Từ thầy giáo làng đến người lãnh đạo phong trào Cần Vương
Nguyễn Ngọc Phương (tức Nguyễn Phương) còn được biết đến với tên gọi Tú Phương hay Quan Tham (tức Tham biện sơn hải phòng quân vụ). Ông đã lãnh đạo người dân vùng đất Nông Cống tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp mạnh mẽ. Hơn 100 năm trôi qua, chuyện kể về Tú Phương vẫn được hậu thế nhắc nhớ.

Hằng năm, vào ngày 14 tháng 4 (âm lịch), con cháu trong dòng họ lại tề tựu về đền thờ để thắp nén hương thơm tưởng nhớ “thầy giáo Phương”.
Nguyễn Phương quê làng Yên Tôn, xã Hương Trì, tổng Văn Trường, phủ Tĩnh Gia xưa, nay là thôn Yên Minh, xã Trường Văn. Ông sinh năm 1832 trong gia đình có truyền thống học hành. Từ khi còn trẻ, Nguyễn Phương đã bộc lộ tính cách khẳng khái, cương trực, không khuất phục quyền uy. Sau khi thi đỗ tú tài, Nguyễn Phương không tiếp tục theo con đường khoa cử mà ở quê nhà mở lớp dạy học. Lớp học của thầy giáo Phương thu hút đông học trò trong vùng.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, từng bước thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn bấy giờ chia thành hai phe - chủ chiến và chủ hòa. Trong đó, đại diện phe chủ chiến là vua Hàm Nghi và quan đại thần Phụ chính Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết đã cùng với một số quan lại trong triều đình và ở các địa phương xây dựng lực lượng chống Pháp.
Bấy giờ, Thanh Hóa đất rộng, người đông, địa thế hiểm yếu, lại là quê hương của nhiều bậc vua, chúa, nơi diễn ra các cuộc chiến trong lịch sử dân tộc, vì thế việc xây dựng một căn cứ kháng chiến trên vùng đất xứ Thanh được “phe” chủ chiến xem là nhiệm vụ quan trọng.
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, hàng loạt sĩ phu, người dân xứ Thanh đã tích cực tham gia, tạo nên một phong trào kháng Pháp mạnh mẽ trên quê hương Thanh Hóa. Bấy giờ, thầy giáo Phương cũng lựa chọn tạm dừng sự nghiệp dạy học trò, từ giã sách vở để góp sức mình cho đất nước. Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương và dòng họ, Tú Phương được Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi phong cho chức Tham biện sơn hải phòng quân vụ, kiêm Quản phủ Tĩnh Gia. Cũng từ đây, người dân thường gọi ông là “Tham Phương”.
Những ngày đầu dấn thân tham gia phong trào Cần Vương, Nguyễn Phương đã liên hệ với Nguyễn Xuân Ôn - một nhà nho tiết tháo đã từ giã quan trường về quê nhà Diễn Châu (Nghệ An) xây dựng lực lượng đánh giặc để học hỏi về việc xây dựng, tổ chức lực lượng khởi nghĩa. Và vùng đất Hương Trì, tổng Văn Trường quê hương ông với lợi thế có núi Phương Lĩnh, cây cối rậm rạp, lại có các con sông Yên, sông Trạp chảy qua, giao thông đi các ngả đều thuận lợi.
Với uy tín bản thân, thầy giáo Phương đã nhanh chóng tập hợp lực lượng là trai tráng trong vùng gia nhập nghĩa quân, ông trở thành lãnh tụ nghĩa quân ở căn cứ Hương Trì. Các con trai, con rể của ông cũng dốc sức tham gia phong trào. Chỉ sau một thời gian ngắn, căn cứ Hương Trì rộng lớn đã được xây dựng quy mô khá hoàn chỉnh. Tại đây có khu luyện tập vũ trang, trường luyện võ, nơi duyệt binh, khu vực đúc vũ khí, tích trữ lương thực... xung quanh được bố trí các trạm gác.
Lực lượng tại căn cứ Hương Trì ngày một lớn mạnh, thực tế đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các vùng. Lúc bấy giờ, thủ lĩnh Nguyễn Phương được giao phụ trách phong trào của vùng Ngọc Sơn và phía Nam Nông Cống. Thông qua các bạn đồng môn và học trò, Nguyễn Phương đã liên hệ với những người có uy tín trong vùng để phong trào có thể phát triển mạnh hơn. Sau khi khảo sát, ông đã chọn vùng Ổn Lâm - Kỳ Thượng (khu vực tiếp giáp giữa Nông Cống và Như Thanh trước đây) với địa thế hiểm yếu để chuyển lực lượng về đây mở lò rèn, xây dựng căn cứ mới cho cuộc khởi nghĩa.
So với căn cứ Hương Trì thì căn cứ Ổn Lâm - Kỳ Thượng rộng lớn cả về quy mô và số lượng nghĩa quân tham gia. Tại đây, có nhiều đồn trại đóng quân, lại được sự hỗ trợ của người dân trong vùng nên thế lực của nghĩa quân và căn cứ ngày càng mạnh. Tính đến đầu năm 1886, số nghĩa quân tại căn cứ Ổn Lâm - Kỳ Thượng đã lên tới chừng 1.000 người.
“Tháng 1/1886, sau khi làm lễ tế cờ ở chợ Nồn (Phụng Liên), nghĩa quân của Tú Phương hoạt động trên địa bàn rộng gồm cả huyện Tĩnh Gia, một phần của huyện Nông Cống và Quảng Xương, chuyên phục kích chặn đánh các tốp lính Pháp và bọn ngụy đi tuần, chặn các đoàn xe vận tải chở lương thực, vũ khí trên các tuyến đường, gây náo loạn ở các đồn bốt của Pháp. Nghĩa quân thường xuyên cử người đi vào các huyện miền Tây Nghệ An mua lưu huỳnh về để chế thuốc súng” (sách Danh nhân Thanh Hóa).

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Ngọc Phương ở thôn Yên Minh, xã Trường Văn.
Một trong những trận đánh tiêu biểu của nghĩa quân do thầy giáo Nguyễn Phương lãnh đạo là trận tấn công vào đồn Mưng. Sau khi quan sát tình hình, bố trí lực lượng, nghĩa quân đã chia thành hai cánh để đánh đồn Mưng. “Lợi dụng lúc trời tối, hàng trăm nghĩa quân đã tập trung ở tổng Cai Xá, chia thành hai cánh. Một cánh đóng ở làng Cốc Hạ, cánh quân này có nhiệm vụ đốt phá huyện lỵ, tấn công huyện đường... Cánh thứ hai đóng ở làng Hữu Cốc và Côn Dương có nhiệm vụ tấn công đồn Mưng, diệt bọn lính khố xanh và bọn chỉ huy” (sách Danh nhân Thanh Hóa).
Từ chiến thắng đồn Mưng, nghĩa quân đã nhanh chóng chuẩn bị lực lượng, tiến xuống đánh thành Thanh Hóa. Đêm 11 rạng sáng ngày 12/3/1886, nghĩa quân đã cải trang thành những người đi chợ phiên, giấu vũ khí trong các gánh hàng. Đến nơi, Nguyễn Phương đã chỉ huy 300 cảm tử quân đánh vào trại lính Âu - Phi trong thành làm cho quân giặc hoảng sợ. Song, do tương quan lực lượng và vũ khí, kẻ địch sau cơn hoảng loạn đã giành lại thế trận, cuộc tấn công không giành được thắng lợi, thủ lĩnh Nguyễn Phương buộc phải rút quân về căn cứ để bảo toàn lực lượng.
Khi hàng loạt căn cứ ở Thanh Hóa bị thực dân Pháp càn quét, đánh phá thì căn cứ Ổn Lâm - Kỳ Thượng cũng không tránh khỏi bị tiêu diệt. Dẫu vậy, để bảo vệ căn cứ, thủ lĩnh Nguyễn Phương và các con của ông cùng nghĩa quân đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh.
Sinh thời, thầy giáo Nguyễn Phương được biết đến là người thông minh, tài hoa và chí khí cao ngạo, luôn khát vọng có thể quét sạch bóng quân xâm lược ra khỏi đất nước. Tâm tư ấy, được gửi gắm trong bài thơ ông sáng tác khi đang ở căn cứ Ổn Lâm - Kỳ Thượng: “Nghĩ việc trên đời chẳng lạ thay/ Sơn hà xã tắc nắm trong tay/ Đôi bên áo mũ trông trông trước/ Bốn phía cày bừa nhớ nhớ nay/ Tôn tổ vun trồng còn có đó/ Đất trời ngang dọc phải từ đây/ Xoay vần con tạo khôn đâu nhẽ/ Quét sạch tanh hôi một hội này”.
Sau khi Nguyễn Phương qua đời, đền thờ ông ở quê nhà Yên Minh đã được lập dựng. Anh Nguyễn Ngọc Hà, hậu duệ của cụ Tú Phương, chia sẻ: “Đền thờ Nguyễn Ngọc Phương đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm, vào ngày 14 tháng 4 (âm lịch) - ngày mất của cụ, con cháu trong dòng họ lại tề tựu về đền thờ thắp nén hương thơm tưởng nhớ người xưa”.
Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Danh nhân Thanh Hóa (NXB Thanh Hóa, 2007) và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương.