Từ G7, NATO đến đối thoại với Nga và Trung Quốc: Ngoại giao Mỹ trở lại

Từ gặp gỡ các nước đối tác đến họp thượng đỉnh với những đối thủ hàng đầu là Nga hay có thể sắp tới là Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden đang gửi đi thông điệp về sự trở lại của ngoại giao Mỹ, cũng như sự trở lại của Mỹ với vai trò nước dẫn dắt thế giới.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây thông báo, Nhà Trắng sẽ nghiên cứu khả năng tổ chức các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đánh giá về thực trạng mối quan hệ song phương, cũng như hàng loạt chủ đề đang gây căng thẳng hiện nay.

Đáng chú ý, thông tin đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ và các nước đối tác trong NATO lần đầu tiên xác định Trung Quốc là “một thách thức”. Trước đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng ra tuyên bố chung chỉ trích những hành vi mà nhóm này cho là vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu một cuộc điều tra sâu rộng về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: ABC News

Cũng giống như đối với Nga, Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018, đặc biệt trong đó cảnh báo Mỹ có thể phải “chiến đấu trên hai mặt trận”. Bản thân Tổng thống Biden cũng từng mô tả Nga và Trung Quốc “là những đối thủ nặng ký”.

Tuy nhiên, từ gặp gỡ các nước đối tác đến họp thượng đỉnh với những nước đối thủ hàng đầu là Nga hay có thể sắp tới là Trung Quốc, ông Biden đang gửi đi thông điệp về sự trở lại của ngoại giao Mỹ, cũng như sự trở lại của Mỹ với vai trò nước dẫn dắt thế giới.

“Nước Mỹ đã trở lại và các nền dân chủ trên thế giới đang sát cánh cùng nhau để giải quyết những thách thức khó khăn nhất, cũng những vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ cho thấy nước Mỹ cam kết dẫn đầu bằng sức mạnh, bảo vệ các giá trị của và mang lại lợi ích cho người dân Mỹ”, ông Biden nhấn mạnh.

Thực tế là chỉ trong 1 tuần ngắn ngủi vừa qua, Tổng thống Biden có thể nói đã thành công trong việc hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương và tạo cho Mỹ một vị trí rất khác trong cuộc gặp thượng đỉnh với Nga, sau bốn năm bị các đồng minh xa lánh dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Và nỗ lực này bước đầu đã được các đồng minh tiếp nhận.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Tổng thống Biden là người ủng hộ mạnh mẽ NATO, mối liên kết xuyên Đại Tây Dương. Tất cả các đồng minh hoan nghênh thông điệp rất rõ ràng của Tổng thống Biden về tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ trong NATO”.

Tuy nhiên, chiến lược nhằm thống nhất châu Âu và Mỹ trong một mặt trận chung đối phó với những thách thức chiến lược mới vẫn chưa hoàn thiện và Nhà lãnh đạo Mỹ vẫn cần có cả thời gian, cũng như hành động cụ thể để thuyết phục người châu Âu rằng đây là một cách tiếp cận bền vững và nhất quán. Các đồng minh của Mỹ vẫn chưa hết e ngại sau thời kỳ sóng gió dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Thách thức đối với Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chính là làm thế nào để lồng ghép các mối quan tâm của các đồng minh và đối tác vào quá trình phát triển chính sách đối ngoại của mình./.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tu-g7-nato-den-doi-thoai-voi-nga-va-trung-quoc-ngoai-giao-my-tro-lai-867190.vov