Trồng cây dược liệu giúp đồng bào miền núi Thanh Hóa tăng thu nhập

Khoảng 2.000 ha cây dược liệu trồng trên đất nông nghiệp và 94.500 ha trồng dưới tán rừng cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng đang giúp người dân Thanh Hóa tăng thu nhập.

Theo thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 1.000 loài cây dược liệu, trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý, chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi.

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cây dược liệu, nhiều tổ chức và cá nhân đã triển khai tạo vùng gồm các loại cây quế, đinh lăng, cà gai leo, sâm báo, hy thiêm, ích mẫu, nghệ, bảy lá một hoa, cát sâm, sâm ngọc linh, lan kim tuyến, ... trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 2.000 ha cây dược liệu đang được trồng trên đất nông nghiệp và 94.550 ha cây dược liệu trồng dưới tán rừng, phân bố chủ yếu tại các huyện miền núi (sản lượng khai thác 550 tấn/năm).

Trước đây, diện tích cây dược liệu tỉnh Thanh Hóa phân bố tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi cao như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy.

Gần đây, nhờ hiệu quả kinh tế cây dược liệu mang lại, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển diện tích cây dược liệu tại các huyện trung du và đồng bằng có đất bãi, đất đồi núi thấp, như Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Quảng Xương.

Người dân trồng cây bạc hà tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Người dân trồng cây bạc hà tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dự án, giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Trung tâm nghiên cứu Dược liệu Bắc Trung Bộ là đơn vị đang triển khai lưu giữ và bảo tồn chuyển vị gần 300 loài cây dược liệu đặc trưng của Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, đơn vị này còn nghiên cứu giống và phát triển nhiều loài cây thuốc có giá trị như: hy thiêm, cà gai leo, bụp giấm, rau đắng biển, bách bộ, sa nhân tím, náng, nghệ, hương nhu, thiên niên kiện ...

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất dược liệu với người dân (Công ty TNHH Thương mại, du lịch Út Phương liên kết trồng cây cà gai leo, sachi, nghệ tại huyện Triệu Sơn; Công ty TNHH Tuệ Linh liên kết trồng cây giảo cổ lam tại huyện Đông Sơn; Công ty CP Dược phẩm Đỗ Phát liên kết trồng cà gai leo, đinh lăng tại thị xã Nghi Sơn; Công ty CP Nghệ Việt liên kết trồng nghệ tại huyện Thạch Thành; Công ty CP Triệu Sơn liên kết trồng cây sâm Báo tại huyện Vĩnh Lộc; Công ty Trí Việt đầu tư mở rộng diện tích trồng cây sâm Bố Chính trên địa bàn huyện Như Xuân). Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp thu mua dược liệu của người dân trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống thương lái.

Một số mô hình liên kết sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao như mô hình trồng cà gai leo, nghệ dược liệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dược liệu Út Phương tại xã Thái Hòa (Triệu Sơn) doanh thu đạt 150-180 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cây nghệ vàng dưới tán cây cao su của Nông trường Thạch Quảng (Thạch Thành) liên kết với Công ty cổ phần Nghệ Việt, doanh thu đạt 120-150 triệu đồng/ha.

Người dân Thanh Hóa thu hoạch sâm.

Người dân Thanh Hóa thu hoạch sâm.

Để thuận tiện cho việc thu gom, tạo đầu ra cho sản phẩm cũng như mở rộng diện tích trồng dược liệu, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 47 HTX sản xuất, kinh doanh dược liệu. Đồng thời, các HTX chủ động thực hiện tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu.

Ngày 11/12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4079/QĐ-UBND phê duyệt đề án Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025.

Phát triển mô hình cây dược liệu phải dựa trên tiềm năng về đất đai, khi hậu, tri thức bản địa của người dân khu vực miền núi. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao.

Phát triển các mô hình cây trồng dược liệu gắn với phát triển du lịch nhằm gia tăng giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm du lịch mới. Đề án dự kiến phát huy tiềm năng trồng cây dược liệu, tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của địa phương.

Tại một số xã thuộc vùng đệm của khu sinh thái Pù Luông, huyện Bá Thước, trước đây bà con chủ yếu trồng sắn và ngô nên thu nhập thấp. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây dược liệu như xạ đen, hoàng ngọc, bạc hà, cà gai leo… thu nhập ổn định, đời sống ngày một nâng cao.

Với tiềm năng lợi thế sẵn có, cùng với chính sách đầu tư, khuyến khích của nhà nước, nguồn thu từ bán cây dược liệu mỗi năm mang lại hàng trăm tỷ đồng, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phạm Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trong-cay-duoc-lieu-giup-dong-bao-mien-nui-thanh-hoa-tang-thu-nhap-a664836.html