TS Giản Tư Trung: 'Sách là người thầy khai minh'

TS Giản Tư Trung cho rằng thời đại thông tin hỗn loạn hiện nay, muốn đến với kiến thức nền tảng, tri thức tinh hoa, buộc phải tìm đến sách.

TS Giản Tư Trung. Ảnh: Thanh Trần.

Tiến sĩ Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, có hơn 16 năm gắn bó với các hoạt động khuyến đọc và sự học khai phóng.

Trao đổi với Tri thức, ông nhấn mạnh khuyến đọc phải gắn với khuyến học và nêu quan niệm về sự học khai phóng - điều được ông xem như tâm huyết cả đời.

Thách thức trong thời đại hoang mang

- Điều gì khiến ông bắt tay viết cuốn sách mới cho giới doanh nhân và mục tiêu tạo dựng “thế hệ doanh nhân mới”?

- Thế hệ doanh nhân mới trong hình dung của tôi là một thế hệ không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh mà còn là một thế hệ có chiều sâu văn hóa, có tính nhân bản và tinh thần ái quốc. Đó là một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc và cũng là chính mình. Giờ đây năm châu bốn biển đều là nhà. Việt Nam cũng là thị trường toàn cầu chứ không có con tách biệt, về mặt quản trị hay kinh doanh sẽ không còn ranh giới.

Vì vậy, thế hệ doanh nhân mới cần phải học hỏi nhiều hơn, bởi những tư duy quản trị cũ gần như không thể dùng được trong thời đại mới. Mọi thứ sẽ thay đổi.

- Bối cảnh mới ở đây là gì và nó đang đặt ra những thách thức gì, thưa ông?

- Bối cảnh mới ở đây, tôi dùng hai từ đó là "hoang mang". Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ đều biến động chóng mặt và khôn lường, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực và niềm tin bị đỗ vỡ.

Sách là người thầy lớn, dễ thỉnh và có thể giúp ta học mọi nơi mọi lúc, mọi nơi.

TS Giản Tư Trung

Chính vì vậy khai phóng thời này rất khó. Bây giờ người ta không biết khi nào mình được khai phóng, khi nào bị thao túng, người ta không nhận diện được. Thành ra hiện nay mỗi người phải tự lãnh đạo mình, phải tự giải phóng chính mình.

- Vậy gợi ý của ông cho giáo dục khai phóng trong thời đại này là gì?

- Trong một xã hội chưa có nền giáo dục khai phóng mạnh thì cách duy nhất chỉ có thể là sách thôi, vì sách là người thầy khai minh rẻ nhất và mình có thể có nó mọi lúc. Bạn cứ tưởng tượng đi. Mình có thể thỉnh một người thầy vĩ đại về tận giường ngủ của mình để dạy cho mình lúc nửa đêm. Mà nhiều khi giá của nó chỉ bằng vài ba tô phở thôi. Sách là người thầy rất lớn, dễ tìm và có thể giúp ta học mọi nơi mọi lúc.

Thứ hai là kiến thức nền tảng thì nằm trong sách chứ không nằm trên mạng. Bởi vì liên quan đến tác quyền và tri thức tinh hoa, có sách thì tác giả mới sống được. Tất nhiên vẫn có những thông tin miễn phí có giá trị, nhưng hầu hết tinh hoa và kiến thức nền tảng sẽ nằm trong sách. Cho nên, muốn đến với tri thức tinh hoa, đến với nền tảng thì buộc phải phải tìm đến sách.

Khuyến đọc phải đi đôi với khuyến học

- Trong các phương tiện truyền thông thì sách là phương tiện khá an toàn. Nhưng thời nay, ngay cả sách cũng có thể bị thao túng, hoặc chính người đọc tự thao túng bản thân mình. Ông có lời khuyên gì cho những người đọc sách không?

- Thực ra khai phóng và thao túng đều hướng người ta đến một chỗ là "mở" cái đầu của người ta ra. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ thao túng mở cái đầu ra, nhét vào một số thứ sau đó khâu cái đầu mình lại.

Còn khai phóng là mở cái đầu mình ra và vĩnh viễn không bao giờ đóng lại, khuyến khích mình tiếp nhận rất nhiều luồng tư tưởng, quan điểm khác nhau để mình thách thức những tư tưởng, quan điểm, nhận thức mà mình lĩnh hội xem thử nó có đúng không, nó có đứng vững không, còn phù hợp không, còn nếu không thì mình sẽ lật đổ nó và phải thay thế.

Sách Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi. Ảnh: IRED.

Tôi hay đi vào câu chuyện khuyến đọc phải gắn liền với khuyến học. Tại vì nếu tách khỏi khuyến học thì việc khuyến đọc sẽ giảm ý nghĩa rất nhiều. Tất nhiên việc đọc thì có nhiều mục đích, nhưng trong đó, mục đích quan trọng và căn cơ nhất, bền vững nhất vẫn là đọc để học. Nó có thể làm cho người ta đọc ngày đêm, đọc cả đời không biết chán.

Khuyến đọc bắt đầu từ khuyến học, câu hỏi tiếp theo là khuyến học bắt đầu từ đâu. Vậy người ta phải trả lời câu hỏi: học để làm gì? Trả lời câu hỏi này, chúng ta tìm ra động cơ học thì sẽ có động cơ đọc thôi. Nói chung phải đi từ cái gốc và xác định cho mình đích đến của sự học.

- Lợi ích của việc đọc sách có lẽ chúng ta không có gì phải bàn cãi, song đối với nhiều người, việc dành thời gian để đọc sách lại không dễ, hoặc theo kiểu là “muốn đọc nhưng không có thời gian đọc sách”, ông nghĩ sao về câu nói này?

- Tôi thấy không có gì phải phàn nàn về câu nói này. Nhưng tôi chỉ nói thêm một ý là chúng ta sẽ không bao giờ thiếu thời gian cho những việc quan trọng. Nếu mình thấy việc học, việc đọc quan trọng thì mình sẽ có thời gian dành cho nó. Nói rằng mình không có thời gian dành cho sách thì cũng đúng, nhưng vấn đề việc đọc, việc học có quan trọng không? Nếu việc đọc và học không quan trọng thì cái gì mới quan trọng đây?

Con người chúng ta gồm có hai phần là phần con và phần người. Đối với phần con, để biết một người còn sống ta dựa vào việc mũi họ còn thở, tim họ còn đập, tức là kĩ năng sinh tồn của phần con vẫn còn. Vậy đối với phần người thì chỉ số sinh tồn của phần người là cái gì? Học là một chỉ dấu của của sinh tồn, khi mà ngừng học và ngừng làm, coi như mình cũng ngừng sự sống thôi, chỉ là tồn tại thôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://znews.vn/ts-gian-tu-trung-neu-hoc-khong-quan-trong-thi-cai-gi-moi-quan-trong-post1447255.html