Trung Quốc bỏ trần giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính
Trung Quốc vừa dỡ bỏ trần giới hạn sở hữu nước ngoài trong hầu hết các ngành nghề có liên quan tới lĩnh vực tài chính trị giá 45 nghìn tỷ USD của nước này.
Theo đó, từ ngày 23/7 theo giờ địa phương, nhà đầu tư nước ngoài có thể gần như hoàn toàn sở hữu mọi loại hình doanh nghiệp kinh doanh tài chính, từ bảo hiểm cho đến môi giới của Trung Quốc.
Mặc dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, nhưng các nhà phân tích vẫn lạc quan rằng động thái này sẽ giúp Trung Quốc có thể thu hút được các công ty có tên tuổi lớn trên thị trường vốn quốc tế.
UBS trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên nắm giữ phần lớn cổ phần trong một doanh nghiệp chứng khoán Trung Quốc theo các quy định mới. Bước theo sau UBS là các “ông lớn” như Nomura Holdings, JPMorgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Vào tháng 4 vừa qua, Công ty Quản lý tài sản JPMorgan cũng đã chi khoảng 1 tỷ USD để mua lại các cổ phần còn lại trong Công ty Quản lý Quỹ Quốc tế Trung Quốc, trong khi Fidelity International gần đây đã xin cấp phép để thành lập một công ty quản lý quỹ tương hỗ công cộng ở Trung Quốc.
"Trung Quốc đã tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc mở cửa và khuyến khích đầu tư nước ngoài", chuyên gia kinh tế Michelle Lam tại Hiệp hội Genere ở Hồng Kông, nhận định và cho biết thêm mặc dù căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và một số quốc gia gia tăng, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài vẫn rất quan trọng đối với Trung Quốc bởi các bí quyết công nghệ có thể giúp Trung Quốc tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc xem xét loại bỏ các giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính là một phần trong các chính sách cải cách mới nhất được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc và Bộ Thương mại công bố vào tháng trước. Các lĩnh vực khác vẫn hạn chế đầu tư nước ngoài bao gồm cơ sở hạ tầng, luyện kim và một số lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Trước đó vào năm 2017, Trung Quốc đã úp mở rằng quốc gia này có thể sẽ mở rộng quyền sở hữu của người nước ngoài trong các lĩnh vực như bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, quản lý quỹ và một số các lĩnh vực khác từ năm 2020, sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu. Việc bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tại hầu hết lĩnh vực tài chính của Trung Quốc cũng chính là việc đáp ứng một trong những cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thay đổi các quy định đầu tư nước ngoài là một bước trong quá trình cải cách đang diễn ra của Trung Quốc
Nhận xét về những động thái nói trên của Bắc Kinh, Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết, thay đổi các quy định đầu tư là một bước trong quá trình cải cách đang diễn ra của Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế, các công ty của Trung Quốc đã và sẽ luôn thống trị một số lĩnh vực nhất định, do đó các doanh nghiệp Châu Âu sẽ chỉ còn cơ hội nhỏ trong miếng bánh tưởng như dễ ăn này!