Từ vụ 3 em nhỏ chết đuối trên sông Sài Gòn: Cần tăng cường phòng chống cho trẻ
Ông Nguyễn Văn Hùng, giảng viên môn Bơi lội - Trường Đại học Thể dục - Thể thao TPHCM, cho rằng hiện nay do thời tiết giao mùa nên nắng nóng oi bức, các em học sinh (HS) đang trong kỳ nghỉ hè, thường rủ nhau đi chơi, tắm dưới mưa hoặc sông suối, ao hồ. Chính vì thế, thời gian gần đây xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm.
Nguy cơ tiềm ẩn
Nguyên nhân của nhiều vụ đuối nước là do các em nhỏ, HS vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông suối, ao hồ... hoặc tắm, bơi lội ở nơi nước sâu nhưng thiếu sự quản lý của người thân hoặc các em không biết bơi, không nhận thức được sự nguy hiểm của tai nạn đuối nước... Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn này khiến người dân, đặc biệt là trẻ em, tử vong.
Vụ đuối nước gần đây xảy ra tại đoạn sông Sài Gòn gần bến đò Bù Cạp thuộc xã An Tây, TP.Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Trước đó, trưa 04/6/2024 nhóm 7 thiếu niên ra sông Sài Gòn tắm đã bị đuối nước, 4 em nam bơi được vào bờ, còn 3 thiếu nữ mất tích, cơ quan chức năng phải điều lực lượng đến hiện trường tìm kiếm. Trưa 05/6, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã tìm thấy các nạn nhân, tất cả được đưa vào bờ để giao cho các gia đình lo hậu sự.
Trước đó, trong hai ngày 03 và 04/6 tại tỉnh Phú Thọ cũng xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm làm ít nhất 1 HS tử vong và 2 em mất tích. Trong số này, nghiêm trọng nhất là vụ em N.V.H (13 tuổi, học Trường THCS Vân Cơ, ngụ P. Vân Phú) chết đuối tại hố nước công trường dự án đang làm ở TP.Việt Trì. Trước đó, nam sinh này cùng một số bạn đi tắm ở hố nước trong phạm vi công trường dự án đường giao thông nối từ tuyến Hùng Vương qua đường Nguyễn Tất Thành, đường Phù Đổng đến đường Âu Cơ và bị đuối nước, tử vong. Theo chị Nguyễn Cẩm Hường - người dân sống ở khu vực, hố sâu này được hình thành từ việc thi công đào đất đắp nền đường và chưa được đơn vị thi công san lấp lại. Ngoài ra, thời điểm xảy ra sự việc, khu vực này không có biển cảnh báo công trường đang thi công, biển cấm tắm hố nước sâu.
Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Để tránh tình trạng trẻ bị đuối nước, ông Hùng cho rằng trong kỳ nghỉ hè thay vì cho trẻ đi chơi thì gia đình nên cho các em tham gia học kỳ bơi, rèn luyện kỹ năng này vừa tốt cho sức khỏe lại tránh được đuối nước. Gia đình không có điều kiện cho trẻ tham gia học kỳ bơi thì cần giáo dục cho trẻ biết được các mối nguy hiểm khi xuống nước, tuyệt đối không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu, giếng nước, hầm, cống để tránh bị ngã, rơi xuống.
Tuyệt đối không để các em tắm mưa, vui chơi ở những khu vực nguy hiểm, không an toàn như gần ao hồ, sông suối, mương, cống... một mình. Trẻ khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm việc khác như đọc sách, tán gẫu, câu cá, lướt điện thoại...
Ở khu trọ, nhà riêng có trẻ nhỏ tốt nhất không nên đặt các lu, thùng nước, nếu bắt buộc phải có nên đậy thật kỹ để trẻ không mở nắp được đồng thời lấp các hố, giếng nước không cần thiết. Chủ các cơ sở trọ cần nâng cao trách nhiệm trong việc nhắc nhở các bậc cha mẹ có con nhỏ thường xuyên quan tâm hơn, có biện pháp quản lý, không để các em tự ý đi tắm, vui chơi ở sông suối, ao hồ khi không có người lớn đi cùng, tránh nguy cơ đuối nước.
Trường hợp nhà trọ có hầm, cống chứa nước nên được rào chắn, đậy nắp cẩn thận. Các đơn vị khai thác khoáng sản dưới hầm đất cần cử người trông coi và phải rào chắn cẩn thận, đặt bảng cảnh báo nguy hiểm xung quanh khu vực khai thác. Bên cạnh đó, người lớn cần trang bị kiến thức để sơ cứu ban đầu cho các trường hợp đuối nước.
Khi phát hiện người bị rơi xuống nước cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân; đồng thời nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào (sào, phao, áo, quần, dây...) cho người bị đuối nước bám vào để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn.
Khi phát hiện các em nhỏ vui chơi, tắm ở sông suối, ao hồ... không có người lớn đi cùng, cần ngăn chặn, không để các em xuống nước ở khu vực nguy hiểm và nhanh chóng báo cho gia đình để có biện pháp kịp thời quản lý.