TS Võ Anh Khuê: Gắn nghiên cứu với ứng dụng phục vụ cộng đồng

TS Võ Anh Khuê đã sản xuất thành công sản phẩm thùng ủ rác thải hữu cơ thực vật thành phân bón. Ảnh: THÁI HÀ
Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy cộng với niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, giảng viên, TS Võ Anh Khuê, Trưởng khoa Công nghệ hóa - Tài nguyên và môi trường, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung (MITC) đã cho ra đời những sản phẩm kỹ thuật, phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy và đời sống.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
Tháng 12/2020, qua gợi ý của Sở TN-MT về việc hỗ trợ công tác phân loại và tài nguyên hóa rác thải, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu thiết kế và hoàn thiện sản phẩm thùng ủ rác thải hữu cơ thực vật thành phân bón. Thùng rác hoạt động dựa theo nguyên lý thiếu khí với nhiều ưu điểm vượt trội. Sau thời gian thử nghiệm, thùng rác đã cung cấp ra thị trường và nhận được phản hồi tốt từ người dùng.
Bà Lê Thị Mỹ Dung ở thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, cho biết: “Rác thải hữu cơ sau khi phân loại được cho vào thùng ủ. Các lớp chất thải sẽ nén lại sau đó hoai mục thành lớp phân bón, sau 2 tháng là có thể lấy phân ra để bón cho cây trồng. Đặc biệt, thùng rác không rò rỉ nước, không phát ra mùi hôi nên không ảnh hưởng đến môi trường. Tôi sử dụng thùng rác đến nay đã 2 tháng và nhận thấy sản phẩm rất tiện lợi”.
Theo TS Võ Anh Khuê, với năng lực nghiên cứu và chức năng được cấp phép, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung hiện có thể đáp ứng việc cung cấp sản phẩm cho các đơn vị có nhu cầu với mục đích vì cộng đồng. Người dân có thể nhân rộng công nghệ này phi lợi nhuận vì mục tiêu bảo vệ môi trường nhưng bản quyền thuộc về nhóm tác giả.
Cũng là giải pháp bảo vệ môi trường, vừa qua, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học được sản xuất từ chất thải thực vật. Theo TS Khuê, phương pháp ngâm ủ rác thải thành chất tẩy rửa chứa enzyme không mới, vì trước đây đã được một số tổ chức bảo vệ môi trường hướng dẫn cho người dân Phú Yên thực hiện. Tuy nhiên, sản phẩm làm từ rác thải nhà bếp thu được có mùi hôi, có nhiều cặn lơ lửng, hiệu quả tẩy rửa thấp.
Để khắc phục những nhược điểm này, TS Võ Anh Khuê và nhóm tác giả đề xuất nghiên cứu nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học từ rác thải thực vật. Cụ thể, nhóm tác giả sử dụng rác thải hữu cơ không mùi hoặc ít mùi như vỏ trái cây, vỏ củ quả để ngâm ủ lên men, tạo ra loại nước chứa nhiều enzym, rất hiệu quả trong việc tẩy rửa. Phần bã, cặn thu được sau khi ủ có thể dùng làm phân bón vi sinh hiệu quả.
Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị sản xuất dung dịch Anolyte giúp tạo ra sản phẩm khử khuẩn, phòng ngừa dịch COVID-19. Chất lượng dung dịch Anolyte sản xuất từ thiết bị này qua kiểm nghiệm cho thấy hiệu quả khử khuẩn đạt 99,99%. Ngoài khử khuẩn, Anolyte có rất nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống như: Khửtrùng chuồng trại, rửa rau củ quả, khử trùng trang thiết bị và nhiều ứng dụng khác.
Những giải pháp của TS Võ Anh Khuê đều bắt nguồn từ cuộc sống và quay lại phục vụ cho cuộc sống. Giải pháp thùng ủ rác thải hữu cơ thực vật thành phân bón đã được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nghiệm thu, công nhận sáng kiến cấp trường năm 2021, sau đó được Tỉnh đoàn đặt hàng 17 thùng để tặng cho xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Hiện Hội Người cao tuổi đặt hàng 25 thùng và nhiều cá nhân cũng đặt hàng để sử dụng trong gia đình.
Nghiên cứu để giảng dạy hiệu quả hơn
Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhà trường luôn xác định hoạt động nghiên cứu khoa học trực tiếp tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Theo TS Võ Anh Khuê, trong thời đại khoa học công nghệ có những bước tiến vượt bậc, việc dạy học ngày nay không còn đơn thuần là quá trình truyền đạt kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm của người giáo viên, mà là quá trình bồi dưỡng kỹ năng, phẩm chất và phát huy năng lực vốn có của người học.
Để có những bài giảng hiệu quả, phát huy được năng lực của người học, thì hoạt động nghiên cứu đối với giảng viên phải thường xuyên, liên tục và không ngừng bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới sáng tạo. Có như vậy, sinh viên ra trường mới có thể nắm bắt công việc, thích nghi với môi trường mới, máy móc, thiết bị mới và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho rằng, đi vào lĩnh vực nghiên cứu là chấp nhận những thử thách, khó khăn, bởi nghiên cứu khoa học chưa bao giờ dễ dàng. Vì vậy, ngoài nghị lực, quyết tâm cao, niềm say mê khoa học của đội ngũ giảng viên, nhân viên nhà trường, những năm qua, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung luôn tạo mọi điều kiện để mỗi giảng viên khắc phục hoàn cảnh cá nhân, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhờ sự nỗ lực từ các thầy cô giáo cũng như định hướng của đảng ủy, ban giám hiệu, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã được nghiệm thu; nhiều bài báo đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Để động viên, cổ vũ tinh thần nghiên cứu khoa học của đội ngũ công nhân viên của nhà trường, hàng năm, nhà trường tổ chức xét duyệt, trao tặng giải thưởng cho các nhà nghiên cứu có các công trình khoa học xuất sắc; khen thưởng các giảng viên hướng dẫn sinh viên có thành tích báo cáo khoa học đạt kết quả cao.
Với niềm đam mê, sự nhiệt tình trong công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhiều năm liền, TS Võ Anh Khuê là thành viên của nhóm nghiên cứu chuyên sâu Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Mới đây, khi nhà trường thành lập nhóm nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ MITC, TS Khuê được chọn phụ trách nhóm hóa - sinh và nhận nhiệm vụ thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch…