Tự tu chỉnh, 'đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta'

Biểu hiện suy thoái hàng đầu về đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ ra là: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Vì vậy, đấu tranh đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân là góp phần làm trong sạch hóa, lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Sáng ngời một thế hệ tự nguyện cống hiến, hy sinh

Chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh hoàn toàn trái với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Bất cứ ai đã đi theo Đảng, theo cách mạng, nhất là những người cán bộ, đảng viên thì luôn phải tâm nguyện suốt đời hy sinh, phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng đó, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã một lòng một dạ luôn đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên hết, trước hết.

Là đảng viên cộng sản, chắc hẳn ai cũng biết phẩm chất kiên trung, ngời sáng của biết bao chiến sĩ cách mạng trong các ngục tù, mặc dù trước sự tra tấn dã man của đế quốc thực dân, hay trước khi ra pháp trường bước lên máy chém vẫn một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, thương yêu đồng đội, hết lòng vì lợi ích chung, nên “Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng” (thơ Tố Hữu).

Chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh hoàn toàn trái với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Tranh minh họa: cand.com.vn

Trong suốt chặng đường cách mạng của đất nước ta, nhất là trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc đã xuất hiện hàng vạn cán bộ, đảng viên tiêu biểu về phẩm chất vì lợi ích tập thể mà quên đi lợi ích cá nhân. Phẩm chất đó là rất đáng trân trọng, là cao cả nhất, là thước đo không gì sánh nổi về tư tưởng vì nước, vì dân mà quên thân, quên lợi ích cá nhân.

Không có sách báo nào viết hết, ca ngợi hết những giá trị to lớn của hàng vạn tấm gương chủ nghĩa anh hùng cách mạng; anh hùng, liệt sĩ và biết bao cán bộ, chiến sĩ trong suốt chặng đường cách mạng hơn 93 năm qua do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Tiêu biểu là từ các lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, các chiến sĩ cách mạng tiền bối như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Hà Huy Tập, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng... đến những anh hùng sáng ngời tinh thần bất khuất như: Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng, Đinh Núp... Họ đã trở thành biểu tượng cao đẹp về tấm lòng trung kiên, dũng cảm, vì nước, vì dân, được muôn đời thế hệ sau ngợi ca, học tập và noi theo.

Những triệu chứng nguy hại của bệnh cá nhân chủ nghĩa thời nay

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trên chặng đường lịch sử cách mạng, chúng ta cũng đau lòng khi một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh, bị vật chất, đồng tiền cám dỗ... đã đi ngược lại lợi ích tập thể, lợi ích của đất nước, coi lợi ích cá nhân là trên hết, từ đó làm mất thanh danh, phẩm chất người đảng viên cộng sản.

Những năm gần đây, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp bộ, ngành, Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng bị lợi ích cá nhân chi phối, nên đã vi phạm kỷ luật "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng" đã bị kỷ luật và xử lý hình sự. Cũng do sa vào bệnh cá nhân chủ nghĩa, lại thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện, vì lợi ích tầm thường mà hàng chục cán bộ đã nhận hối lộ với số tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn trong vụ án “chuyến bay giải cứu” và vụ "Việt Á" mới đây, gây bức xúc dư luận.

Ở mỗi cương vị và trên từng lĩnh vực, căn bệnh cá nhân chủ nghĩa nó diễn ra khác nhau, kể cả về tính chất và quy mô. Nhưng thông thường, biểu hiện cá nhân chủ nghĩa thường bộc lộ ở một số cán bộ, đảng viên đảm nhiệm cương vị chủ chốt cơ quan, đơn vị, địa phương, đó là:

Thứ nhất, làm việc gì của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng tính đến “được cái gì” mang về cho bản thân.

Thứ hai, củng cố địa vị, bố trí những vị trí chủ chốt cán bộ, đảng viên thuộc quyền lãnh đạo, quản lý của mình là những người thân cận để bảo đảm sự thăng tiến cho cá nhân mình được thuận lợi.

Thứ ba, xây dựng những cán bộ nguồn nằm trong quy hoạch là những người thân tín hoặc những người “cánh hẩu” với mình để được ban ơn về sau hoặc tiếp tục có điều kiện cất nhắc, giúp đỡ con cháu mình sau này.

Thứ tư, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương mình xây dựng “chính sách nội bộ” về một việc gì đó mà “lách luật” được để mang lại lợi ích cho một nhóm người. Ví như xây biệt thự liền kề, nhà ở... để bán giá cao nhưng thực chất chênh lệch hàng chục lần so với giá thị trường cho những cán bộ “có nhiều cống hiến”, trong đó có bản thân mình.

Thứ năm, luôn ích kỷ, so bì, tính toán thiệt hơn; thấy đồng đội học hành, công tác thành đạt thì khó chịu, kèn cựa, nói xấu sau lưng, tìm cách hạ uy tín những cán bộ, đảng viên không thuộc “gu” của mình, gây mất đoàn kết nội bộ hoặc dùng các mánh khóe để vô hiệu hóa đồng đội, cấp dưới của mình.

Kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân

Phê phán tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, hay chủ nghĩa cá nhân, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói và viết về căn bệnh nguy hiểm này. Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng độc hại, tồn tại dai dẳng trong mỗi người cán bộ, đảng viên, luôn chờ cơ hội để trỗi dậy; là nguy cơ làm suy yếu Đảng, giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng. Người coi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ thù của những người cách mạng. Bác Hồ nói: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra”, do vậy, theo Bác: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra đối với cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, chúng ta cần nhận thức đúng đắn rằng “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Bởi vì, theo Bác, “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”. Vấn đề là ở chỗ, như Bác Hồ đã chỉ ra: “Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.

Việc cần làm hiện nay là các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về tự phòng, chống bệnh cá nhân chủ nghĩa. Đặc biệt đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nhận thức và xác định đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ không nghỉ, là lương tâm, trách nhiệm và ý thức tự giác của mình trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân; dù trong điều kiện nào cũng đặt lợi ích tập thể lên trên hết, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Nếu cán bộ, đảng viên ở cương vị chủ chốt các cấp thực hiện đúng lời dạy của Bác, chắc chắn sẽ giáo dục, cảm hóa, thuyết phục được mọi thành viên trong cơ quan, đơn vị cũng đề cao trách nhiệm tự phê phán, đấu tranh chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.

Một giải pháp quan trọng nữa là các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong cơ quan, đơn vị thường xuyên theo định kỳ sinh hoạt tự phê bình và phê bình, trong đó chú trọng xem xét đến từng cá nhân, tập thể có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa không? Nếu có thì phải giáo dục, ngăn chặn, đấu tranh nghiêm túc để loại bỏ ngay từ khi còn manh nha, nhen nhóm.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy định về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện nghiêm túc Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Qua đó làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về trách nhiệm rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu của mình, luôn công tâm vì lợi ích tập thể, lợi ích của đất nước, trong đó có lợi ích chính đáng của mình. Không gì hơn là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu chỉnh, tự vượt qua và chiến thắng chính mình trước những cám dỗ để không sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Vấn đề có tính lâu dài đòi hỏi chúng ta phải làm tốt công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sớm có tư tưởng lành mạnh, trong sáng, không vụ lợi, lấy mục đích lợi ích tập thể, lợi ích đất nước, lợi ích của nhân dân để xác định động cơ phấn đấu, rèn luyện, phục vụ khi trở thành người cán bộ, đảng viên của Đảng.

Theo QĐND

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tu-tu-chinh-danh-thang-ke-dich-ben-trong-cua-moi-chung-ta-7mZmbsnSg.html