Tự hào 'nghề nguy hiểm'

Tự hào với nghề, những người làm báo Lào Cai luôn nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, viết sao cho xứng đáng với tình cảm mà Nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa đã dành trọn vẹn và gửi gắm. Khi đã sống hết mình bằng cái tâm của nghề thì niềm vui sẽ được nhân lên rất nhiều.

Hẳn nhiều người còn nhớ những ngày cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19. Khi ấy đi đến đâu cũng thấy phố xá giăng dây, làng quê ngăn đường, chắn lối, nhà nhà tự cách ly không dám ra đường. Thậm chí, có lúc, người trong một nhà cũng không được tiếp xúc với nhau.

Tuy nhiên, trong khi người dân được yêu cầu “ở yên tại chỗ” thì các nhà báo vẫn xuất hiện cùng các y - bác sỹ ở những nơi được coi là tâm dịch, “điểm nóng tử thần”.

Còn nhớ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 đang ở giai đoạn cam go nhất, lúc ấy Lào Cai chưa có ca tử vong, nhưng ở các tỉnh phía Nam, số ca tử vong tăng mỗi ngày. Vì thế, ai đó chỉ cần đi qua nơi người bị mắc bệnh cũng rất lo và nếu tiếp xúc gần là phải tự đăng ký cách ly 21 ngày. Vậy nên, hầu như ngày nào trên Báo Lào Cai cũng có vài tin, bài phản ánh tình hình dịch bệnh, thống kê các ca nhiễm… Trước tình hình đó, Ban Biên tập yêu cầu phóng viên phải bám sát và phản ánh lịch sử di chuyển của từng ca bệnh để người dân biết và phòng tránh.

Thực ra, lúc ấy, khi phân công đi làm tin, viết bài về tình hình dịch bệnh, phóng viên chúng tôi cũng rất lo, không biết phải làm thế nào, vì muốn có ảnh, có thông tin xác thực nhất thì bắt buộc phải vào khu có ca lây nhiễm, nhưng ngặt nỗi trang phục bảo hộ rất thiếu và thô sơ, không giống các y - bác sỹ có quần áo bảo hộ chuẩn. Nhưng trước trách nhiệm được giao, mọi người đều bảo nhau, mình vào khu vực có ca F0, F1 cứ đứng cách xa từ 5 đến 7 m chụp ảnh, ghi hình là ổn. Vậy là, cứ ở đâu xuất hiện ca F0 hoặc F1, các y - bác sỹ đưa bệnh nhân đi điều trị hoặc cách ly thì phóng viên cũng có mặt.

Khi vào khu vực điều trị ca F0, tận mắt chứng kiến các lực lượng căng mình chống dịch, mỗi chúng tôi đều quên đi những vất vả của mình, quên cả những hiểm nguy đang rình rập, chỉ mong sao có nhiều hình ảnh chân thực, thông tin chính xác, nhanh chóng và kịp thời chuyển tải đến bạn đọc.

Quyết tâm cao độ như thế nhưng có những lúc, đội ngũ phóng viên cũng không tránh khỏi sợ hãi, ấy là khi vào các chốt kiểm soát để tác nghiệp mặc dù đã mang bảo hộ chống lây nhiễm, nhưng nghe thông báo trong đoàn người từ các địa phương trở về Lào Cai trường hợp F0 hoặc F1 mà chúng tôi đã tiếp xúc gần.

Còn nhớ, khi tỉnh Lào Cai được Nhà nước cấp máy xét nghiệm hiện đại. Để có những bức ảnh hoạt động của các y - bác sỹ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai (CDC Lào Cai), tôi đề nghị được trực tiếp vào phòng xét nghiệm chụp ảnh. Trước đề nghị của tôi, anh Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm ngần ngại nói: Đây là nơi rất nguy hiểm, vì đang cất trữ các mẫu bệnh phẩm, các nhà báo có dám vào không? Thấy vậy, tôi đề xuất chỉ một mình tôi vào vì đồng nghiệp đi cùng đang nuôi con nhỏ. Khi vào phòng xét nghiệm, tôi đã cố gắng chụp thật nhiều ảnh, bởi cơ hội trở lại đây rất ít. Khi ra về, tôi rất lo lắng và lẳng lặng đi mua kit test nhanh Covid-19 để hôm sau tự kiểm tra nếu có biểu hiện khác thường. Rất may, những ngày sau đó bình an.

Qua rồi cái thời cam go khi đưa tin về dịch Covid-19, nhưng giờ nhớ lại kỷ niệm về những ngày tác nghiệp ở vùng có dịch, tuy nguy hiểm cận kề nhưng tinh thần làm việc của các nhà báo đều nhiệt tình, dũng cảm với trách nhiệm cao nhất. Trò chuyện với đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí trong tỉnh, tôi không bất ngờ khi ai cũng suy nghĩ giống mình, vì đối với người làm báo, càng trong những lúc địa phương phải đối đầu với thiên tai, dịch bệnh, họ càng phải thể hiện vị thế, sứ mệnh “thư ký của thời đại”.

Trong 9 năm gắn bó với nghề, tôi cùng các đồng nghiệp đã trải những bước chân, thu vào tầm mắt nhiều buồn, vui, khó khăn của mỗi miền quê trong tỉnh, từ đó có góc nhìn chân thực, đa chiều về nơi mình đã đi qua, để phản ánh trên những ấn phẩm báo chí. Trong những chuyến đi ấy, chuyến công tác về vùng lũ Bát Xát tháng 8/2016 đối với tôi và đồng nghiệp thật nhiều cảm xúc, là kỷ niệm tôi mãi nhớ.

Rạng sáng 5/8/2016, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, một số xã của huyện Bát Xát (Tòng Sành, Cốc San, Phìn Ngan, Quang Kim) bị lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngập lụt, sạt lở đất khiến nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa, đường sá của 4 xã bị hư hại nặng. Đặc biệt, trong trận lũ quét lịch sử này, có nhiều người chết và mất tích.

6 giờ sáng, điện thoại reng reng, anh bạn đồng nghiệp nhờ tôi đi đưa tin hội nghị vì nhà anh phải đi qua vùng lũ, đường ngập sâu không thể qua được. Tôi nhận lời mà thực lòng chỉ muốn hội nghị sẽ được hoãn vì lý do nào đó.

Hơn 11 giờ, hội nghị kết thúc cũng là lúc tôi làm xong tin gửi về tòa soạn. Ra khỏi hội trường, bên ngoài nắng cuối hạ sau mưa thật gay gắt. Cập nhật nhanh thông tin, tôi được biết xã Quang Kim đã thông tuyến; xã Phìn Ngan hiện vẫn bị cô lập; xã Cốc San, xã Tòng Sành, đặc biệt là Quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai đi Sa Pa bị tắc hoàn toàn. Gọi vội cho anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi hẹn 1 tiếng nữa sẽ khởi hành.

Trên chiếc xe máy từ đường Hoàng Liên quẹo phải vào Quốc lộ 4D, đi được chừng 700 m, bắt đầu từ Nhà máy nước Cốc San, khung cảnh thật hỗn độn, nhiều nhà dân ngập ngụa bùn đất, đường giao thông cũng lổn nhổn đất đá, nhưng chúng tôi vẫn nhằm hướng “rốn lũ” mà đi. Trên đường, có đoạn đất đá sạt choán hết lòng đường, chỉ vừa cho một bánh xe qua. Đôi chỗ, xe chúng tôi vừa đi qua là tiếng đất đá trên đồi ào ào sụt xuống, chỉ chậm một chút thôi là không ai biết điều gì sẽ xảy ra.

Sau gần 1 tiếng vừa đi vừa đẩy, chúng tôi cũng đến nơi cần đến và gặp những người cần gặp. Nghe những câu chuyện trong vùng lũ, nhìn những đôi mắt vô hồn của người dân, chúng tôi không cầm được nước mắt. Ai cũng thắt lòng xót thương những nạn nhân xấu số đã ra đi bởi cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Đoạn Km15, Quốc lộ 4D (đoạn Lào Cai - Sa Pa), dòng suối phá tung quá nửa nền đường, ngôi nhà gần đó cũng bị cuốn trôi. Hàng chục xe chở khách du lịch bị mắc kẹt từ đêm hôm trước. Hàng trăm du khách, gồm cả người nước ngoài vẫn chưa kịp hoàn hồn. Trong câu chuyện của họ về trận lũ và việc may mắn vượt qua ranh giới sinh - tử là những lời cảm ơn tự đáy lòng, sự cảm phục những người dân địa phương “trắng đêm cắt lũ cứu người”, sự trợ giúp kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai về lương thực, thực phẩm, trung chuyển khách về vùng an toàn. Họ cũng dành lời khen tặng phóng viên, những người không ngại nguy hiểm,“lao” vào vùng lũ để đưa những thông tin mang hơi thở cuộc sống… Với họ, Lào Cai không chỉ ấn tượng bởi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với “nóc nhà” Đông Dương, mà còn có những người dân thân thiện, can trường, hết lòng vì người gặp nạn…

Đến nay, tôi đã có 13 năm làm phóng viên. Dù thay đổi nơi làm việc, nhưng văn hóa vẫn là mảng đề tài tôi thường xuyên được giao nhiệm vụ viết bài tuyên truyền, phản ánh.

Văn hóa là mảng đề tài rộng. Mọi thứ liên quan đến phong tục, tập quán, lối sống, lễ hội, trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống, những di sản hoặc nghệ nhân… đều là những “mảnh ghép” của văn hóa. Nhờ được đi và tìm hiểu những “mảnh ghép” ấy đã giúp tôi có thêm kiến thức về văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai. Dù chưa thực sự có những tuyến bài nghiên cứu sâu về văn hóa nhưng với tôi, mỗi chuyến đi, mỗi nơi đến và mỗi người mà bản thân đã gặp đều mang đến những câu chuyện thú vị và trải nghiệm mới mẻ, ý nghĩa.

Ví như, tôi thường được giao nhiệm vụ đưa tin tại nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhờ đó tôi hiểu quy trình, cách thức tổ chức một lễ hội truyền thống dân tộc. Đối với lễ hội Xuống đồng của người Mông thì phần lễ được tổ chức như thế nào? Mâm lễ thường gồm những gì? Hoặc lễ hội xuống đồng của người Giáy thì phần hội thường tổ chức những trò chơi gì? Ý nghĩa các trò chơi ấy trong đời sống người dân…

Những chuyến tác nghiệp cũng cho tôi cơ hội gặp gỡ những người am hiểu về văn hóa dân tộc. Lắng nghe câu chuyện về văn hóa của họ, tôi càng thêm khâm phục và tự hào hơn về những nét đẹp văn hóa các dân tộc trên đất nước mình nói chung và Lào Cai nói riêng. Đó là cuộc gặp gỡ và tìm hiểu về việc truyền dạy chữ Nôm - Tày, giữ gìn sách cổ, truyện cổ của người Tày ở Bảo Yên với Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi; cuộc trò chuyện với Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Sín Hòa khi tìm hiểu về nghệ thuật hát dân ca của người Nùng dín ở Mường Khương; hoặc cuộc trao đổi với Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Thêu ở Văn Bàn để lấy thông tin viết bài về nghề thầy cúng và việc lưu giữ, truyền dạy chữ Nôm - Dao…

Không chỉ có thêm kiến thức, những chuyến đi tìm hiểu về văn hóa dân tộc cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi vẫn luôn nhớ lần tới xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) tìm hiểu về lễ mừng cơm mới và trải nghiệm làm món cốm truyền thống của người Tày nơi đây. Tôi đã cùng người dân tham gia các công đoạn làm cốm: Từ lúc đi lấy lúa nếp, cùng cắt những bông lúa nếp cái hoa vàng, gùi lúa về nhà, tuốt lúa theo phương pháp truyền thống (dùng chiếc bát con để cạo bông lúa cho hạt thóc bung ra), rồi giã gạo, sàng sảy bỏ vỏ, cho lúa nếp vào chảo rang chín hoặc gói cùng nhân vào lá chuối/lá dong thành bánh cốm rồi hấp trên bếp lửa. Tôi cũng không quên cảm xúc khi được hít hà hương thơm nồng, hấp dẫn của mẻ cốm đầu tiên do chính tay mình cùng người dân thực hiện.

Hoặc lần được tham dự một lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ ở xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên). Đó là lần đầu tiên tôi được tham dự một đám cưới mà không phải với tư cách khách mời. Tuy nhiên, tôi vẫn được chủ nhà đối đãi như một vị khách đặc biệt…

Hàng trăm bài viết về văn hóa không phải là con số quá lớn nhưng đủ cho tôi nhiều kiến thức, trải nghiệm và những cảm xúc, kỷ niệm khó quên. Trên hành trình đi, khám phá, tìm hiểu về văn hóa dân tộc phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, tôi luôn thấy may mắn và tự hào vì những gì mình đã và đang có. Đó là hành trang, cũng là tiền đề để tôi tiếp tục có thêm những chuyến đi mới, những khám phá mới, cho ra đời nhiều bài viết hơn, góp phần nhỏ bé vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa dân tộc.

Suốt 8 năm làm báo thì có đến 7 năm, tôi được phân công theo dõi huyện Si Ma Cai. Từng ấy năm gắn bó với mảnh đất xa xôi nhất tỉnh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Tôi nhớ nhất là chuyến công tác đầu tiên lên Si Ma Cai. Trên đường, tôi mải mê chụp ảnh, “check-in” để “khoe” lên Facebook thì chợt nhớ mình còn có cuộc ghi hình người dân thôn Sảng Mản Thẩn, xã Mản Thẩn (nay là xã Quan Hồ Thẩn) vệ sinh môi trường nông thôn. Khi đến nơi, người dân đã làm xong việc bởi mọi người đến từ rất sớm. Sau công việc chung, họ tiếp tục lên nương, đi chợ. Để “chữa thẹn”, tôi xin lỗi và hẹn với Trưởng thôn Sảng Mản Thẩn lần sau quay lại. Suốt quá trình tác nghiệp, tôi luôn cảm thấy có lỗi, nhưng người dân ở thôn không trách cứ, coi đó là chuyện bình thường, bởi nếu nhà báo không hẹn thì mọi người vẫn tự giác làm vào ngày đó hằng tuần. Sau khi hoàn thành công việc, mọi người đều niềm nở, thân thiện khiến tôi thấy nhẹ nhàng hơn.

Có lần, sau khi hoàn thành công việc ở thôn Na Pá, xã Bản Mế, người dân giữ tôi ở lại ăn tối. Trời bất chợt đổ cơn mưa như trút nước, mặc dù chủ nhà nằng nặc giữ lại nhưng tôi quyết tâm di chuyển về thị trấn. Về đến nơi, tôi mệt nhoài và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Ngày hôm sau, nhấc điện thoại lên thấy hơn chục cuộc gọi nhỡ của bí thư chi bộ, trưởng thôn và người dân. Thấy vậy, tôi gọi lại và được biết mọi người lo lắng không biết nhà báo đi về thế nào nên gọi điện hỏi thăm. Hóa ra, trên tuyến đường tôi trở về tối hôm trước, mưa lớn đã gây sạt lở đất, đá, có đoạn bị sụt thành hố sâu, không thể đi được. Lúc đó, tôi mới hiểu được sự lo lắng, quan tâm của người dân ở cơ sở đối với phóng viên như thế nào. Tôi không biết nói gì hơn, thầm cảm ơn tình cảm của cán bộ và người dân thôn Na Pá.

Những tình cảm mà người dân Si Ma Cai dành cho trong những năm qua khiến tôi càng yêu quý mảnh đất này hơn, tiếp thêm cho tôi ngọn lửa đam mê với nghề. Do vậy, mỗi khi được phân công đi công tác tại Si Ma Cai, dù nắng, mưa hay bất kỳ thời gian nào, tôi đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Những câu chuyện không đơn giản chỉ là kỷ niệm, mà còn giúp tôi trưởng thành hơn. Quãng đường gần 100 km từ thành phố Lào Cai lên Si Ma Cai có thể làm nản lòng nhiều người, nhưng với tôi đó là tuyến đường thân thuộc. Đường xa hóa gần, bởi ở nơi đó, nhiều người dân coi tôi như người thân trong gia đình.

Ngày 9/6/2023, tại Hà Nội, nhóm phóng viên Tuấn Ngọc - Quỳnh Trang (Báo Lào Cai) vinh dự được nhận giải C Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND lần thứ I mang tên Giải báo chí Diên Hồng với loạt bài “Những “đại sứ” của lòng dân nơi vùng cao, biên giới”. Để đoạt giải thưởng này, hành trình tác nghiệp của nhóm tác giả có những kỷ niệm khó quên.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày đầu năm 2023, khi tôi có dịp giao lưu với một nhà báo từ Hà Nội lên công tác ở Lào Cai. Trong bữa cơm hôm ấy, anh bạn bảo Báo Lào Cai đã có bài tham gia Giải báo chí Diên Hồng chưa và động viên tôi tham gia.

Tôi tìm hiểu và biết được Giải báo chí Diên Hồng là giải báo chí lớn viết về Quốc hội, HĐND và sự đóng góp của những đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, đến khi còn cách hạn cuối nộp bài hơn 1 tháng, tôi mới tập trung suy nghĩ, tìm đề tài, xây dựng đề cương, cùng đồng nghiệp thực hiện loạt bài này.

Thông thường, việc viết về chân dung những điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, văn hóa… không quá khó vì kết quả đạt được rất rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những đại biểu HĐND với vai trò cầu nối, lắng nghe và mang tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cấp cao hơn, đồng thời trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, thì việc chọn nhân vật đã khó, viết sao cho hay, cho hấp dẫn mà vẫn phản ánh trung thực kết quả hoạt động của đại biểu lại càng khó hơn. Vì thế, chúng tôi luôn suy nghĩ, trăn trở, trong mỗi bài viết, có những nội dung, câu chữ phải sửa đi, sửa lại nhiều lần.

Kỷ niệm sâu sắc nhất của chúng tôi là hành trình gặp gỡ đại biểu trong mỗi bài viết đều phải vượt từ 70 đến 100 km đến 3 huyện biên giới của tỉnh. Trong cuộc gặp đại biểu Ly Giá Sơ, dân tộc Hà Nhì, Phó Chủ tịch HĐND xã Y Tý (huyện Bát Xát) vào thứ Sáu, phóng viên chỉ trò chuyện với nhân vật trong khoảng thời gian ngắn vì chị bận tham gia buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh. Nghỉ lại Y Tý một đêm, sáng thứ Bảy, chúng tôi mới theo chân chị xuống thôn, ghi lại những hình ảnh thực tế và có thêm thông tin hay cho bài viết. Ngay cả chuyến công tác gặp đại biểu Nùng Thị Thu, dân tộc Nùng, Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư, đại biểu HĐND huyện Mường Khương cũng diễn ra vội vã, bởi dù hẹn gặp nhiều lần nhưng chị luôn bận rộn với những cuộc họp và chương trình công tác tại địa phương.

Đối với đại biểu Tráng Seo Xà, dân tộc Mông, Bí thư Đoàn Thanh niên, đại biểu HĐND xã Quan Hồ Thẩn (huyện Si Ma Cai), sau hành trình hơn 100 km, đến khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi mới tới trang trại nhà anh. Buổi trò chuyện, trao đổi với Tráng Seo Xà diễn ra ngay trong vườn lê của gia đình. Mải chuyện, lấy thông tin, chụp ảnh, gần 13 giờ chúng tôi mới vội vã rời Quan Hồ Thẩn. Thật xúc động vì dù muộn, anh Giàng Sín Chớ, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Si Ma Cai vẫn đợi chúng tôi về chợ Si Ma Cai cùng ăn cơm trưa.

Mặc dù loạt bài 4 kỳ “Những “đại sứ” của lòng dân nơi vùng cao, biên giới” viết vội nhưng vẫn kịp tham dự Giải báo chí Diên Hồng đúng hạn. Khoảnh khắc xúc động nhất khiến chúng tôi vỡ òa là khi nhận được thông tin loạt bài dự thi đoạt giải C. Trong số hơn 3.300 bài thi, chỉ có 101 tác phẩm xuất sắc được vào chung khảo và 67 tác phẩm được trao giải. Báo Lào Cai cũng là một trong số ít đơn vị báo tỉnh đoạt giải báo chí Diên Hồng lần đầu tiên tổ chức.

Nội dung: Nhóm Phóng viên

Trình bày: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tu-hao-nghe-nguy-hiem-post369855.html