Trước khi trả toàn bộ tàu bay, Pacific Airlines thua lỗ ra sao?

Dù về cùng nhà với Vietnam Airlines nhưng tình hình kinh doanh của Pacific Airlines vẫn không có tín hiệu khả quan, liên tục gồng lỗ trong nhiều năm. Đáng chú ý, hãng hàng không này sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay từ ngày 18/3.

Sau khi Qantas Airways thoái vốn, Vietnam Airlines tiếp nhận Pacific Airlines.

Nguyên nhân Vietnam Airlines nắm hơn 99% cổ phần tại Pacific Airlines

Ra đời từ năm 1991, Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000, kết quả kinh doanh không khả quan, Pacific Airlines liên tục báo lỗ.

Đến tháng 4/2007, hàng hàng không này bất ngờ được hãng hàng không đến từ Australia Qantas Airways rót vốn, ký hợp đồng đầu tư với SCIC mua lại 30% cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược. Khi đó, Qantas Airways tham vọng đưa hãng hàng không giá rẻ của riêng mình là Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ châu Á.

Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng phải đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines.

Dù được đầu tư mạnh tay, hãng bay mất nhiều thời gian và tài chính khắc phục hậu quả của nhiều năm lỗ liên tiếp, hãng phải tái cơ cấu sở hữu và rà soát lại toàn bộ hoạt động. Đến cuối năm 2011, Jetstar Pacific chỉ chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2011, Vietnam Airlines đã nhận tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với gần 69% cổ phần và một lần nữa trở thành công ty mẹ của hãng hàng không này.

Sau quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific có lãi 2 năm liên tiếp vào 2018 và 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Pacific Airlines lại trở về đà thua lỗ của mình.

Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Tình hình kinh doanh của Pacific Airlines trong hơn một thập kỷ

Giai đoạn 2009-2022, Pacific Airlines thua lỗ 11 năm, có lãi 3 năm. Ảnh: Pacific Airlines

Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, trong năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 gần 3.487 tỉ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỉ đồng, giảm lỗ 212 tỉ đồng so với năm 2021.

Giai đoạn 2009-2022, Pacific Airlines chỉ có lãi 3 năm trong khi 11 năm còn lại thua lỗ. Từ giai đoạn sau COVID-19, hãng này lỗ 3 năm ở mức trên 2.000 tỉ đồng/năm. Ước tính hiện lỗ lũy kế của Pacific Airlines đến cuối năm 2022 đã lên hơn 10.700 tỉ và vốn chủ âm 6.700 tỉ đồng.

Trước tình hình hết sức khó khăn của Pacific Airlines, Vietnam Airlines cho biết tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn/hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp hãng này vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Với việc kinh doanh không hiệu quả, kể từ đầu năm 2022 Vietnam Airlines đã thông báo rộng rãi về việc tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến quá trình tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines. Tuy nhiên quy Trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Trước tin đồn phá sản, đại diện Pacific Airlines cho biết hãng đang tiến hành tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để đảm bảo và gia tăng hiệu quả hoạt động. Trong thời gian này, một số đường bay có thể thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng khai thác.

Lịch bay của hãng sẽ được phục hồi và sớm trở lại ổn định trong thời gian tới. Những hành khách bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lịch bay mới hoặc chuyển sang các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/truoc-khi-tra-toan-bo-tau-bay-pacific-airlines-thua-lo-ra-sao-179240319121454571.htm