Tức nặng vùng trước tim, tê tay trái là biểu hiện tim thiếu máu cục bộ

Khi có cơn đau ngực, nhiều người cho rằng có vấn đề ở tim mạch, tuy nhiên với bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể cơn đau thắt ngực không điển hình. Người bệnh chỉ cảm thấy tức nặng vùng trước tim, tê tay trái, nghẹt thở, ho.

 Bệnh thiếu máu tim cục bộ còn được gọi là bệnh động mạch vành hay bệnh mạch vành tim.

Bệnh thiếu máu tim cục bộ còn được gọi là bệnh động mạch vành hay bệnh mạch vành tim.

Các bệnh lý tim mạch đã và đang là mối lo ngại lớn đến sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ mắc ước tính là trên 500 triệu người, gây ra nhiều ảnh hưởng đến mọi nhóm tuổi, trong đó có cả trẻ em. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ, người dân cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh thiếu máu tim cục bộ còn được gọi là bệnh động mạch vành hay bệnh mạch vành tim, là một bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu về tim bị sụt giảm một cách nghiêm trọng, khiến chức năng của cơ tim bị gián đoạn do không nhận đủ oxy. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử do tim, do giảm lưu lượng máu trong động mạch vành.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là một bệnh rất thường gặp ở người lớn tuổi, người hút thuốc lá nhiều, người bị tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường, béo phì.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể diễn tiến mạn tính hay cấp tính. Biểu hiện lâm sàng của suy động mạch vành là cơn đau thắt ngực.

Cơn đau thắt ngực điển hình

Cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức, xuất hiện khi đi một quãng đường nhất định, có thể phụ thuộc vào thời tiết, sau ăn cơm, sau xúc động, sau giao hợp…

Vị trí thường ở sau xương ức và là một vùng, đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị. Hay gặp là hướng lan lên vai trái rồi xuống mặt trong tay trái, có khi thấy đau lên cổ, lên hàm, đau răng…

Tính chất: Siết chặt, đè ép, co thắt, nghẹt thở, nóng bỏng, xoắn vặn, nặng ngực…
Thời gian: Thường vài phút (dưới 20 phút). Số lần xuất hiện các cơn đau thay đổi theo từng bệnh nhân, có khí rất thưa (1-2 cơn/năm) nhưng cũng có khi rất mau.
Giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc Nitroglycerin.
Dấu hiệu kèm theo: Hồi hộp, lo âu, khó thở, vã mồ hôi.

Cơn đau thắt ngực không điển hình

Vị trí đau vùng thượng vị hay mỏm ức, đau lan lên vai phải, đau lan ra giữa hai bả vai, đau lan xuống bụng.

Biến chứng tim mạch nói chung đang là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tử vong đột ngột.

Biến chứng tim mạch nói chung đang là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tử vong đột ngột.

Thể không đau: Tức nặng vùng trước tim, tê tay trái, nghẹt thở, ho.
Cơn đau tư thế nằm: Xảy ra khi nghỉ ngơi, có thể đau ban đêm vào một giờ cố định.
Cơn đau Prinzmetal (đau co cứng mạch): Đau xuất hiện khi nghỉ vào ban ngày hoặc ban đêm, không xảy ra khi gắng sức. 50% trường hợp chụp vành không thấy tổn thương, còn lại thì thấy tổn thương của vữa xơ động mạch.

Cơn đau thắt ngực thất thường (không ổn định)

Là cơn đau liên tiếp, cơn đau tiền nhồi máu.
Đau đột nhiên thay đổi tính chất so với trước đây. Đau cường độ tăng dần, cơn đau xuất hiện dày lên, thời gian kéo dài hơn, không thuyên giảm khi dùng thuốc Nitroglycerin. Cơn đau xuất hiện cả khi nằm nghỉ. Tuy nhiên, đây chưa phải là nhồi máu cơ tim.

Để chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ, bác sĩ thường thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử và có thể chỉ định thêm các xét nghiệm bao gồm: Điện tâm đồ (ECG); kiểm tra mức độ căng thẳng; siêu âm tim; siêu âm tim gắng sức; chụp CT tim…

Biến chứng của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm

Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim): Nhịp tim bất thường có thể làm suy yếu tim của bạn và có thể đe dọa tính mạng.
Suy tim: Theo thời gian các đợt thiếu máu cục bộ lặp đi lặp lại có thể dẫn đến suy tim.
Đau tim: Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, tình trạng thiếu máu và oxy có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim phá hủy một phần cơ tim. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tim thiếu máu cục bộ, vì có thể gây tử vong.

Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ

Thay đổi và điều chỉnh lối sống là một trong những việc quan trọng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.

Để có trái tim khỏe mạnh thì cần ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa, ưu tiên các loại thức ăn thực vật. Tập thể dục đều đặn. Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc lá. Quản lý cân nặng ở mức hợp lý, tránh dư cân, béo phì. Kiểm soát tốt các bệnh khác như tiểu đường, cholesterol cao hoặc bệnh huyết áp.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tim hoặc những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Bác sĩ Ngô Hồng Hạnh / Sức Khỏe & Đời Sống

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tuc-nang-vung-truoc-tim-te-tay-trai-la-bieu-hien-tim-thieu-mau-cuc-bo-post1522222.html