Trường đại học xác định sở trường khi phát triển đa ngành

Đa ngành, đa lĩnh vực cũng là xu hướng được nhiều cơ sở giáo dục đại học hướng đến, thể hiện rõ nét trong bức tranh tuyển sinh những năm gần đây.

Sinh viên Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành, tháng 1/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhiều trường phát triển đa ngành, đa lĩnh vực

Sau khi được nâng cấp mô hình từ trường đại học thành đại học cuối năm 2023, Trường ĐH Kinh tế TPHCM mở rộng nhiều ngành đào tạo mới, chuyển mình trở thành “đại học đa ngành, đa lĩnh vực”.

Gần 60 chương trình đào tạo đại học hiện có của nhà trường ở các lĩnh vực: Kinh doanh và quản lý; Khoa học xã hội và hành vi; Pháp luật; Công nghệ, kỹ thuật; Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Kiến trúc và xây dựng; Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân.

Tương tự, trong phương án tuyển sinh năm 2024, các trường như Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Mở TPHCM… đều cho thấy xu hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực ở các bậc đào tạo.

Trong chuyến công tác tại TPHCM hồi cuối tháng 2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.

Báo cáo với Bộ trưởng, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, trường là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, chuyển giao trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, đã khẳng định vị thế, uy tín ở trong và ngoài nước.

Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, tháng 12/2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Hiện quy mô đào tạo của nhà trường là hơn 1.200 học viên sau đại học, 20.000 sinh viên đại học. Có thể thấy định hướng đa ngành, đa lĩnh vực của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM trong phương án tuyển sinh đại học năm nay. Cụ thể, hơn 60 chương trình đào tạo đại trà, nâng cao, tiên tiến của nhà trường tại cơ sở chính TPHCM và 2 phân hiệu Ninh Thuận, Gia Lai trải dài khắp các lĩnh vực: Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Kinh tế, Kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật, Sư phạm.

“Nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành trường đại học hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực có nhân cách tốt, chuyên môn cao, tư duy sáng tạo, có năng lực quản trị, định hướng hoạt động ngành nghề và hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong đa dạng các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp cho Việt Nam và khu vực”, ông Nguyễn Tất Toàn cho biết.

Tương tự, Trường Đại học Trà Vinh là một cơ sở giáo dục đại học định hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc ngày 24/2, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, trường đang thực hiện hơn 120 chương trình đào tạo thuộc các hệ chính quy, liên thông, vừa làm vừa học và đào tạo trực tuyến, từ xa.

Đến năm 2023, trường thu hút với quy mô hơn 25.000 sinh viên, học viên đến từ các địa phương trong cả nước, theo học các hệ, bậc đào tạo. Hiện các ngành đào tạo của nhà trường trải khắp lĩnh vực: Khoa học xã hội, Ngôn ngữ, Kinh tế, Công nghệ, Khoa học sức khỏe…

Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: TVU

Phải xác định thế mạnh, đặc sắc

Trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Trường Đại học Trà Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đều lưu ý các trường phát triển các ngành, lĩnh vực gắn liền với nhu cầu nhân lực của địa phương, vùng; phát huy thế mạnh vốn có.

Với Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị trường xác định lại định hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Nhà trường cần xác định được điểm mạnh, điểm đặc sắc nhất, sở trường và cốt lõi để tập trung đầu tư. Việc mở rộng ngành, lĩnh vực không quá rời xa lĩnh vực sở trường, thế mạnh truyền thống của mình.

Bộ trưởng cũng lưu ý nhà trường về định hướng trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu. Bởi theo Bộ trưởng, con đường này vừa xa vừa khó và chưa chắc đã phù hợp. Tính chất của trường hiện là một trường đại học đào tạo kỹ sư công nghệ, kỹ thuật.

“Với tính chất đó, chúng ta đang lấy đào tạo kỹ sư là mảng quan trọng. Không trường nào lấy đào tạo kỹ sư là mảng quan trọng mà đi theo định hướng nghiên cứu", Bộ trưởng phân tích. Hiện, tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM còn quá thấp (3% theo báo cáo của nhà trường - PV); tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên, tỷ lệ đào tạo sau đại học chưa cao…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM ngày 23/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Trường Đại học Nông Lâm TP HCM cần ý thức vai trò đào tạo phục vụ cho sự phát triển của vùng. Là trường đào tạo về ngành Nông - Lâm, song tỷ lệ sinh viên từ các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long còn rất thấp là một nghịch lý.

Bộ trưởng đề nghị nhà trường phân tích thấu đáo, dự báo nhu cầu nhân lực và ngành nghề trong 5-10 năm tới để rà soát, tái sắp xếp về chương trình, ngành nghề đào tạo phù hợp.

Tại Trường Đại học Trà Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị nhà trường xác định định hướng phát triển phù hợp trên cơ sở những lợi thế sẵn có gắn với với nhu cầu nhân lực của địa phương và của vùng.

Nhà trường cần tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa cho cho đồng bào Khmer, tập trung đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp,...

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-xac-dinh-so-truong-khi-phat-trien-da-nganh-post676199.html