TS. Vũ Ngọc Hoàng: Dân chủ và tự do gắn liền với phát triển

Gắn với tên của nước Việt Nam còn có tiêu đề: Độc lập, Tự do và Hạnh phúc. Độc lập dân tộc là mong ước nghìn đời của các thế hệ người Việt từ thuở Vua Hùng và Bà Trưng, Bà Triệu.

Nhưng nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có nghĩa lý gì. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày đó đã khẳng định quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân.

Đó là tư tưởng tiến bộ từ phương Tây và cũng là tư tưởng chính thống của Hồ Chí Minh. Chân lý ấy sẽ trường tồn. Nước dân chủ thì dân phải được tự do. Dân chủ và tự do tuy hai mà một. Không thể dân chủ mà mất tự do. Không thể tự do mà không dân chủ. Độc lập là để có tự do và hạnh phúc...

Để có tự do và hạnh phúc thì dân tộc và đất nước phải phát triển, không thể có con đường khác thay thế. Mọi sự phát triển đều do con người tạo ra. Tự do mới có thể và là động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững. Tự do sẽ giải phóng năng lực của con người khỏi mọi sự kìm hãm - nhân tố quyết định sự phát triển, đồng thời cũng là mục đích của sự phát triển vì con người. Tự do đem lại sự phát triển của con người. Con người làm nên sự phát triển của đất nước. Và đến lượt nó, sự phát triển sẽ đem lại tự do lớn hơn cho con người.

Dân tộc ta trong lịch sử đã nhiều lần mất độc lập và mất nước, thậm chí đến cả ngàn năm. Nguyên nhân chủ yếu của việc mất nước đó không phải do nước ta nhỏ, càng không phải do nước ta thiếu anh hùng, mà là do ta không phát triển, bị lạc hậu không đủ sức tự vệ. Cụ Phan Châu Trinh từ lâu đã nói điều này. Mất nước rồi, bị nô lệ rồi, bằng sự anh hùng và máu xương ông cha ta đã giành lại nước. Giành lại được nước rồi nhưng vẫn không phát triển và lại mất nước thêm lần nữa, vì nguyên nhân chính chưa được khắc phục. Cứ thế, lặp đi lặp lại nhiều lần. Phát triển không chỉ là yêu cầu tiến lên mà còn là yêu cầu tất yếu để tồn tại của một dân tộc và quốc gia độc lập, văn hiến.

Tuyên ngôn Độc lập đã ba phần tư thế kỷ rồi, nhưng mãi tới nay nền độc lập của nước nhà vẫn chưa thể đã hoàn toàn yên tâm vững chắc. Tình hình Biển Đông và thái độ của nhà cầm quyền phương Bắc đã nhắc ta phải luôn cảnh giác. Ngay cả việc lệ thuộc một số mặt về kinh tế cũng không thể chủ quan. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Trong thời đại ngày nay, hoàn toàn có thể một quốc gia nào đó bị mất độc lập không nhất thiết phải bằng thua-thắng của một cuộc chiến tranh quân sự, mà có khi chỉ bằng sự thua thiệt trong cạnh tranh kinh tế.

Có ý kiến cho rằng, ngày xưa nước ta đã bị nô lệ một nghìn năm nhưng dân tộc ta vẫn không bị đồng hóa. Nhân loại chỉ có vài ba nước có sức sống kỳ diệu như Việt Nam. Vậy thì nay nước ta đã mạnh hơn rất nhiều so với thuở lạc hậu xa xưa, chẳng có gì phải sợ người khác có thể đồng hóa Việt Nam. Lý lẽ trên mới nghe qua cảm thấy đúng, nhưng thực ra là sự chủ quan có thể dẫn đến lâm nguy đối với cơ đồ. Trong lịch sử, lãnh đạo nước ta của các thời kỳ trước kia đã từng không ít lần chủ quan, mất cảnh giác, cả tin mà phải trả giá rất đắt, bị lâm vào thế trận của phương Bắc và kể cả bị mất nước. Ngày nay và thuở trước điều kiện rất khác nhau, kể cả thời cơ và nguy cơ trong công cuộc giữ nước.

Thời cha ông ta chống xâm lược phong kiến phương Bắc, cả họ và ta đang cùng một nền văn minh xét về mặt kỹ thuật. Sau mấy chục năm qua, giữa họ và ta đã kéo dài khoảng cách. Bây giờ họ đã tự tạo ra được những phương tiện chiến tranh hiện đại và nguồn tài chính lớn mà nước ta chưa làm được. Điều kiện di cư, nhập cư, định cư cũng rất khác trước. Các phương tiện di chuyển người hàng loạt cũng khác hẳn ngày xưa. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ là có thể di chuyển rất nhiều người từ nước này sang nước khác. Với một nước rất đông người, chỉ cần một tỷ lệ nhỏ cũng đủ tràn ngập lãnh thổ của những nước nhỏ hẹp về không gian. Cộng đồng người sẽ quyết định văn hóa và ngôn ngữ. Sự thay đổi văn hóa và ngôn ngữ có ý nghĩa quyết định đối với việc bị đồng hóa hay không bị đồng hóa.

Điểm lại các vấn đề có tính mục tiêu chiến lược về dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do và hạnh phúc đã đặt ra từ cuộc Cách mạng và Quốc khánh của Mùa Thu năm đó để không quên, không xa rời mục tiêu chiến đấu của cả dân tộc. Đó là những vấn đề cốt lõi, trong số ấy, dân chủ là vấn đề căn bản và cốt lõi nhất, vừa là mục tiêu vừa là động lực, sẽ tạo nên thành công bền vững cho tất cả các lĩnh vực khác. Các mục tiêu và nội dung đó đã được nói đến từ lâu, tưởng như đã cũ rồi, nhưng vẫn còn nguyên đó tính thời sự, vừa chiến lược, vừa mang tính khẩn trương cấp bách.

So với 75 năm trước, bây giờ đất nước đã có một bước tiến rất đáng kể trên nhiều mặt. Tuy nhiên, các mục tiêu nêu ra ngày đó đến nay vẫn chưa thực hiện xong, mà còn phải phấn đấu rất nhiều nữa, cho hôm nay và cho mai sau.

Thượng Tùng - Duy Thông thực hiện

____________

(*) TS. Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ts-vu-ngoc-hoang-dan-chu-va-tu-do-gan-lien-voi-phat-trien-28377.html