Tư liệu quý cho hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách

Đánh giá kết quả Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ANDREW JEFFRIES khẳng định, thành công của diễn đàn chính là sự đồng thuận, thống nhất cao về việc phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, khơi thông các loại thị trường, khắc phục các khiếm khuyết của từng loại thị trường và tạo điều kiện cho các thị trường phát triển lành mạnh, thông suốt, kết nối thị trường trong nước với quốc tế. Những thông tin là tư liệu quý cho Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Chìa khóa vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững

- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa và kết quả của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022?

- Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức vào thời điểm phù hợp, Việt Nam vừa bước ra khỏi đại dịch Covid-19 và nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực ở một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn định. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, vì vậy dễ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài. Chủ đề của Diễn đàn năm nay có tính chất bao trùm cả khía cạnh kinh tế và xã hội, với trọng tâm là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Tôi đánh giá cao chủ đề này, bởi ổn định kinh tế vĩ mô là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức để tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá mà còn ở việc tháo gỡ điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác hiệu quả các nguồn lực trong xã hội. Vì vậy, tôi cũng đánh giá rất cao hai chuyên đề thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn, liên quan đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai và đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đây là những vấn đề rất thực tiễn, được cả các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều rất quan tâm.

Với một đất nước đang phát triển nhanh, nhu cầu về đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng cao, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai là rất quan trọng nhằm khơi thông nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ở khía cạnh xã hội, người trong độ tuổi thanh niên hiện chiếm tỷ lệ tương đối cao trong dân số cũng như trong lực lượng lao động cả nước. Những người này cần có việc làm, đặc biệt là việc làm có thu nhập tốt. Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực cũng có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp và người lao động hấp thụ được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm nâng cao sức chống chịu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội và phát triển việc làm bền vững là vấn đề đặt ra với Việt Nam.

Thành công của Diễn đàn chính là sự đồng thuận, thống nhất cao về việc phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, khơi thông các loại thị trường, khắc phục các khiếm khuyết, khuyết tật của từng loại thị trường và tạo điều kiện cho các thị trường phát triển lành mạnh, thông suốt, kết nối thị trường trong nước với quốc tế.

Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện thể chế

- Tại phiên thảo luận chuyên đề số 1 về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, các đại biểu đã thảo luận sâu sắc và đề xuất nhiều kiến nghị hay về các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai, hoàn thiện cơ chế thu hồi, bồi thường, tái định cư… Ông đánh giá thế nào về kết quả phiên thảo luận chuyên đề này?

- Các chính sách về đất đai là vấn đề phức tạp, nhất là đối với Việt Nam, quốc gia đang phát triển hết sức nhanh chóng, tỷ lệ thuận với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, giá đất tại các đô thị lớn tăng lên chóng mặt. Trong bối cảnh đó, đất đai được xem là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển. Nhà nước cần đất để thực hiện các dự án phát triển; người dân cần đất ở, đất sản xuất. Làm thế nào để thu hồi đất phục vụ nhu cầu phát triển; giải quyết hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước là bài toán đau đầu với các nhà quản lý.

Phiên thảo luận chuyên đề số 1 đã có nhiều kiến nghị, đề xuất hay, bám sát thực tiễn, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai. Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí rằng, cần tiếp tục phát huy vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong cải cách, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tập trung đề xuất giải pháp nhằm giải quyết bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai.

Đối với các chính sách về tài chính đất đai, các đại biểu cho rằng, vấn đề chính là các chính sách vốn hóa đất đai trong khu vực nhà nước và khu vực các nhà đầu tư. Chính sách vốn hóa đất đai thuộc khu vực nhà nước tập trung chủ yếu vào đổi mới cơ chế thu từ đất sao cho nguồn thu chủ yếu từ thuế và nguồn thu từ giá trị tăng thêm của đất đai do đầu tư trên đất mang lại.

- Cá nhân ông lưu tâm đến đề xuất, kiến nghị nào?

- Tôi đánh giá cao một số đề xuất giải pháp về tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành pháp luật.

Việt Nam có khuôn khổ pháp lý và thể chế tương đối hoàn thiện cho khu vực công; áp dụng hệ thống quy hoạch sâu rộng gồm các cấp quốc gia, Trung ương và tỉnh với các chiến lược 5 năm, 10 năm; các kế hoạch tài chính và ngân sách theo giai đoạn và nhiều quy hoạch ngành. Chính sách, pháp luật cần bảo đảm có tầm nhìn dài hạn và có tính ổn định tương đối, song cũng cần bảo đảm sự linh hoạt nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Chính vì vậy, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong hoàn thiện thể chế phục vụ thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Việc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang đặt ra nhiều thách thức với phát triển kinh tế, nhất là phát triển hạ tầng cơ sở ở Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đòi hỏi khuôn khổ pháp lý hiệu quả cho việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có cơ chế xác định giá trị của đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng như công tác giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến bồi thường đất đai. Đây là vấn đề phức tạp, nhất là trong khu vực thành thị khi đất đai dành cho xây dựng ngày càng trở nên khan hiếm.

Xác định giá đất, bồi thường, tính toán thuế bất động sản là những vấn đề cần được tính toán dựa trên giá cả thị trường. Phương pháp định giá hiện nay đang gây ra những xung đột và cũng làm thất thu ngân sách của Nhà nước (chẳng hạn do thuế tài sản thấp hơn mức bình quân trong khu vực và toàn cầu). Tôi cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu về đất đai sẽ làm tăng tính minh bạch trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và quá trình ra quyết định.

Những thông tin chuyên sâu, những kiến nghị, đề xuất chính sách được các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các tổ chức tài chính đa phương chia sẻ, trao đổi tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý cho Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tu-lieu-quy-cho-hoach-dinh-va-to-chuc-thuc-hien-chinh-sach-i301340/