Từng bị Trump 'ném đá', Zuckerberg, Bezos bất ngờ 'quay xe', rót triệu đô ủng hộ
Trump từ lâu đã chỉ trích mạnh mẽ các công ty công nghệ lớn.
Mark Zuckerberg (Meta), Jeff Bezos (Amazon) và Sam Altman (OpenAI) đều có quá khứ "đối đầu" với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trớ trêu thay, thời điểm Trump sắp bước vào nhiệm kỳ thứ hai, những mối quan hệ này lại có dấu hiệu thay đổi.
Tổng thống đắc cử Donald Trump
Hàng triệu USD đổ vào quỹ nhậm chức của Trump
Trong tuần này, một loạt các công ty công nghệ lớn đã công bố những khoản quyên góp đáng chú ý cho quỹ nhậm chức của Trump. Sam Altman, CEO của OpenAI, thông báo sẽ đóng góp cá nhân 1 triệu USD, với lý do ủng hộ việc Trump dẫn dắt nước Mỹ vào "kỷ nguyên AI". Công ty OpenAI cũng xác nhận về khoản quyên góp này.
Công ty Meta của Mark Zuckerberg cũng đã đóng góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức, thông tin được xác nhận với CNBC. Đáng chú ý, vài tuần trước đó, Zuckerberg đã có bữa tối riêng với Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Cùng thời điểm, Amazon cũng thông báo kế hoạch đóng góp 1 triệu USD, theo tờ The Wall Street Journal.
Trump và cuộc chiến với "Big Tech"
Trump từ lâu đã chỉ trích mạnh mẽ các công ty công nghệ lớn. Trong nhiệm kỳ đầu, ông thường công kích Amazon và người sáng lập Jeff Bezos, cáo buộc họ trốn thuế và đăng "tin giả" trên tờ Washington Post - cũng do Bezos sở hữu. Trump còn cho rằng Amazon gây tổn hại đến ngân sách của Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) vì chi phí vận chuyển thấp.
Đáp lại, Amazon từng tuyên bố rằng những "cuộc tấn công ngầm" của Trump là lý do họ mất hợp đồng JEDI trị giá hàng tỷ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2016, Bezos thậm chí còn mỉa mai Trump, tuyên bố sẽ "đưa ông ta vào không gian" trên một trong những tên lửa của Blue Origin - công ty vũ trụ do Bezos sở hữu.
Trump cũng không ngại đặt biệt danh cho các đối thủ. Ông gọi Jeff Bezos là "Jeff Bozo" và CEO của Meta là "Zuckerschmuck".
Khi thua cuộc trong cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã kiện Facebook, Twitter và Google, cáo buộc các công ty này kiểm duyệt tiếng nói của những người bảo thủ. Trước đó, sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, tài khoản của Trump đã bị khóa trên cả ba nền tảng. Ông gọi Facebook là "kẻ thù của nhân dân" trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
Cả ba tỷ phú này đều từng có hiềm khích với Trump hoặc "bạn thân" của Trump là Elon Musk
Các ông lớn "quay xe" trước nhiệm kỳ mới của Trump
Sau chiến thắng bầu cử mới nhất của Trump, một số CEO công nghệ dường như thay đổi quan điểm. Những người như Tim Cook (Apple), Satya Nadella (Microsoft) và Sundar Pichai (Google) đã công khai chúc mừng Trump. Microsoft từ chối bình luận về việc liệu có quyên góp cho quỹ nhậm chức hay không, trong khi Apple và Google chưa đưa ra phản hồi.
Trong số các nhân vật nổi bật, mối quan hệ giữa Sam Altman và Elon Musk được chú ý đặc biệt. Cả hai là đồng sáng lập của OpenAI, ban đầu là tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi OpenAI chuyển sang mô hình vì lợi nhuận, căng thẳng nảy sinh. Musk rời khỏi OpenAI và thành lập công ty đối thủ mang tên xAI.
Căng thẳng lên đỉnh điểm khi Musk đệ đơn kiện OpenAI vào tháng 3/2024, cáo buộc công ty vi phạm nghĩa vụ ủy thác và chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp vì lợi nhuận dưới sự kiểm soát của Microsoft. OpenAI đã phản bác, cho rằng chính Musk là người đề xuất mô hình doanh nghiệp vì lợi nhuận này từ năm 2017.
Hiện tại, mối lo ngại của Altman không chỉ dừng lại ở vụ kiện. Với việc Elon Musk trở thành một trong những người ủng hộ lớn nhất của Trump và có khả năng đảm nhận vai trò quan trọng trong "Bộ Hiệu quả Chính phủ" của chính quyền Trump, Altman có lý do để lo ngại về cách AI sẽ được quản lý.
Ngày 5/12, Trump còn tuyên bố bổ nhiệm David Sacks, một người bạn thân của Musk, vào vị trí "Sa hoàng AI và tiền điện tử của Nhà Trắng". Vai trò này có thể mang đến cho Musk ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình chính sách AI của nước Mỹ, tạo ra lợi thế tiềm tàng cho các dự án của ông.