Từng người dân phải triệt để ý thức phòng chống dịch
Ngày 3/8, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 thông báo ghi nhận thêm 22 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta lên 642. Trong số các ca bệnh, có 6 ca tử vong. Những con số này sẽ còn “nhảy múa” theo thời gian, khiến xã hội không khỏi lo lắng.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 từ Đà Nẵng lần này, các chuyên gia nhận định có sự xâm nhập từ bên ngoài, khi chủng virus SARS-CoV-2 lần này là chủng mới; cùng với thời điểm bùng phát dịch có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, không qua kiểm dịch của ngành Y tế. Khả năng có những người bệnh đi lại trong cộng đồng là rất cao, khiến dịch lây lan nhanh và khó khoanh vùng kiểm soát. Điều này đã rõ. Chính phủ đang áp dụng nhiều biện pháp tập trung cho mục tiêu trước mắt là dập dịch ở tâm dịch Đà Nẵng, khoanh vùng, khống chế, không để lây lan ra các địa phương khác.
Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 đang phức tạp thêm cũng có cả lý do chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Nhiều người có tâm lý chủ quan, mất cảnh giác, bỏ quên các biện pháp chống dịch như: đi máy bay, đến nơi đông người, vào bệnh viện không đeo khẩu trang, không dùng nước rửa tay sát khuẩn, thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu, phản ứng khi nhắc nhở đeo khẩu trang “hết dịch rồi cần gì phải dùng”… Cũng có thể ở đâu đó, bộ phận nào đó có tâm lý chủ quan trên chiến thắng khi đã đạt được khoảng thời gian vàng với 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nên quên mất các biện pháp phòng dịch đơn giản nhất, lại tụ tập đông người... và cả tâm lý ỷ lại, chờ chỉ đạo.
Tại Phú Yên, trong những ngày qua, dù chưa có ca nhiễm nhưng tình hình dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp. UBND tỉnh liên tục có công văn hỏa tốc về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Ngành Y tế, chính quyền địa phương và cả cộng đồng tiếp tục yêu cầu những người ở dạng F1, F2, những người từng du lịch, công tác đến Đà Nẵng, các địa điểm có liên quan đến ca nhiễm, dấu vết của dịch khẩn trương, tự giác đến cơ sở y tế khai báo, thực hiện cách ly và các biện pháp y tế cần thiết.
Thế nhưng, vẫn còn nhiều người biểu hiện sự chủ quan của mình. Đi một vòng TP Tuy Hòa, nhiều hàng quán vẫn còn tụ tập đông người. Có quán thì chủ động các biện pháp phòng dịch như bố trí giãn cách bàn ghế, nước rửa tay khô sát khuẩn. Nhưng cũng có nhiều nơi chủ quán chưa quan tâm đến việc này; khách hàng thì không nhớ phải rửa tay sát khuẩn, nếu không có nhân viên nhắc nhở, thậm chí nhiều người chẳng buồn mang khẩu trang.
Trong bất kỳ công văn, thông báo hay chỉ thị nào của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia hay địa phương về phòng chống dịch COVID-19 đều có nội dung yêu cầu hàng đầu “tuyệt đối không được lơ là chủ quan”. Đặc biệt, kể từ thời điểm phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng đến nay, nguy cơ lan rộng dịch bệnh xuất hiện nhiều nơi không chỉ có Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, khi hiện nay chúng ta vẫn chưa biết được nguồn gốc F0, nguy cơ xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng là rất lớn.
Cả xã hội đang căng mình với cuộc chiến chống COVID-19. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, nhất là ngành Y tế đang dốc toàn lực để dập dịch tại tâm dịch Đà Nẵng, truy vết F0, khoanh vùng, không để lây lan. Với mỗi người dân, việc đầu tiên, luôn luôn và cần thiết là không được lơ là chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn buôn, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Chúng ta cần bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương mình cư trú”, đó là phương châm chống dịch hiện nay mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc, vậy thì mỗi người dân chúng ta cũng nên đồng lòng, nâng cao ý thức phòng chống đại dịch COVID-19 để bảo vệ chính mình và cộng đồng.