Tư lệnh ngành Nội vụ trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Sáng nay (12/12), tư lệnh ngành Nội vụ Lê Minh Đạo là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề quan trọng liên quan tới các lĩnh vực mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Sáng nay (12/12), HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng dự.
Đặt vấn đề tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho hay: Hôm nay, HĐND tỉnh sẽ dành trọn cả ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Thông qua các kỳ họp và quá trình giám sát, HĐND tỉnh đã chất vấn UBND tỉnh, các sở, ngành nhiều nội dung. Tiếp thu ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao để chỉ đạo, điều hành. Vai trò quản lý Nhà nước của các ngành đã có nhiều đổi mới, kỷ luật, kỷ cương tốt hơn, tồn đọng được tập trung xử lý và tháo gỡ được nhiều vướng mắc.
Môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư khởi sắc, kinh tế tăng trưởng. Niềm tin của cử tri đối với các cơ quan được tăng cường, từ đó, khẳng định rõ nét lời hứa của các tư lệnh ngành.
Theo chương trình Kỳ họp lần thứ 23, HĐND tỉnh sẽ dành thời gian 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung liên quan tới các lĩnh vực, trong đó dành thời gian nhiều hơn cho lĩnh vực TN&MT, LĐ-TB&XH, nội vụ. Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 34 câu hỏi trên 14 lĩnh vực. Tại kỳ họp lần này sẽ chọn nhiều câu hỏi đại biểu và cử tri quan tâm chất vấn trực tiếp tại hội trường. Có những lĩnh vực đã được chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp trước không phải ngành chưa tập trung khắc phục mà đây là những lĩnh vực tác động thường xuyên tới đời sống kinh tế xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm.
Đề nghị các giám đốc trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, nêu rõ giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đối với đại biểu chất vấn, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm.
Trước khi bước vào phiên chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo giải trình, làm rõ băn khoăn của đại biểu dân cử về việc các đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính được giao biên chế nhưng chưa được tuyển dụng đủ số lượng, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Tư lệnh ngành Nội vụ cho biết, hằng năm, Sở Nội vụ đã chủ động rà soát, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh quyết định phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức cho tất cả các đơn vị sự nghiệp theo quy định.
Năm 2024, Sở Nội vụ cũng đã chủ động ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và đề xuất tuyển dụng viên chức năm 2024. Đến giữa tháng 4/2024, Sở Nội vụ đã rà soát, tổng hợp xong tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức năm 2024 của các đơn vị, trong đó có các đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên.
Sở cũng tập trung hướng dẫn các đơn vị xây dựng, hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm, trình thẩm định, phê duyệt để làm căn cứ cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức theo đúng quy định. Tuy vậy, quá trình xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm còn gặp phải một số vướng mắc, khó khăn, nên tiến độ hoàn thành chậm dẫn đến việc thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2024 chưa thực hiện được.
Việc chậm phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2024, nhất là đối với các đơn vị tự chủ; ngoài những khó khăn nêu trên thì có nguyên nhân chủ quan từ Sở Nội vụ. Sở chưa chủ động, linh hoạt trong quá trình tham mưu tuyển dụng viên chức năm 2024.
Giám đốc Lê Minh Đạo cho biết, Sở Nội vụ đã kiểm điểm nghiêm túc; đồng thời, ban hành Văn bản số 2520/SNV-CCVC ngày 20/11/2024 tham mưu UBND tỉnh xem xét, cho tuyển dụng 485 chỉ tiêu viên chức đối với các đơn vị đã đảm bảo điều kiện; trong đó có 256 chỉ tiêu tại các đơn vị tự chủ tài chính. Khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm trình thẩm định, phê duyệt; tiếp tục rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng viên chức.
Giám đốc Sở Nội vụ cũng nêu thực trạng và giải pháp giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên và vấn đề thừa - thiếu giáo viên “cục bộ” tại các bậc học, cấp học. Hà Tĩnh chỉ có 9 xã biên giới thuộc vùng 1, có đơn vị thuộc vùng 2. Các ĐVHC cấp xã còn lại trên địa bàn tỉnh đều thuộc vùng 3. Hà Tĩnh đã luôn quan tâm, bố trí định mức giáo viên/lớp của các cấp học ở mức cao.
Giám đốc Lê Minh Đạo cũng nêu thực tế sĩ số học sinh/lớp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh không đồng đều theo từng bậc học. Ở các địa bàn giao thông đi lại khó khăn, có nhiều điểm trường lẻ thì bình quân sĩ số học sinh/lớp thấp; dẫn đến, tính biên chế giáo viên ở các địa bàn này sẽ dôi dư nhiều. Các địa bàn mật độ dân số cao, có ít điểm trường lẻ thì sĩ số bình quân học sinh/lớp thường cao hơn, một số đơn vị có định mức học sinh/lớp vượt mức tối đa.
Để xử lý các tồn tại, vướng mắc nêu trên, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu triển khai giải pháp kịp thời; UBND tỉnh đã ban hành văn bản triển khai thực hiện và chỉ đạo các địa phương tập trung tham mưu quy định số học sinh bình quân/lớp theo vùng phù hợp đối với từng đơn vị, địa phương cụ thể để làm căn cứ giao biên chế giáo viên đúng, sát với thực trạng cụ thể của từng địa phương; tăng sĩ số học sinh trên lớp đảm bảo theo quy định ở những nơi đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất lớp học và điều kiện đi lại thuận lợi của học sinh; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng phù hợp với nhu cầu để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp…
Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần đặt câu hỏi với tư lệnh ngành Nội vụ: Hiện tại, các đơn vị tự chủ về tài chính vẫn chưa được tuyển viên chức mặc dù chỉ tiêu UBND tỉnh đã giao. Các nguyên nhân đã được Sở Nội vụ chỉ ra và Sở đã nhận trách nhiệm, tuy nhiên, đại biểu chưa đồng ý với nguyên nhân các đơn vị chuẩn bị sắp xếp trong khi chủ trương của Trung ương chỉ tạm dừng tuyển công chức. Vậy, khi nào, các đơn vị này sẽ được tuyển dụng?
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tình trạng dôi dư, thừa thiếu giáo viên cục bộ đã được trả lời, giải trình khá rõ. Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hữu hiệu nhất; giải quyết được những khó khăn, tồn tại.
Đại biểu Nhuần cũng nêu thực tế, tình trạng dôi dư giáo viên khá nhiều, trong khi đó, các đơn vị TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh còn thiếu, đề nghị Sở Nội vụ làm rõ các giải pháp.
Trước câu hỏi của đại biểu Nhuần, tư lệnh ngành Nội vụ cho hay, hiện nay, một số địa phương có bình quân sĩ số học sinh trên lớp cao như TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, nhưng không có nguồn giáo viên dự phòng. Do vậy, để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả giáo viên được giao; rà soát, cân đối, biệt phái giáo viên đảm bảo hợp lý. Các đơn vị còn thiếu nói trên chưa thực hiện điều chuyển biên chế và biệt phái giáo viên ở địa phương khác, cho phép giao hợp đồng để đào tạo việc dạy học; tăng sĩ số học sinh trên lớp ở nơi đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về giao thông; phân luồng học sinh phù hợp… Ngoài ra, tiến hành sắp xếp viên chức ngành giáo dục; bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên dạy các môn chuyên biệt; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Không đồng tình với câu trả lời của Giám đốc Sở Nội vụ về giải pháp cho phép hợp đồng với các giáo viên để khắc phục tình trạng thiếu hụt, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần quan ngại đối với công tác quản lý. Vậy Sở sẽ tham mưu giải pháp nào để vừa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ vừa tiên lượng những khó khăn có thể xảy ra?.
Tư lệnh ngành Nội vụ cho biết, Sở sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh tuyển dụng viên chức trong thời gian tới. Ngoài lĩnh vực giáo dục, Sở cũng chú trọng vấn đề này đối với lĩnh vực y tế.
Đối với câu hỏi của đại biểu Nhuần về tình trạng thừa giáo viên mầm non, thiếu giáo viên cấp THCS ở một số địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ nêu thực tế, Sở sẽ đề xuất phương án giảm dần từng bước ở cấp mầm non, tuy vậy, việc thực hiện sẽ rất khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT cùng các huyện tiến hành rà soát, điều chuyển biên chế.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuấn - Phó ban KT-NS (Tổ đại biểu Vũ Quang) về việc Sở Nội vụ đã tham mưu triển khai Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết 1283/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025 như thế nào, người đứng đầu Sở Nội vụ đã thông tin rõ quy trình, việc chủ động của sở trong triển khai nhiệm vụ.
Theo đó, sau khi phương áp sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025 được thông qua, Sở Nội vụ đã chủ động gửi dự thảo kế hoạch thực hiện đến các sở, ngành, địa phương để lấy ý kiến và phân công nhiệm vụ cụ thể để các sở, ngành, địa phương thực hiện. Dự kiến, dự thảo kế hoạch sẽ được UBND tỉnh ban hành trong một vài ngày tới để các đơn vị, địa phương liên quan có cơ sở bám nắm thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ đang cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đảm bảo trong tháng 1/2025 sẽ hoàn thành nội dung này ở các đơn vị hành chính mới.
Trả lời các nội dung của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ về việc linh hoạt trong giao biên chế ở lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo cho hay: Trước đây, tỉnh giao biên chế giáo viên theo số lớp của từng địa phương nhưng từ khi thực hiện Thông tư 19 và 20 của Bộ GD&ĐT thì nay không giao biên chế như vậy, mà giao dựa trên cơ sở tổng số học sinh của từng bậc học để giao số lượng giáo viên để các địa phương linh hoạt bố trí số lớp phù hợp với thực tế từng địa phương.
Về việc tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, theo Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo, đây là nội dung lớn, được đại biểu quan tâm và cũng đã bàn nhiều tại các kỳ họp trước đây. Tuy vậy, hiện nay, việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục chỉ thuận lợi ở khu vực thành phố, thị xã, còn với các địa phương khác vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài giải pháp tiếp tục kêu gọi xã hội hóa, tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng chính sách trong việc xã hội hóa giáo dục, trong đó, tạo chính sách để học sinh khối giáo dục tư thục và khối công lập có sự bình đẳng với nhau như thu học phí, nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích học sinh đăng ký vào giáo dục tư thục nhiều hơn.
Về nội dung tập trung rà soát xử lý dôi dư bậc mầm non, tư lệnh ngành Nội vụ cho hay: Thực tế tính theo biên chế giáo viên mầm non theo Thông tư 29 trên địa bàn tỉnh hiện đang dôi dư. Trước thực tế này, một số địa phương đang huy động trẻ dưới 3 tuổi vào các lớp mầm non, trong khi đó, theo quy định của tỉnh chỉ bố trí giáo viên mầm non trên 3 tuổi.
Hiện nay, sở đang tiến hành rà soát với giáo viên mầm non thì sẽ giao bằng hiện có, từng bước giảm dần số lượng giáo viên dôi dư. Với địa phương, đơn vị có số lượng giáo viên mầm non hiện đang có nhưng vì nhiều lý do chưa thể giảm được, trước mắt cho huy động thêm trẻ dưới 3 tuổi để đảm bảo sử dụng số giáo viên hiện có.
UBND tỉnh cũng đang giao cho Sở Nội vụ phối hợp với ngành giáo dục và địa phương rà soát lại giáo viên từng bậc học để tham mưu tỉnh luân chuyển, điều động từ nơi thừa tới nơi thiếu và hoàn thành trong tháng 1/2025.
Liên quan đến băn khoăn của đại biểu Đặng Trần Phong - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) về việc thiếu biên chế y tế và nên chăng cần mạnh dạn có cơ chế giao tự chủ cho các trung tâm y tế tuyến huyện, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện nay, cơ bản các đơn vị y tế đã tự chủ hoàn toàn. Liên quan đến thiếu biên chế của ngành y tế, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh cho tuyển dụng trong thời gian tới.
Làm rõ thêm những giải pháp quan trọng được UBND tỉnh triển khai nhằm xã hội hóa giáo dục, đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung cao cho công tác xã hội hóa giáo dục bằng nhiều giải pháp như: quy hoạch về hệ thống trường, trong đó có hệ thống các trường ngoài công lập; có chính sách thu hút miễn tiền thuê đất đối với các nhà đầu tư trên lĩnh vực giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; tập trung giải pháp thu hút đầu tư nói chung và trên lĩnh vực giáo dục nói riêng như dự án của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, dự án trường liên cấp FPT…
Thời gian tới, cùng những kết quả đạt được và với những chính sách mới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, bổ sung chính sách để thu hút nhà đầu tư xã hội hóa, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục Hà Tĩnh đạt yêu cầu, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em.
Tiếp tục khẳng định rõ thêm nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, xã hội hóa là giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục; bên cạnh xã hội hóa giáo dục ở các doanh nghiệp, xã hội, cần xã hội hóa từ phụ huynh trên cơ sở phát huy dân chủ cơ sở.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Tới về giải pháp cân đối nguồn giáo viên theo từng bộ môn, tư lệnh ngành Nội vụ cho biết: Qua thực tiễn và từng giai đoạn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có tình trạng mất cân đối nguồn giáo viên của một số bộ môn, trong đó, giáo viên toán và văn khối THCS đang thừa nhiều (giáo viên toán thừa 150 người, giáo viên văn thừa 160 người). Trước thực tế này, sở phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát số lượng giáo viên từng bộ môn để điều chỉnh giáo viên thừa ở địa phương này tới địa phương còn thiếu nhưng vẫn có một số khó khăn nhất định.
Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ số giáo viên dôi dư học văn bằng 2 để có thể chuyển sang dạy bộ môn khác. Với bộ môn đang thiếu, bắt buộc vẫn phải cho tuyển dụng trong biên chế được cho phép để đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Về nội dung khó khăn trong tuyển dụng y, bác sĩ cho bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn dù tỉnh đã có chính sách thu hút, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo cho hay: Năm 2022, tỉnh đã có chính sách thu hút nhân tài, trong đó, có việc thu hút trong lĩnh vực y tế, tuy vậy, hiệu quả chưa cao nên việc thu hút y, bác sĩ về công tác ở tuyến huyện, xã đang khó khăn. Theo tư lệnh ngành Nội vụ, thực tế việc thu hút y, bác sĩ về công tác ở cấp tỉnh đã khó nên cấp huyện, xã lại càng khó khăn hơn. Dù chính sách thu hút trong lĩnh vực y tế của tỉnh khá cao nhưng việc các thành phố lớn có nhiều cơ sở y tế tư nhân, mức đãi ngộ lớn nên các y, bác sĩ chưa “mặn mà” về huyện, xã. Hiện nay, Sở Nội vụ đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan để tham mưu, xây dựng chính sách phù hợp trong thu hút y, bác sĩ về công tác tuyến huyện, xã, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đặt câu hỏi: Qua tiếp xúc cử tri, trong quá trình sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025, một số ý kiến của cử tri Lộc Hà cho rằng, vì sao sáp nhập ĐVHC cấp xã vào Thạch Hà dù trước đây một số đơn vị thuộc huyện Can Lộc?
Trả lời câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Lê Minh Đạo cho biết: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và căn cứ các quy định của Trung ương, giai đoạn 2023-2030, Hà Tĩnh có 3 đơn vị hành chính chưa đảm bảo tiêu chí gồm: TX Hồng Lĩnh, huyện Lộc Hà và TP Hà Tĩnh. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh đã thống nhất phương án sắp xếp TX Hồng Lĩnh vào giai đoạn 2026-2030. Trước mắt, giai đoạn 2023-2025, tiến hành sắp xếp TP Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà gắn với việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Tĩnh. Nhiệm vụ này cũng góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về hoàn thành mở rộng TP Hà Tĩnh. Căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ sáp nhập 11 xã của huyện Thạch Hà để mở rộng TP Hà Tĩnh. Nếu đưa các xã trước đây thuộc Can Lộc trở về huyện cũ, huyện Thạch Hà sẽ không đảm bảo tiêu chí về diện tích (chỉ đạt 57% trong khi quy định tối thiểu phải đạt 70%). Quá trình sắp xếp, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều phương án để bàn bạc, thảo luận. Suu khi phân tích, tính toán đã khẳng định đây là phương án tối ưu nhất, vừa đảm bảo quy định, vừa phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, qua quá trình lấy ý kiến cử tri, cử tri Lộc Hà đã thống nhất phương án sắp xếp với tỷ lệ trên 95%.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh về giải pháp của tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước theo Kết luận 09 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, sắp xếp tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn của trung ương, cần triển khai kịp thời để sớm ổn định tổ chức bộ máy.
Hiện nay, sở đang tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng đề án sáp nhập, hợp nhất, giải thể một số sở, ban, ngành, hội cấp tỉnh, một số đơn vị chuyên môn của cấp huyện, cấp tỉnh phù hợp với phương án trung ương và thực tiễn của tỉnh. Theo đó, trên cơ sở phương án sắp xếp của các bộ, ngành trung ương, tỉnh xem xét điều kiện thực tiễn để sắp xếp các sở, ngành liên quan và một số sở, ngành khác phù hợp; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện sắp xếp phòng, ban thống nhất trong toàn tỉnh. Rà soát các ban chỉ đạo, các quỹ, hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ tương đồng để đảm bao tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, sở tham mưu làm tốt công tác tư tưởng chính trị và các chính sách, chế độ hỗ trợ phù hợp với cán bộ, công chức, người lao động để tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Đối với câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng về việc vì sao thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyển dụng 43 chỉ tiêu công chức theo Nghị định 140 của Chính phủ nhưng đến nay chưa được triển khai, ông Lê Minh Đạo lý giải: vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyển dụng công chức theo Nghị định 140 của Chính phủ, đến hết thời gian nộp hồ sơ, Sở Nội vụ nhận được 27 hồ sơ nộp tại 13 chỉ tiêu, tuy nhiên quá trình triển khai xuất hiện tình huống đó là việc sắp xếp tinh gọn bộ máy. Theo chủ trương của trung ương, tỉnh sẽ sắp xếp lại một số sở, ngành, do đó buộc phải tạm dừng tuyển dụng công chức, trong đó có dừng tuyển công chức theo Nghị định 140 của Chính phủ.
Về giải pháp, Sở Nội vụ đã thông tin đến các thí sinh đã nộp hồ sơ để các thí sinh biết, chia sẻ. Sau khi ổn định sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế, sở sẽ tiếp tục rà soát và ưu tiên tuyển dụng công chức theo Nghị định 140 của Chính phủ tại các cơ quan còn biến chế chưa sử dụng.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo cũng đã trả lời câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng về ý kiến phản ánh dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 thấp hơn so với chính sách ở giai đoạn 2019 – 2021. Theo đó, tại giai đoạn 2019 – 2021, các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được hưởng chính sách theo Nghị định 108/2024 của Chính phủ. Do chính sách của Nghị định 108/2024 thấp, chưa bao quát hết đối tượng nên tỉnh đã xem xét, ban hành thêm Nghị quyết số 164/2024 của HĐND tỉnh nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng dôi dư chủ động nghỉ để ổn định bộ máy.
Với giai đoạn hiện nay, Chính phủ có Nghị định 29/2023 với chính sách hỗ trợ khá cao, đơn cử như mức lương cơ sở, mức hỗ trợ theo Nghị định 29 đã cao hơn 2 chính sách của Nghị định 108 và Nghị quyết 164 cộng lại. Tuy vậy, thực hiện chủ trương của tỉnh nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng dôi dư chủ động nghỉ để ổn định bộ máy, UBND tỉnh triển khai xây dựng và trình HĐND tỉnh Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư nghỉ việc. Quá trình xây dựng chính sách, tỉnh đã rà soát, tính toán kỹ đảm bảo không sót đối tượng, có mức hỗ trợ phù hợp. Theo dự thảo nghị quyết thì chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư nghỉ việc ở giai đoạn này cao hơn giai đoạn 2019 – 2021 từ 1,5 tới 2 lần, cá biệt có chính sách hỗ trợ người lao động không chuyên trách cấp xã cao hơn 10 lần so với trước. Qua tham khảo, chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư nghỉ việc của tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 đã tương đồng, thậm chí cao hơn một số tỉnh đã ban hành chính sách này. Thời gian qua, sở cũng nhận được một số phản ánh về nội dung này, tuy nhiên, do cán bộ, người lao động chưa tính toán đầy đủ các khoản hỗ trợ nên thấy thấp hơn, trong khi thực tế đã cao hơn giai đoạn trước. Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị, địa phương tuyên truyền về nội dung này để khuyến khích, động viên cán bộ dôi dư chủ động nghỉ việc, sớm ổn định bộ máy hành chính.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã đặt câu hỏi và được Giám đốc Sở Nội vụ giải đáp về các vấn đề liên quan tới: Chênh lệch về được hưởng chính sách hỗ trợ giữa nhóm đối tượng nghỉ hưu trước tuổi và nhóm thôi việc ngay; quy định về mức lương hưu đối với các đối tượng vừa nghỉ hưu…
Khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho biết: Kỳ họp đã dành nhiều thời gian cho lĩnh vực nội vụ. Đối với các vấn đề đại biểu đặt câu hỏi nhưng Giám đốc Sở chưa trả lời rõ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, giải đáp để tham mưu UBND tỉnh. Sở cần chủ động thực hiện các nội dung trả lời bằng văn bản để báo cáo tại kỳ họp.
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh là người thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn.