Từ thảm sát tới tham nhũng - những bê bối của hoàng gia châu Á

Với địa vị danh giá và cuộc sống trong nhung lụa mà nhiều người mong ước, các gia đình hoàng tộc châu Á vẫn phải đối mặt với nhiều bê bối nghiêm trọng ảnh hưởng xấu tới uy tín.

Nhiều người dân ở các nước châu Á dành tình cảm đặc biệt cho thành viên hoàng gia vì tầm ảnh hưởng của hoàng tộc trong xã hội. Do đó, lối sống thượng lưu và danh giá của hoàng gia cũng trở thành mối quan tâm của truyền thông.

Tuy nhiên, giống như hoàng gia phương Tây, cuộc sống "dát vàng" của giới quý tộc châu Á cũng bị bủa vây bởi bi kịch và những vụ bê bối, khởi đầu cho giai đoạn căng thẳng chính trị - xã hội.

Vụ thảm sát trong cung điện

Đó là tối ngày 1/6/2001, khi Cung điện Narayanhity, nơi ở của nhà vua Nepal và gia đình lúc bấy giờ, trở thành biển máu.

Mười thành viên hoàng gia của triều đại Shah, bao gồm vua Birendra Bir Bikram Shah, hoàng hậu Aishwarya và hai người con của họ, bị bắn chết. Tiến sĩ Rajiv Shahi, thành viên hoàng gia sống sót sau vụ thảm sát, cho biết kẻ giết người là thái tử Dipendra, đang say rượu khi gây án.

Vua Birendra Bir Bikram Shah (trái) và hoàng hậu Aishwarya của Nepal bị giết bởi thái tử Dipendra năm 2001. Ảnh: AFP.

Quy định hoàng gia Nepal cho phép quá trình kế vị được tự động thực hiện sau khi nhà vua qua đời. Tuy nhiên, Dipendra chết chỉ ba ngày sau khi đăng cơ trong lúc còn bất tỉnh.

Một số nguồn tin cho biết động cơ vụ thảm sát là do vua Birendra và hoàng hậu không tán thành hôn nhân giữa Dipendra với bạn gái, vốn xuất thân từ gia đình quý tộc Ấn Độ. Hai người được cho là gặp gỡ lần đầu khi thái tử theo học ở Anh.

Sau khi Dipendra qua đời, người chú Gyanendra, tức em trai vua Birendra, trở thành tân vương Nepal.

Người dân tỏ ra phẫn nộ về vụ thảm sát. Nhiều cuộc bạo loạn đã diễn ra tại thủ đô Kathmandu của nước này vì cho rằng đây là kế hoạch xấu xa của Gyanendra để cướp ngai vàng.

Điều này khiến nhà vua Gyanendra không được lòng dân chúng. Đầu năm 2008, ông bị buộc phải thoái vị sau cuộc bầu cử với kết quả cho thấy mong muốn xây dựng nền cộng hòa, chấm dứt hơn hai thế kỷ cai trị của triều đại Shah.

Cung điện Narayanhity ngày nay trở thành một bảo tàng. Gwen Leung, tư vấn viên du lịch của Charlotte Travel, công ty du lịch có trụ sở tại Hong Kong, cho biết cô đã nhiều lần đến Nepal và nhìn thấy đài tưởng niệm cho cựu thành viên hoàng gia, tuy nhiên người dân địa phương hiếm khi nhắc đến vụ thảm sát.

Đại án tham nhũng hoàng gia Thái Lan

Srirasmi Suwadee, người vợ thứ ba của nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi hai người ly dị vào tháng 12/2014. Là một thường dân, bà Srirasmi kết hôn với nhà vua, khi đó còn là thái tử, vào năm 2011 và sinh ra hoàng tử Dipangkorn, hiện 14 tuổi và là người kế thừa ngôi vị.

Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn cùng người vợ thứ ba Srirasmi Suwadee trong một buổi lễ năm 2006. Ảnh: Reuters.

Sau khi một số người thân, bao gồm cả cha và mẹ của bà Srirasmi, bị cáo buộc tham nhũng và lạm dụng địa vị hoàng gia để trục lợi cá nhân, bà đã xin từ bỏ tước hiệu hoàng gia do nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej sắc phong.

Thái Lan có hệ thống luật khi quân nghiêm khắc với hình phạt tối đa lên tới 15 năm tù.

"Tôi gọi đó là 'vụ bê bối ầm ĩ' trong khi khó có thể tranh luận cởi mở về chế độ quân chủ. Tin tức về vụ việc lan truyền rộng rãi, nhưng được tường thuật rất dè dặt khiến người Thái bàn tán xôn xao", James Buchanan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Nghiên cứu châu Á và Quốc tế, Đại học City, nói với South China Morning Post.

Ông Buchanan cho rằng cuộc thanh trừng được coi như "nhà vua 'lập lại trật tự trong gia đình' trước khi lên ngôi". Quốc vương Vajiralongkorn sẽ tổ chức lễ đăng cơ từ ngày 4 đến 6/5.

Vị hoàng thân lưu vong

Hoàng thân nổi tiếng chơi bời Jefri Bolkiah, em trai quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei, được biết đến với bộ sưu tập siêu xe, du thuyền triệu đô và hai "bức tượng khiêu dâm" với kích thước như người thật của ông và vợ sắp cưới.

Tuy nhiên, hoàng thân Brunei buộc phải từ bỏ lối sống vương giả vào năm 2000, khi bị anh trai kiện vì chiếm đoạt 14,8 tỷ USD từ Cơ quan Đầu tư Brunei, nơi quản lý nguồn thu từ dầu mỏ của nước này. Ông bị cách chức bộ trưởng tài chính và phải sống lưu vong ở London.

Hoàng thân Brunei Jefri Bolkiah bị anh trai là quốc vương Hassanal Bolkiah kiện vì chiếm đoạt 14,8 tỷ USD từ Cơ quan Đầu tư nước này. Ảnh: Warzer Jaff.

Jefri phải ký thỏa thuận trả lại hơn 50 bất động sản ở Mỹ, châu Âu và Anh để đổi lấy khoản trợ cấp 300.000 USD/tháng. Tuy nhiên, các tài liệu pháp lý sau đó hé lộ ông chỉ trả lại một phần số tài sản.

"Vào thời điểm đó, người dân bàn tán rất nhiều về vụ việc. Tin tức tràn lan trên Internet và không bị kiểm duyệt - điều đáng chú ý đối với một quốc gia có truyền thống kiểm soát truyền thông", một công dân Brunei giấu tên nói.

Nữ vương "bất khả thi"

Hamengkubuwono X, người trị vì thứ mười của triều đại Yogyakarta, Indonesia, đã khiến gia đình hoàng gia trở thành tâm điểm chú ý khi ông sắc phong con gái Gusti Kanjeng Ratu Mangkubumi thành "công chúa kế vị" vào năm 2015, đưa cô trở thành người thừa kế ngai vàng.

"Một nữ vương là điều bất khả thi", Kanjeng Raden Tumenggung Jatiningrat, người họ hàng của công chúa, nói với AFP vào thời điểm đó. Tuy nhiên, quốc vương Hamengkubuwono nói rõ ông không nghĩ giới tính là vấn đề trong việc phục vụ người dân.

Công nương Gusti Kanjeng Ratu Mangkubumi của Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: Wikimedia.

Ông cũng công khai tuyên bố muốn con gái mình kế vị với tư cách là nhà vua và đồng thời là lãnh đạo khu tự trị đặc biệt Yogyakarta. Năm 2016, Tòa án Hiến pháp Indonesia ra phán quyết loại bỏ sự thống trị của chế độ phụ hệ trong hoàng gia Yogyakarta, tạo điều kiện cho phụ nữ nắm quyền lãnh đạo.

Teuku Rezasyah, trưởng khoa nhân học tại Đại học President, Tây Java, cho biết Yogyakarta là khu vực duy nhất có vua cai trị ở đất nước dân chủ Indonesia, do đó thành viên hoàng gia có quyền tham gia chính trường. Vợ của quốc vương Hamengkubuwono, hoàng hậu Kanjeng Ratu Hemas, cũng là một chính trị gia.

"Ông và con gái của ông có tầm ảnh hưởng... đến những người dân muốn tìm kiếm cảm hứng hay một nhân vật nào đó để noi theo", ông Teuku Rezasyah nói.

Món nợ của "phò mã" tương lai

Công chúa Nhật Bản Mako đã phải trì hoãn tổ chức đám cưới với vị hôn phu Kei Komuro, sau khi hoàng gia Nhật Bản phát hiện mẹ của Komuro đã vay 4 triệu yen (khoảng 36.500 USD) để trả số nợ vì chi phí ăn học của anh.

Công chúa Nhật Bản Mako (phải) cùng vị hôn phu Kei Komuro. Ảnh: Reuters.

Cặp đôi tuyên bố dự định tổ chức lễ cưới vào tháng 11/2018, tuy nhiên Cung Nội Sảnh hoàng gia Nhật Bản hồi tháng 2/2018 cho biết hôn lễ có thể bị hoãn cho tới năm 2020.

Công chúa Mako, cháu gái lớn nhất của Nhật hoàng Akihito, đã gây bất ngờ khi tuyên bố về lễ đính hôn của cô với Kei Komuro, một luật sư 26 tuổi. Cô sẽ phải từ bỏ tước hiệu hoàng gia khi kết hôn.

Phần lớn người Nhật cho rằng vụ việc không gây hại gì đến danh tiếng của hoàng gia. Vào ngày 30/4 sắp tới, Nhật hoàng 85 tuổi sẽ thoái vị để con trai cả Naruhito lên ngôi.

Hương Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-tham-sat-toi-tham-nhung-nhung-be-boi-cua-hoang-gia-chau-a-post919373.html