Truyện ngắn: Vùng trời rộng lớn

'Hãy cố gắng thực hiện ước mơ bằng tất cả khả năng của mình. Nhưng nếu ước mơ ấy không trở thành hiện thực thì bạn cũng đừng quá thất vọng'...

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

0 giờ 1 phút. Theo thường lệ, là giờ ngủ. Nhưng Nguyên vẫn thức. Để làm gì? Còn làm gì ngoài việc tra cứu điểm thi vào THPT cho mình. Sở Giáo dục thông báo, hôm đó công bố điểm.

Nguyên nhập số báo danh, hồi hộp chờ kết quả. Tinh tinh! Hệ thống báo lỗi. Nguyên càng thắc thỏm. Càng lo lắng. Càng mong đợi. Hội bạn thường mắng Nguyên cả nghĩ không đâu. Tụi nó chắc nịch rằng Nguyên kiểu gì cũng đỗ, kiểu gì cũng có chỗ trong lớp chọn Toán trường THPT N.H.

Nguyên cũng hi vọng được như thế lắm. Hi vọng được góp mặt đặt chân vào giang sơn toàn trai tài, gái giỏi. Nguyên là cây Toán của lớp 9A. Rút gọn biểu thức, giải hệ phương trình, chứng minh nội tiếp… Nguyên làm trong nháy mắt là xong.

Cậu chàng lúc nào cũng thuộc làu công thức tính Sin, Cos, Tan trong tam giác vuông: Sin đi học (Sin = Đối/Huyền); Cos không hư (Cos = Kề/Huyền); Tang (tg) đoàn kết (Tg = Đối/Kề); Côtang (cotg) kết đoàn (Cotg = Kề/Đối). Hoặc một trong các nguyên tắc để hai tam giác bằng nhau: Con gà con, gân cổ gáy, cúc cù cu (cạnh - góc - cạnh, góc - cạnh - góc, cạnh - cạnh - cạnh).

Mấy đứa con gái nghe Nguyên đọc toán bằng thơ thì trầm trồ thán phục. Chúng chép bài tập của Nguyên, mượn vở tự học của Nguyên. Tiết kiểm tra, Nguyên bao giờ cũng là anh hùng cứu cả tá nữ nhân, nam thần. Oách xà lách phỏng?

Nguyên siêu Toán nhưng Văn lại nhàng nhàng. Nguyên không nhớ xuể các biện pháp tu từ về ngữ âm, từ vựng, cú pháp rồi các kiểu câu, thành phần câu, phép liên kết, phương thức biểu đạt... Lại còn các kiểu công thức viết: Nghị luận xã hội, nghị luận văn học, viết đoạn, viết bài, viết trực tiếp, gián tiếp… Chao ôi, tưởng Toán mới nhiều công thức, ai ngờ Văn cũng Hằng hà sa số khiến Nguyên loạn não.

Bọn con gái, nhất là cái Hồng giúp Nguyên kéo điểm ở những tiết kiểm tra Văn. Hồng đỉnh Văn. Trong tích tắc, nó xực xong một đề. Miễn chê luôn! Chốt lại, Nguyên - Hồng là cặp Văn - Toán song toàn khi ghép đôi. Khốn nỗi, đi thi nào có chung phòng.

Giám thị phát đề Văn, đọc xong, Nguyên méo xệch mặt. Lệch tủ rồi. Cái tủ lệch rõ bự. Nó chực đè bẹp Nguyên. Chết gí. Chả là hôm thi thử, Nguyên học tủ ba bài thì may thay, trúng một. Khi thi thật, Nguyên tủ tận năm bài mà cái kết vẫn đắng ngắt thế này. Nguyên ơi, mày phải biết: May mắn là món lãi của mồ hôi. Mày chưa đổ mồ hôi thì tem tém ao ước lại.

Nguyên muốn cắm mặt viết như những đứa bên cạnh nhưng biết viết gì khi đầu đang trống rỗng. Nhắm mắt. Từ từ hít sâu. Từ từ thở ra. Nguyên cố gắng trấn tĩnh, cố gắng hồi tưởng... Cô dạy thế nào… Hồng bảo thế nào… Nguyên nhớ được một ý.

Rồi một ý nữa trong đoạn trích: “Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước”. Đoạn thơ khẳng định chặng đường dựng nước, giữ nước thật dài và đầy gian lao. Đoạn thơ cũng thể hiện niềm tin vào tương lai rạng ngời của dân tộc.

Nguyên bắt đầu phân tích hai ý đó. Cố lên, Nguyên ơi. Mày biết hậu quả của thằng học tủ chưa? Rồi! Biết rồi! Biết lắm rồi! Đang cố đây. Ừ. Mày mà không cố thì mày đi hót… đất. Lênh khênh, lẻo khoẻo như mày, chưa hót đã há quai. Ai bảo mày chủ quan? Mày muốn làm bác sĩ. Ước mơ xịn đấy. Nhưng mày nghĩ xem, bác sĩ khám nhầm bệnh, mổ nhầm chỗ, kê nhầm thuốc thì cứu người hay hại người? Mày có làm bác sĩ thú y thì cũng khổ gà vịt, ngan ngỗng… nhà người ta.

Kết thúc giờ thi Văn, Nguyên làm gần xong bài. Cũng sang được tờ hai, chữ nghĩa chỉnh tề, ngay ngắn. Nguyên còn môn Toán và Anh. Toán là môn sở trường. Anh là môn sở đoản. Nguyên làm Toán vèo vèo. Bài cuối bao giờ cũng liên quan kiến thức nâng cao. Dẫu vậy, nó không thể làm khó Nguyên.

Xong môn sở trường, Chỉ còn môn sở đoản. Giá kì thi vào THPT chỉ có Toán thì tốt biết mấy. Đây là câu điều kiện loại hai trong Tiếng Anh đấy, Nguyên ạ. Một loại câu dùng để diễn tả tình huống không thể xảy ra ở hiện tại hoặc tương lai. Toán - Văn - Anh là bộ ba bất di bất dịch trong kì thi vào THPT bao năm rồi. Ráng thôi, Nguyên ạ.

Đề môn Anh gồm năm mươi câu trắc nghiệm. Đọc đi đọc lại, đọc tái đọc hồi, Nguyên làm được mười chín câu. Ba mươi mốt câu còn lại, phải làm sao đây? Xung quanh Nguyên toàn thí sinh trường khác. Thi vào THPT N.H là cuộc đua nghẹt thở: Hai nghìn lấy sáu trăm. Ai cho ai chép? Số phận là dự án tự thân.

Nguyên không biết làm tiếp nhưng cũng không thể ngồi không giờ này. Nguyên loay hoay tìm cách. Ban đầu, Nguyên định chọn một đáp án cho ba mươi mốt câu. Nguyên sẽ chọn A hoặc D. A là khối A, có môn Toán mà Nguyên mê tít. Ôi, chữ A tương sinh. D là khối D, có môn Anh mà Nguyên… kinh sợ. Ôi, chữ D tương khắc. Lấy độc trị độc là một giải pháp trong y học. Biết đâu nó cũng là giải pháp trong thi cử? Nguyên lim dim suy tính. A hay D? A hay D? A hay D? Khó quá! Khó quá! Với lại, chỉ chọn một đáp án cho ba mươi mốt câu thì lộ mặt chuột quá. Thôi, bỏ qua cách này.

Nguyên nghĩ đến cách thứ hai, cách mà thằng Trung trố lớp Nguyên từng thoát hiểm. Nguyên làm theo nó. Nguyên xé một mảnh nháp, chia mảnh ấy thành bốn mẩu nhỏ. Mỗi mẩu, Nguyên viết một đáp án. Mẩu 1 - A. Mẩu 2 - B. Mẩu 3 - C. Mẩu 4 - D. Mỗi mẩu, Nguyên gấp đôi, rồi gấp đôi lần nữa để bảo mật đáp án.

Gấp xong, Nguyên vẽ vào tờ nháp một hình tròn, cỡ quả trứng lộn. Chiến thuật của cách này là làm câu nào, tung chọn đáp án câu ấy. Nguyên khum hai bàn tay, úp vào nhau. Bốn mẩu giấy trong đó. Nguyên lắc lắc rồi thình lình thả chúng vào hình tròn. Một mẩu bắn ra ngoài. Nó được chọn làm đáp án. Rồi lại gấp, lại lắc lượt tiếp theo...

Ba mươi mốt câu nhưng số lần Nguyên lắc nhiều hơn thế. Bởi có lần hai mẩu cùng ra ngoài. Có lần bốn mẩu cùng vào trong. Nguyên phải lắc lại. Không hề gì. Nguyên đang tỷ phú thời gian mà.

Lắc, thả, tô xong mọi đáp án. Chưa đến giờ nộp bài. Nguyên ngồi nghĩ vu vơ rồi chợt nhớ hôm cô tổ chức trò chơi nghe Tiếng Việt – viết Tiếng Anh. Cô nói: “Mứt, ô Mai”. Nguyên Viết: “Jam – Umbrella Tomorrow”. Cô nói “Mực nướng”. Nguyên viết: “Ink grilled”. Cô nói: “Ba ba chiên”. Nguyên viết: “Three three fried”…

Lại có hôm thằng bàn dưới rủ Nguyên đá cầu giờ ra chơi. Nguyên trổ câu Tiếng Anh cho “sang”: “Like is afternoon”. Thằng kia ngẩn tò te, hỏi lại: “Nghĩa là gì”? Nguyên trả lời ráo hoảnh: “Thích thì chiều”. Cái tật lắp từ vô tội vạ của Nguyên mỗi khi phát tiết thì cả lớp được phen cười rũ rượi. Ôi, một công dân toàn cầu sau ba năm nữa!

Ba năm còn xa. Bây giờ Nguyên vào lại hệ thống tra điểm. Đây rồi. Văn 6.50; Toán 9.75; Anh 4.40. Điểm trúng tuyển của trường THPT N.H năm trước là: 37.00 (Văn, Toán hệ số 2; Tiếng Anh hệ số 1). Nguyên đang 36.90. Nguyên hoang mang. Nguyên phát hoảng. Nguyên sợ. Lại hi vọng điểm trúng tuyển năm nay sẽ dịch xuống. Nếu không thì… thì…

Hai ngày sau, trường THPT N.H báo điểm trúng tuyển. Điểm vào lớp chọn Toán: 9.50 môn Toán. Nguyên thừa 0.25 điểm. Vậy là cầu được ước thấy. Nguyên đường đường chính chính vào lớp VIP. Thật mãn nguyện. Nhưng. Niềm vui vừa nảy mầm, Nguyên đã sầm nét mặt. Điểm trúng tuyển vào trường: 37.15. Nguyên thiếu 0.25 điểm. Thật tréo ngoe. Cái thừa này không bù được cái thiếu khác. Nguyên sốc. Nguyên thu mình vào vỏ ốc. Công sức cả năm đổ sông đổ bể.

 Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Nguyên sợ đối diện với gia đình, thầy cô, bè bạn. Ai cũng tin tưởng Nguyên. Vậy mà Nguyên thất bại. Nguyên tự ti. Nguyên mặc cảm. Nguyên thẹn! Nguyên Tiếc! Nguyên buồn! Nguyên hối hận! Nguyên không muốn gặp bất cứ ai. Không muốn nghe bất cứ ai.

“Học tài thi phận” là lời động viên vô nghĩa. Giá Nguyên nỗ lực hơn một chút. Quyết tâm hơn một chút. Kết quả có thể khác. Chỉ là 0.25 thôi mà. Dẫu vậy, nó đã đánh bại nguyện vọng một của Nguyên. Thứ đáng giá dễ gì có được? Phải! Dễ gì có được!

Nguyên chốt chặt cửa phòng. Tâm trạng mỗi lúc càng tồi tệ. Nguyên sụp đổ. Nguyên vỡ mộng. Nguyên cắn rứt. Nguyên nghi ngờ khả năng của bản thân. Nguyên đã để vuột cơ hội mất rồi. Thế là hết. Những suy nghĩ tiêu cực bủa vây. Nguyên thấy mình thật vô dụng. Mỗi việc học cũng chẳng xong, thì sau này làm được gì? Bác sĩ ư? Hão huyền! Nguyên là thằng đáng bỏ đi. Nguyên nghĩ thế. Nhưng mẹ Nguyên không nghĩ thế.

Lần thứ ba, mẹ đến trước phòng Nguyên, gõ cửa và gọi. Như hai lần trước, Nguyên vẫn chỉ nói vọng ra: “Con muốn một mình”. Mẹ để lại một cuốn sách rồi rời đi. Phía trong, Nguyên vẫn ngồi thu mình trên góc giường. Nỗi buồn đóng băng toàn bộ căn phòng. Nguyên cũng không có ý định kháng cự. Không có ý định thoát ra. Nguyên đáng bị trừng phạt mà. Chỉ có điều, bây giờ Nguyên lại thêm cảm giác có lỗi với mẹ.

Nguyên trượt, hẳn là mẹ cũng buồn, cũng thất vọng? Hẳn là mẹ tiếc công đồng hành cùng Nguyên học ngày học tối. Nguyên đã phụ tấm lòng của mẹ. Nguyên nhúc nhích. Nguyên mở cửa. Khắp nhà im ắng. Chắc mẹ đã đi làm… Nguyên cầm cuốn sách vào phòng. Sách không mới. Nó có những chỗ được mẹ đánh dấu bằng bút nhớ. Mẹ có nó khi nào? Mẹ đọc nó khi nào? Nguyên không biết. Nhưng Nguyên biết mẹ mang đến đây là có lí do.

Và Nguyên đọc:

“Hãy cố gắng thực hiện ước mơ bằng tất cả khả năng của mình. Nhưng nếu ước mơ ấy không trở thành hiện thực thì bạn cũng đừng quá thất vọng... Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Đôi khi, cánh cửa khác mới thực sự là của bạn, dẫn bạn tới vùng trời rộng lớn. Việc của bạn chỉ là nỗ lực không ngừng…”.

Thật vậy sao?

Thật! Rất thật!

Tin hay không, tùy bạn.

Còn Nguyên, mười năm sau, trở thành giảng viên tài năng của trường đại học danh giá.

Nguyễn Thị Hằng (Giáo viên Trung tâm GDNN – GDTX huyện Lương Tài, Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-vung-troi-rong-lon-post693466.html