạt vi phạm qua thiết bị GSHT.
Hàng năm, căn cứ và chương trình thanh, kiểm tra của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra các Sở GTVT, doanh nghiệp. Trong quá trình đó, nếu phát hiện doanh nghiệp không khám sức khỏe cho lái xe và khám sức khỏe cho lái xe không đúng theo quy định thì kiến nghị cơ quan liên quan xử phạt. Hàng năm, Tổng cục cũng có văn bản gửi các Sở GTVT tuyên truyền, nhắc nhở việc kiểm tra các doanh nghiệp vận tải không tổ chức khám sức khỏe cho lái xe hoặc khám không đúng theo quy định.
Tổng cục Đường bộ đang tham mưu sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng nặng xử phạt doanh nghiệp không khám sức khỏe cho lái xe hoặc khám không theo quy định lên 40 triệu đồng thay vì chỉ 2 - 4 triệu đồng như hiện nay.
Tổng cục cũng đang xây dựng phần mềm quản lý lái xe kinh doanh vận tải, phần mềm này sẽ lưu trữ thông tin của lái xe từ khi bắt đầu hành nghề đến khi lái xe kết thúc công việc. Sau khi phần mềm được đưa vào khai thác, Tổng cục sẽ cung cấp tài khoản truy cập cho lực lượng công an, các sở GTVT theo dõi, doanh nghiệp cũng sẽ cập nhật thông tin lái xe lên hệ thống. Đồng thời, Tổng cục sẽ xây dựng trục kết nối với phần mềm quản lý GPLX để quản lý các thông tin GPLX của người lái. Tổng cục cũng sẽ kiến nghị bổ sung phương thức kiểm tra ma túy, trang bị máy kiểm tra ma túy di động cho lực lượng chức năng.