Trung Quốc với kế hoạch thâu tóm lĩnh vực truyền hình ở Châu Phi (Kỳ 2: Kiểm soát sóng của lục địa?)
Việc StarTimes tham gia vào liên doanh với Đài truyền hình của nhiều nước Châu Phi và nắm giữ một phần rất lớn cổ phần của các đài truyền hình này, khiến các nhà phê bình lo ngại đối tác Trung Quốc sẽ kiểm soát hiệu quả mạng lưới truyền hình của đất nước.
Việc StarTimes tham gia vào liên doanh với Đài truyền hình của nhiều nước Châu Phi và nắm giữ một phần rất lớn cổ phần của các đài truyền hình này, khiến các nhà phê bình lo ngại đối tác Trung Quốc sẽ kiểm soát hiệu quả mạng lưới truyền hình của đất nước.
Doanh nghiệp có "mối quan hệ thân mật với nhà nước"
Gần 2 thập kỷ sau, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi mà Chủ tịch Giang Trạch Dân tổ chức năm 2000 đã trở thành một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong lịch của nhiều quốc gia Châu Phi. Năm 2018, hầu như mọi nguyên thủ quốc gia châu Phi đã đến Bắc Kinh tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc- Châu Phi để đảm bảo có được một phần của khoản vay 60 tỷ USD và một thỏa thuận kinh doanh. Trong khi đang ở Bắc Kinh, các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng hàng đầu từ Sierra Leone, Lesotho, Malawi, Zambia, Cộng hòa Trung Phi, Malawi, Ghana và Uganda đều đến Cty mẹ khổng lồ của StarTimes ở ngoại ô thủ đô để gặp ông Pang Xinxing, Chủ tịch Cty.
Xây dựng mối quan hệ với chính phủ các nước Châu Phi là rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của StarTimes, vì họ phải đấu thầu để giành được các hợp đồng nhà nước, qua đó giúp các quốc gia này thực hiện bước nhảy vọt từ truyền hình tín hiệu sang truyền hình kỹ thuật số. Bà Angela Lewis, nghiên cứu sinh tại Khoa truyền thông quốc tế của Đại học Nottingham ở Ninh Ba, Trung Quốc, người đã nghiên cứu về StarTimes trong nhiều năm, cho biết, Cty hoàn toàn ủng hộ Bắc Kinh trong việc này.
StarTimes là Cty tư nhân Trung Quốc duy nhất được Bộ Thương mại ủy quyền hoạt động trong ngành công nghiệp phát thanh và truyền hình nước ngoài. Hơn nữa, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EXIM) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã cung cấp cho Cty này khoản vay hàng trăm triệu USD để tiến sâu vào thị trường Châu Phi. StarTimes cũng tuyên bố là doanh nghiệp tư nhân theo đuổi các mục tiêu kinh doanh trong khi vẫn duy trì "mối quan hệ thân mật với nhà nước".
Nắm giữ cổ phần lớn
Việc một Cty có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh lại kiểm soát mạng lưới truyền hình của nhiều quốc gia Châu Phi khiến báo giới lên tiếng.
Những tít đề kiểu như "StarTimes âm mưu chiếm lĩnh các đài truyền hình công cộng Châu Phi", khiến các chuyên gia bảo mật Internet lo ngại, tương tự như vụ mạng 5G của Huawei. Có nhiều lo ngại, mối quan hệ của StarTimes với nhà nước Trung Quốc có thể làm tổn hại cơ sở hạ tầng truyền thông của các quốc gia khác. Ví dụ như, tại Zambia, StarTimes đã tham gia vào một liên doanh có tên Topstar với đài truyền hình ZNBC của Zambia để giúp nước này chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số. Thỏa thuận này đã mang lại cho Cty Trung Quốc 60% cổ phần trong đài truyền hình nhà nước trong thời gian 25 năm. Josephat Nchungo, một nhà phân tích thương mại quốc tế tại Đại học Zambia, cho biết: "Mục tiêu chính của quan hệ đối tác này là cung cấp cơ sở hạ tầng cho truyền hình kỹ thuật số. Mục tiêu thứ yếu cũng là trao đổi văn hóa và kiến thức giữa hai nước. Nhưng nhiều người coi đó là một thương vụ bán đài truyền hình nhà nước cho người Trung Quốc".
Những lo ngại tương tự cũng xuất hiện ở Ghana, và Kenya, nơi StarTimes cũng hợp tác với các đài truyền hình nhà nước để vận hành mạng kỹ thuật số mới. "Nếu StarTimes rút khỏi một số quốc gia, các đài truyền hình của đất nước đó sẽ ngừng hoạt động. Về cơ bản, StarTimes có quyền đóng cửa mạng truyền hình của một số quốc gia, nếu muốn", ông Dani Madrid-Morales, trợ lý giáo sư tại Đại học Houston, người đã nghiên cứu về StarTimes khi còn là một nghiên cứu sinh tại Đại học Hồng Kông, cho biết. Quan điểm này đã bị StarTimes bác bỏ, cho rằng Cty "không kiểm soát mạng truyền hình của bất kỳ quốc gia nào".
Cũng xuất hiện những lo ngại về kinh tế trong các thỏa thuận mà StarTimes đã thực hiện với nhiều nước Châu Phi. Ví dụ, để trả cho hợp đồng trị giá 271 triệu USD, Zambia vay các khoản vay từ Ngân hàng EXIM của Trung Quốc. "Để việc hợp tác xảy ra, quốc gia Châu Phi thường phải lấy tiền từ ngân hàng EXIM", bà Lewis nói. Điều đó làm dấy lên lo ngại, các quốc gia sẽ phải gánh khoản nợ lớn. Đây chỉ là một ví dụ về cách Bắc Kinh hưởng lợi khi StarTimes có triển vọng. Haggai Kanenga, từ Khoa nghiên cứu phát triển tại Đại học Zambia, cho biết: "Khoản vay cho thấy tiền cho dự án này đến từ chính chính phủ Trung Quốc, vì vậy hai đối tượng - StarTimes và chính phủ Trung Quốc - không thể tách rời. Ở Zambia, họ được xem là một".