Trung Quốc cải tổ luật pháp, củng cố vai trò lãnh đạo của đảng
Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa công bố kế hoạch 'Xây dựng Nhà nước Pháp quyền Trung Quốc' giai đoạn 2020-2025, nhằm cải tổ hệ thống luật pháp trong 5 năm tới, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo quan trọng của đảng Cộng sản nước này.
Tài liệu dài 15.000 từ do hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã công bố hôm 10/1 đã phác thảo cách thức mà giới lãnh đạo nước này mong muốn một quốc gia có “hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc”.
“Đến năm 2035, nhà nước, chính phủ và xã hội pháp quyền sẽ cơ bản hoàn thành, hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc cũng sẽ cơ bản được hình thành. Quyền được tham gia và phát triển bình đẳng của người dân sẽ được đảm bảo đầy đủ và việc hiện đại hóa hệ thống cũng như năng lực quản trị của quốc gia sẽ đạt được phần lớn", tài liệu có đoạn viết.
Tài liệu do Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành khẳng định “giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của đảng Cộng sản” và “quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình về nhà nước pháp quyền” là hai nguyên tắc chỉ đạo chính.
Theo tài liệu, mặc dù Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) sẽ đóng một vai trò trong quá trình lập pháp, nhưng cơ quan này vẫn phải tuân theo sự chỉ đạo của lãnh đạo trung ương, cũng như những người chịu trách nhiệm về luật pháp địa phương.
Kế hoạch chi tiết cũng cho biết “chính quyền các cấp không được hành động vượt pháp luật” và tạo ra một môi trường thân thiện với doanh nghiệp bằng cách loại bỏ các rào cản tiếp cận thị trường.
Kế hoạch cũng đặc biệt chú trọng đến luật pháp để điều chỉnh công nghệ mới như nền kinh tế kỹ thuật số, tài chính internet, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây.
Theo Xie Maosong, nhà khoa học chính trị tại Đại học Viện Khoa học Trung Quốc, kế hoạch mới cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy “Bốn mục tiêu chính trị” - được gọi là “Bốn mục tiêu toàn diện” - trở thành nền tảng trong các chính sách của Trung Quốc.
Theo đảng Cộng sản Trung Quốc, “Bốn điều toàn diện” bao gồm “quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật”, “cải cách sâu rộng toàn diện”, “điều hành đảng toàn diện với kỷ luật nghiêm minh” và “xây dựng toàn toàn một xã hội phồn vinh”.
“Đối với ông Tập, việc xây dựng một hệ thống luật pháp toàn diện là vô cùng quan trọng đối với sự ổn định của Trung Quốc trong việc tiến lên phía trước", ông Xie nhận định.