Trường Tiểu học Thanh Sơn – nơi gắn bó tuổi thơ tôi

Là thế hệ 9X, lại được sinh ra trên quê hương vải thiều – đúng nơi có cây vải tổ, đó là thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, nên cuộc sống của chúng tôi cũng không quá khó khăn.

Trường Tiểu học Thanh Sơn - nơi tôi học những năm đó (cuối thập kỉ 90, thế kỉ trước) ngoài trường trung tâm, còn có hai điểm trường ở hai thôn (Thúy Lâm và Tráng Liệt). Tôi may mắn nhà ở rất gần điểm trường Thúy Lâm, đi bộ chỉ chừng hai, ba phút nên hằng ngày ngoài giờ học, tôi còn ra đó nô đùa cùng chúng bạn. Lên lớp 2 bắt đầu về trường trung tâm học, xa hơn nên đi về đều được mẹ đưa đón. Bố đi công tác, thường là cuối tuần mới về, nên tôi chỉ được bố đưa đón lúc học thêm. Đến năm cuối cấp (lớp 5) cũng là lúc em tôi vào lớp 1, mẹ bận bịu tối mắt, thấy chúng bạn đi xe đạp, tôi cũng “đua đòi” tự đi. Ban đầu mẹ không đồng ý, sợ mất an toàn và mẹ cũng “ngại” bố “mắng”. Mong mãi bố mới về, nhưng tôi lại không dám hỏi. Ai ngờ bố đã biết việc “tự đi” của tôi rồi. Không những đồng ý mà bố còn động viên, ông bảo: “Con biết tự lập từ bé, vậy là rất tốt!”. Sau năm ấy (năm 2003), cả nhà tôi chuyển lên Hà Nội. Thời gian cứ trôi dần, mới đây thôi mà đã ngót 20 năm. Bây giờ, nhớ lại những năm tháng học trò ở quê sao vui thế!

Cô Hiệu trưởng trong giờ lên lớp.

Trường quê tôi được thành lập từ năm 1960, tiền thân là Trường cấp I, II Thanh Sơn; tháng 9-1989 tách riêng thành Trường Tiểu học Thanh Sơn. Trường nằm trên địa bàn thôn Thúy Lâm, ở vị trí đẹp nhất của xã. Năm học 2018 - 2019 nhà trường có 17 lớp, 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 474 học sinh. Vừa rồi về quê, có dịp vào thăm trường và gặp lại các thầy cô, tôi vô cùng ngỡ ngàng, xúc động trước tình cảm và sự đổi thay tuyệt vời của nhà trường. Cô giáo Đỗ Thị Thư, chủ nhiệm lớp tôi suốt 5 năm, nay đã sắp nghỉ hưu kể lại: “Lúc em học chỉ có một dãy nhà hai tầng xây kiểu cũ, nội thất rất đơn sơ, còn lại là hai dãy nhà cấp 4 xập xệ, xung quanh là những ruộng rau xen lẫn cỏ dại. Trời động mưa to là nước ngập sân, thậm chí lênh láng vào những phòng học ở các dãy nhà cấp 4. Bên ngoài tiếng côn trùng kêu inh ỏi, còn to hơn cả tiếng giảng bài của thầy cô. Trong lớp, mái ngói dột, nước mưa chảy xuống khắp phòng, học sinh không có chỗ ngồi, cứ phải bê cặp đứng nhong nhong, nghĩ mà thương!”.

Vậy mà bây giờ, trường đã “khoác lên mình bộ quần áo” hoàn toàn mới mẻ; với khuôn viên gần 8.000 m2, ba dãy nhà hai tầng hình chữ U kép kín, khang trang sạch đẹp cùng hệ thống vườn hoa, cây cảnh, vườn trải nghiệm, khu vui chơi… Dọc các hành lang là những hình ảnh quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nói chung, đặc sản vải thiều xứ Đông nổi tiếng của quê hương nói riêng, được sắp đặt rất hài hòa, đúng nơi, đúng chỗ. Trong các phòng học, tùy theo lớp mà bố trí đồ dùng học tập, bảng biểu; trang trí tranh ảnh, hoa lá cho phù hợp lứa tuổi, tâm lí để các em “học mà chơi, chơi mà học”.

Giờ giảo lao các em học sinh thỏa sức vui đùa, trải nghiệm.

Ngày đầu tuần chào cờ, toàn trường mặc đồng phục. Các cô phần đông đều chạc tuổi tôi, trẻ trung, xinh đẹp, duyên dáng, mềm mại trong tà áo dài truyền thống đỏ thắm như những bông hồng Đà Lạt khoe sắc lúc ban mai. Các em giờ giải lao tung tăng nô đùa, vui chơi cùng các trò chơi dân gian hoặc nhún nhảy trong tiếng nhạc du dương phát từ loa truyền thanh nội bộ.

Thời gian thấm thoát qua nhanh, đã tròn 30 năm tính từ lúc “ra ở riêng”, biết bao khó khăn, gian khổ mà nhà trường đã vượt qua để xây dựng tương lai và tự khẳng định mình trong xã hội hiện đại, hội nhập toàn cầu. Đến nay Trường tiểu học Thanh Sơn đã tự hào với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, tỉ lệ trên chuẩn đạt 100%. Tỉ lệ giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt 40%. Tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường đều hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhiều năm liền, nhà trường đều đạt được những kết quả tốt trong công tác dạy học và các phong trào thi đua. Tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và hoàn thành chương trình Tiểu học hằng năm đều đạt 100%. Kết quả tại các hội thi và giao lưu hằng năm được nâng cao: Thi “Olympic học sinh tiểu học”, năm học 2013 - 2014 trường xếp thứ 5/25 trường trong huyện; cá nhân đoạt 1 giải nhì, 1 giải ba (cấp tỉnh) và 2 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích (cấp huyện); giao lưu "Em yêu Tiếng Việt” cấp tỉnh năm học 2015- 2016, trường xếp thứ 2/25 trường trong huyện với 1 giải nhì; 1 giải ba; năm 2016 - 2017, thi “Violympic toán”, nhà trường đạt 1 giải ba cấp tỉnh. Với những thành tích đã đạt được, chi bộ nhà trường nhiều năm liên tục được công nhận là “Chi bộ trong sạch vững mạnh”. Từ năm học 2012 - 2103 đến năm học 2017 - 2018, năm nào nhà trường cũng đạt danh hiệu “Tập thể Lao động tiến tiến”.

Đại diện cán bộ, giáo viên nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Tự hào với truyền thống gần 60 năm xây dựng, trưởng thành và những thành tựu tốt đẹp mà các thế hệ cô và trò nhà trường đã đạt được, thế hệ cô trò hôm nay quyết tâm phấn đấu vươn lên lập thành tích tốt nhất để xứng đáng với truyền thống các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp. Những năm tiếp theo, dù vẫn còn khó khăn, thiếu thốn những trang, thiết bị hiện đại nhưng cô và trò nhà trường luôn ý thức: Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải quyết tâm dạy thật tốt, học thật tốt. Chất lượng giáo dục toàn diện vừa có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của nhà trường vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Chính vì thế nhà trường luôn coi trọng việc xây dựng kỷ cương, nề nếp dạy và học; coi việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, thực hiện. Những năm qua, nhà trường không ngừng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cả về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức. Nhà trường luôn xác định: đội ngũ cán bộ quản lý năng động, sáng tạo; tập thể giáo viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt, có phẩm chất đạo đức, có tư tưởng chính trị vững vàng là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đức Loản, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn ủng hộ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt cùng với ngành Giáo dục. Chính vì vậy đến nay nhà trường đã xây dựng được một cơ ngơi to đẹp, khang trang, hiện đại. Không chỉ tạo điều kiện về xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương còn luôn cùng với ban giám hiệu nhà trường theo sát từng em học sinh. Trong hội nghị khuyến học của xã, địa phương tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện; tìm nguồn tài trợ, cử các đoàn thể đỡ đầu, động viên, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kết hợp với công tác tuyên truyền để từ cán bộ đến người dân luôn ý thức được rằng: Lấy việc dạy chữ, dạy người, dạy nghề làm trọng tâm. Đảm bảo mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có đạo đức, tư cách, có trí tuệ, có năng lực, sáng tạo, có sức khỏe, đó chính là “hiền tài” góp phần xây dựng quê hương, đất nước trong thời đại 4.0.

Là người con quê hương cũng mới “chập chững” vào nghề “viết lách”, nhưng từ đáy lòng mình tôi vẫn muốn mượn những lời này để chúc mừng Trường Tiểu học Thanh Sơn “Đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2”, chúc mừng các cô nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Cảm ơn các thầy, các cô - những người cha, người mẹ thứ hai đã vượt qua bao gian khó mà hết lòng vì “đám quỷ sứ thân yêu” chúng tôi. Hành trang của tôi sẽ luôn có nhà trường, thầy cô nơi quê nhà - nơi ấy đã cho tôi gửi gắm một tuổi thơ tươi đẹp và chắp cánh nâng bước tôi đi.

Bài và ảnh: TUẤN HUY - TRỌNG HẢI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/truong-tieu-hoc-thanh-son-noi-gan-bo-tuoi-tho-toi-568118