Trung Quốc xuất khẩu thành công tiêm kích J-10C cho Pakistan

Không quân Pakistan vừa nhận lô tiêm kích J-10C đầu tiên trong số 36 chiếc đặt mua từ Trung Quốc, Islamabad tuyên bố rằng số tiêm kích mới sẽ giúp nước này nâng cao khả năng 'tự vệ'.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Imran Khan và đại sứ Trung Quốc, không quân Pakistan đã tổ chức lễ tiếp nhận các tiêm kích J-10C mua của Trung Quốc tại căn cứ không quân Minhas ở tỉnh Punjab vào hôm 11/3.

"Một quốc gia chỉ có thể đảm bảo chủ quyền khi họ tự bảo vệ được mình. Những chiếc máy bay mới này gửi thông điệp tới toàn thế giới rằng chúng tôi có thể tự vệ", Thủ tướng Khan nói.

Được biết đây là lô tiêm kích J-10C đầu tiên nằm trong số 36 chiếc được Pakistan đặt hàng từ Trung Quốc.

Pakistan chưa công bố số lượng J-10C tiếp nhận hôm 11/3, nhưng hình ảnh được không quân nước này công bố cho thấy ít nhất 6 tiêm kích được bàn giao trong buổi lễ.

Pakistan lên kế hoạch mua tiêm kích J-10 của Trung Quốc từ năm 2009, khi Tổ hợp Hàng không Pakistan và Tổng công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Trung Quốc đang sản xuất loạt tiêm kích JF-17 tại quốc gia Nam Á này.

Không quân Pakistan khi đó cho biết dự kiến biên chế tiêm kích J-10 của Trung Quốc vào năm 2014-2015. Tuy vậy vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên sự tiếp nhận này bị chậm cho tới tận tháng 3/2022.

Trung Quốc bắt đầu chương trình phát triển J-10 từ những năm 1980, có thể dựa trên nguyên mẫu chiến đấu cơ Lavi của Israel hoặc F-16A/B.

Tiêm kích J-10 cất cánh lần đầu tháng 3/1998, được sản xuất từ năm 2002 với hơn 480 chiếc đã xuất xưởng. J-10C được coi là phiên bản hiện đại và mạnh mẽ nhất trong dòng máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc hiện nay.

Nhiều nhà quan sát cho rằng loại máy bay này có tính năng chiến đấu không hề thua kém một số loại máy bay của Nga và Mỹ.

Được biết chiến đấu cơ J-10C là bản nối tiếp sự dang dở của phiên bản J-10B vốn đã bị dừng sản xuất trước đây.

Phiên bản J-10C này có khả năng bán tàng hình (Semi-stealth). Khả năng này có được nhờ vật liệu cấu tạo máy bay được coi là có khả năng hấp thụ rất tốt sóng radar của đối phương.

Tuy nhiên đây không được coi là một chiến đấu cơ tàng hình thực sự vì kết cấu của nó không cho phép nó hoàn toàn tàng hình trên màn hình radar của đối phương.

So với các phiên bản J-10 trước đó, J-10C có cải tiến khí động học đáng kể ở phần mũi máy bay giúp bộ phận mũi máy bay không còn xu hướng bị kéo xuống khi máy bay vận hành ở tốc độ siêu thanh.

Điều này giúp tiết kiệm được đáng kể nhiên liệu tiêu thụ, tăng cường mức độ cơ động nhất là khi bay với vận tốc cao ở độ cao thấp. Ngoài ra, điểm nổi bật nhất đó là các thiết bị điện tử được lắp đặt tăng cường trên chiếc máy bay này.

Đặc biệt là hệ thống radar điện tử quét mảng chủ động AESA. Đây là điều mà ngay cả máy bay tiêm kích Su-35 của Nga cũng không có được.

Với radar mảng pha chủ động tầm phát hiện mục tiêu tăng lên, độ nhạy phát hiện mục tiêu cũng tăng lên đáng kể ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Một chi tiết đáng chú ý nữa đó là Trung Quốc đang thử nghiệm tích hợp cho chiếc J-10C động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều WS-10B.

Với việc có động cơ lực đẩy 3 chiều này, độ cơ động của máy bay được tăng lên đáng kể giúp chúng có nhiều cơ hội thắng trong không chiến quần vòng.

J-10C của Trung Quốc còn có khả năng tích hợp và dẫn bắn hết tầm cho tên lửa không đối không PL-15 cũng như PL-10E. Đây đều được coi là những tên lửa nằm trong nhóm sát thủ trên không.

Chiến đấu cơ J-10C có chiều dài 15,49m, sải cánh rộng 9,75m, diện tích mặt cánh đạt 39 mét vuông.

J-10C trọng lượng cất cánh tối đa vào khoảng 19 tấn, trong khi tải trọng vũ khí đạt khoảng 7 tấn.

Ngoài bom, rocket, tên lửa không đối không, J-10C còn có thể mang theo các loại tên lửa đối đất thậm chí đối hải.

Với những cải tiến đáng kể, J-10C của Trung Quốc mạnh ngang ngửa thậm chí lấn lướt với một số chiến đấu cơ hạng nhẹ nổi tiếng như F-16 Mỹ và MiG-29 Nga.

Một khi Pakistan trang bị những chiếc J-10C, năng lực tác chiến của không quân nước này gia tăng đáng kể, những chiếc máy bay này có thể đối trọng với Rafale của Ấn Độ.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-quoc-xuat-khau-thanh-cong-tiem-kich-j-10c-cho-pakistan-post498248.antd