Tuân thủ tự nguyện pháp luật, nâng cao uy tín, vị thế của người nộp thuế
Trao đổi với phóng viên TBTCVN về 'Chương trình hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế' được Tổng cục Thuế chuẩn bị triển khai, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, tham gia Chương trình sẽ giúp cho chi phí tuân thủ pháp luật được thấp nhất, nâng cao uy tín, vị thế của người nộp thuế, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển cũng như duy trì và nuôi dưỡng nguồn thu.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế (NNT) thời gian qua, đặc biệt với những điều kiện để được áp dụng chính sách hỗ trợ tự nguyện tuân thủ pháp luật của NNT khi triển khai thực tế?
Ông Nguyễn Văn Được: Như chúng ta đã biết, từ 1/7/2007, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 có hiệu lực đã kích hoạt cơ chế NNT tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế quản lý theo rủi ro, thực hiện hậu kiểm đã phát huy và nâng cao được hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, thu nộp thuế.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện mặc dù đã được cơ quan thuế tuyên truyền, hỗ trợ tích cực nhưng một số doanh nghiệp (DN) và người dân vẫn chưa hiểu rõ cơ chế này hoặc cố tình lợi dụng chính sách này để vi phạm pháp luật dẫn đến bị xử lý vi phạm về thuế như bị truy thu, xử phạt về thuế.
Ngoài ra, do pháp luật có tính bắt buộc tuân thủ thông qua các chế tài xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả tuân thủ pháp luật sẽ tỷ lệ thuận với sự tự nguyện tuân thủ pháp luật của NNT. Điều đó đòi hỏi NNT phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng. Tức là NNT phải tự soi chiếu trong bức tranh tổng thể về tuân thủ pháp luật với nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm các tiêu chí về pháp lý, tài chính và các tiêu chí phi tài chính.
Nâng vị thế, uy tín của người nộp thuế
Chương trình được ngành Thuế triển khai nhằm hỗ trợ hoàn thuế nhanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Do đó, NNT cần nghiêm chỉnh tuân thủ không chỉ pháp luật thuế mà cả các pháp luật khác có liên quan. Việc tuân thủ pháp luật thuế giúp nâng cao uy tín, vị thế của NNT đối với cơ quan nhà nước, đặc biệt là đối với đối tác, khách hàng và bên thứ ba.
Do đó, tôi cho rằng các điều kiện trong Bộ Chỉ số tiêu chí (CSTC) đánh giá rủi ro do cơ quan thuế xây dựng để NNT tự nguyện tham gia chương trình tuân thủ pháp luật là cần thiết và có tính khả thi cao, với mục đích hỗ trợ NNT là trọng tâm và giúp cơ quan thuế quản lý thuế tốt hơn, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
PV: Là đơn vị chuyên tư vấn cho khách hàng về chính sách pháp luật thuế, theo ông, chính sách hỗ trợ tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế tác động như thế nào đến cộng đồng DN và xã hội?
Ông Nguyễn Văn Được: Chúng tôi đánh giá cao và kỳ vọng rất nhiều về Chương trình hỗ trợ NNT tự nguyện tuân thủ pháp luật của cơ quan thuế. Bởi đây là chính sách cần thiết và thiết thực, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ NNT nhằm mục đích nâng cao tính tuân thủ pháp luật, giảm thiểu rủi ro mà còn có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh những DN, NNT có ý thức cao trong tự nguyện tuân thủ pháp luật. Chương trình được triển khai sẽ khuyến khích cộng đồng DN và người dân cùng tham gia, từ đó nâng cao ý thức, văn hóa tuân thủ pháp luật, giúp cho chi phí hành thu của cơ quan thuế được tiết giảm và đặc biệt tạo sự công bằng, bình đẳng hướng tới xã hội văn minh và hiện đại.
Thông qua quá trình sàng lọc, kiểm tra với Bộ Chỉ số tiêu chí đánh giá rủi ro được xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nhiều năm và được NNT tự nguyện đăng ký thực hiện sau đó được cơ quan thuế niêm yết công khai, được ưu tiên hoàn thuế và các thủ tục hành chính sẽ giúp NNT tự nguyện kiểm soát tính tuân thủ.
Đồng thời chính sách này còn nâng cao uy tín, vị thế của NNT đối với cơ quan nhà nước, đặc biệt là đối với đối tác, khách hàng và bên thứ ba.
PV: Theo ông, NNT cần chủ động ra sao và cơ quan thuế cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ NNT tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế như thế nào để triển khai hiệu quả chương trình này?
Ông Nguyễn Văn Được: Theo tôi, cơ quan thuế cần sớm hoàn thiện, ban hành Bộ cơ sở tiêu chí đánh giá rủi ro, các quy định và cơ chế chính sách hỗ trợ NNT khi tham gia. Quy định này cần xây dựng, nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng trong khuôn khổ pháp luật cho phép, với sự tham gia góp ý của các chuyên gia, người hành nghề và đặc biệt là ý kiến của cộng đồng DN, NNT để chính sách được khoa học, khả thi và hiệu quả nhất.
Ban đầu có thể triển khai thí điểm tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh..., sau đó đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên toàn quốc. Đặc biệt, cần mở rộng thêm các chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho NNT tham gia Chương trình ngoài chính sách như đề xuất: được giải quyết thủ tục hành chính phi cấp, được giảm tần suất thanh, kiểm tra và các chính sách hỗ trợ khác.
Về phía NNT cần hiểu rằng, tuân thủ pháp luật là bắt buộc, do đó việc tự nguyện tuân thủ pháp luật càng cao thì chi phí tuân thủ càng thấp. Quá trình tuân thủ pháp luật phải đặt trong mối quan hệ tổng thể và toàn diện. Vì vậy, NNT cần nghiêm chỉnh tuân thủ không chỉ pháp luật thuế mà bao gồm các pháp luật khác có liên quan.
Khi đó, NNT cần nghiên cứu kỹ các điều kiện trong Chỉ số tiêu chí đánh giá rủi ro của cơ quan thuế, tự xây dựng các quy chế quản lý nội bộ và kế hoạch tuân thủ pháp luật dựa trên những tiêu chí do cơ quan thuế khuyến nghị, thực hiện xác nhận tham gia khi đủ điều kiện, đồng thời phải luôn duy trì và gia tăng tính tự nguyện tuân thủ pháp luật ở mọi khâu, mọi quá trình và mọi thời điểm.
PV: Xin cảm ơn ông!