Từ vụ nữ sinh bị nhóm bạn hành hung: Chuyên gia tâm lý chỉ những việc phụ huynh cần làm

ThS Ngô Thế Lâm (Khoa Lý luận cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa) khuyến cáo gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc nắm bắt tâm lý học sinh, giải tỏa sớm các mâu thuẫn để học sinh được 'mỗi ngày đến trường là một ngày vui'.

Nhà trường, gia đình phải phối hợp chặt chẽ

Từ vụ nữ sinh lớp 7 ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị nhóm bạn hành hung, ThS tâm lý học Ngô Thế Lâm (phụ trách môn tâm lý học, Khoa Lý luận cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa) đã đưa ra nhiều phân tích và khuyến cáo việc nhà trường và phụ huynh cần làm.

ThS Lâm cho biết, hiện nay học sinh đánh nhau, bạo lực học đường đang trở nên nhức nhối và có chiều hướng phức tạp. Nhiều năm nghiên cứu tâm lý học đường, gốc rễ của vấn đề này xuất phát từ một số nguyên nhân chính như: Biến đổi trong nhận thức và hành vi tuổi mới lớn của học sinh, nhiều em thích đề cao cái tôi, thích thể hiện, muốn làm "đàn chị", "đàn anh". Chính vậy nên, đã xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, nhiều em cùng đánh hội đồng 1 em, có khi nguyên nhân chỉ là sự trêu đùa hoặc xích mích rất nhỏ.

Cùng với đó, phụ huynh, nhà trường thiếu giám sát chặt chẽ, nhiều giáo viên chỉ quen việc giảng dạy mà ít chú trọng đến việc nâng cao các kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm, đặc biệt là kỹ năng cảm hóa học trò. Đồng thời, sự liên kết giữa nhà trường và phụ huynh trong việc trao đổi thông tin, nắm bắt tâm lý học sinh còn lỏng lẻo.

Nữ sinh lớp 7 ở Ninh Hòa bị hành hung và bị quay clip đưa lên mạng xã hội. Ảnh: Cắt từ clip.

Nữ sinh lớp 7 ở Ninh Hòa bị hành hung và bị quay clip đưa lên mạng xã hội. Ảnh: Cắt từ clip.

Cần bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng sư phạm cho giáo viên

Để hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường, ThS Ngô Thế Lâm khẳng định: "Việc các bậc phụ huynh cần làm ngay đó là thường xuyên nắm bắt tâm lý con em mình. Tích cực rèn luyện kĩ năng sống cho các em. Trước mắt là phải ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo. Sau đó là hòa đồng với bạn bè, không xích mích, đánh nhau. Đồng thời cha mẹ phải nêu gương trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày, tránh những cử chỉ hành vi thô lỗ như nói tục, chửi thề. Khi trao đổi với con, nhất là ở lứa tuổi học sinh cấp II trở đi, cha mẹ cần khách quan, dân chủ, thẳng thắn và tôn trọng con, không áp đặt, gia trưởng. Từ đó, giúp con thoải mái nói ra những điều không vui với bạn, với trường…

ThS Ngô Thế Lâm cho rằng, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời hóa giải các mâu thuẫn cho các em.

ThS Ngô Thế Lâm cho rằng, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời hóa giải các mâu thuẫn cho các em.

Đặc biệt là xây dựng nếp sống văn hóa, trách nhiệm và sẻ chia, tuyệt đối không để xuất hiện bạo lực gia đình. Bởi môi trường văn hóa gia đình sẽ quyết định rất lớn đến ứng xử và hành vi sống của trẻ ngoài xã hội".

Đối với nhà trường, ông Lâm cho rằng, cần bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.

"Bên cạnh dạy kỹ năng sống cho học sinh cũng cần bồi dưỡng, trang bị năng lực giao tiếp sư phạm và kỹ năng cảm hóa cho giáo viên trong trường học. Để từ đó, giáo viên có đầy đủ khả năng nhận diện, can thiệp, hóa giải các mâu thuẫn nhỏ nhất trong học sinh, không để dẫn đến tình trạng các em đánh nhau", ThS Lâm chia sẻ.

Em học sinh ở Ninh Hòa bị nhóm bạn hành hung phải nhập viện.

Em học sinh ở Ninh Hòa bị nhóm bạn hành hung phải nhập viện.

Các trường học phải nắm bắt các mâu thuẫn nhỏ nhất của học sinh

Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 7 ở xã Ninh Quang (Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị nhóm bạn hàng hung ít ngày trước, ông Châu Đình Hùng Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT Ninh Hòa, Khánh Hòa có cuộc trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống.

Ông Sơn khẳng định, sau vụ nữ sinh bị đánh, Phòng GD&ĐT Ninh Hòa đã chỉ đạo tất cả các trường học phải tăng cường sự quan tâm, sâu sát đến học sinh của mình. Bồi dưỡng thêm kỹ năng cho các em, tuyệt đối không để tình trạng các em xích mích nhau mà giáo viên, nhà trường không biết và ngăn chặn, hóa giải sớm.

"Chúng tôi cũng đã yêu cầu các trường tăng cường tư vấn những điều hay lẽ phải các em học sinh cần làm ở trong cũng như ngoài nhà trường", ông Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến em nữ sinh bị hành hung, ông Sơn chia sẻ thêm, hiện tâm lý nữ sinh này đã ổn định, ngành giáo dục địa phương đã cử đoàn đến thăm hỏi, động viên.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-nu-sinh-bi-nhom-ban-hanh-hung-chuyen-gia-tam-ly-chi-nhung-viec-phu-huynh-can-lam-169240525144056139.htm