Trồng khoai tây FL2215 cho thu nhập 200 - 207 triệu đồng/ha

Việc triển khai mô hình liên kết sản xuất giống khoai tây FL2215 chuyên phục vụ chế biến đang mở ra hướng đi hiệu quả và bền vững cho nông nghiệp hàng hóa tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Thanh Hóa và Hà Nam. Với sự vào cuộc đồng bộ của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người nông dân, mô hình này đang chứng minh tiềm năng lớn trong việc hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Sáng ngày 17/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa phối hợp với Công ty CP Logistics Viettrans và Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá mô hình trồng khoai tây FL2215 tại huyện Nông Cống. Đây là giống khoai tây do PepsiCo nhập khẩu và độc quyền phân phối tại Việt Nam, phục vụ trực tiếp cho chế biến snack khoai tây.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng khoai tây FL2215 tại xã Tượng Sơn (Nông Cống)

Các đại biểu tham quan mô hình trồng khoai tây FL2215 tại xã Tượng Sơn (Nông Cống)

Trong vụ đông 2024-2025, Công ty cổ phần Logistics Viettrans đã liên kết với nông dân tại các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Nông Cống để canh tác 47 ha khoai tây FL2215. Riêng tại xã Tượng Sơn (Nông Cống), hộ anh Trương Văn Mạnh đã triển khai mô hình sản xuất trên quy mô lớn với 20 ha. Nhờ được chuyển giao đầy đủ kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, mô hình cho năng suất trung bình đạt 23 tấn/ha. Với giá thu mua tại ruộng 7.500 đồng/kg, nông dân thu lãi 50 - 60 triệu đồng/ha.

Đây là mô hình sản xuất quy mô lớn, đồng bộ hóa cơ giới trong các khâu nhằm tiết giảm chi phí lao động và tăng hiệu quả sản xuất. Khoai tây FL2215 được đánh giá cao bởi nhiều ưu điểm: khả năng sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh tốt, đặc biệt là các bệnh phổ biến như nấm rệp, héo xanh và sương mai. Đặc tính nhiều tầng củ và độ đồng đều cao của giống cũng góp phần đảm bảo chất lượng nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp.

Không chỉ tại Thanh Hóa, mô hình tương tự cũng đang được triển khai hiệu quả tại tỉnh Hà Nam. Theo đánh giá vừa qua tại Hội nghị do Sở NN&PTNT Hà Nam tổ chức, mô hình sản xuất giống khoai tây FL2215 đã bước đầu cho thấy tính khả thi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ ổn định.

Giống và công nghệ đã thay đổi tập quán canh tác của nông dân, quyết định năng suất cao, giúp nông dân làm giàu - Ảnh: AD

Giống và công nghệ đã thay đổi tập quán canh tác của nông dân, quyết định năng suất cao, giúp nông dân làm giàu - Ảnh: AD

Tại xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân) và phường Thi Sơn (thị xã Kim Bảng), diện tích trồng khoai tây FL2215 đạt tổng cộng 5 ha. Kết quả sản xuất khả quan với năng suất trung bình từ 24 - 25 tấn/ha, giá trị thu về đạt khoảng 200 - 207 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lãi ròng từ 53 - 63 triệu đồng/ha. Đây là con số rất tích cực, nhất là trong bối cảnh nhiều loại cây trồng truyền thống đang gặp khó về đầu ra.

Đặc biệt, toàn bộ sản lượng đạt tiêu chuẩn được Công ty CP Logistics Viettrans thu mua theo hợp đồng để cung cấp cho PepsiCo, giúp nông dân yên tâm sản xuất mà không lo rủi ro về thị trường. Trong quá trình thực hiện mô hình, doanh nghiệp cũng đóng vai trò hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà": nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp.

Những thành công bước đầu đã tạo động lực để các địa phương nhân rộng mô hình trong các vụ đông tiếp theo. Vụ đông năm 2025-2026, Công ty CP Logistics Viettrans dự kiến mở rộng diện tích lên 200 ha tại các huyện Thanh Hóa, hướng tới hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, phục vụ ổn định cho chế biến sâu.

Mô hình liên kết sản xuất khoai tây FL2215 cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, tính bền vững cao và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mô hình còn góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, áp dụng công nghệ trong canh tác, tạo điều kiện để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa và hội nhập.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản, mô hình liên kết sản xuất khoai tây FL2215 là một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của hợp tác công - tư trong nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi cần được tiếp tục thúc đẩy, nhằm tạo dựng những chuỗi giá trị bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phan Hà

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/trong-khoai-tay-fl2215-cho-thu-nhap-200-207-trieu-dongha-162924.html