Trở lại vùng đất dưới 'miệng tử thần'

Bài 1: Buồn vui nơi “miệng tử thần”

LCĐT - Trước thực trạng hàng trăm hộ nhiều năm qua vẫn phải sống dưới “miệng tử thần” khi mùa mưa lũ đến, câu hỏi đặt ra là chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn này?

Bài cuối: Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

Chính quyền đã làm hết trách nhiệm?

Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao hàng trăm hộ vẫn phải sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, nguy hiểm, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở khu tái định cư Nậm Bắt, xã Tân Tiến (Bảo Yên), tiến độ xây dựng khu tái định cư quá chậm, kinh phí tỉnh cấp còn thiếu, nhiều hộ cho rằng mức hỗ trợ 20 triệu đồng rất khó để di chuyển nhà về vị trí mới.

Người dân thôn Vả Thàng (xã Tung Chung Phố) lo sợ đá trên núi lăn xuống.

Người dân thôn Vả Thàng (xã Tung Chung Phố) lo sợ đá trên núi lăn xuống.

Ở xóm Can Thàng Dao, thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai), người dân không có mặt bằng để di chuyển đến nơi thực sự an toàn và do chủ quan nên nhiều hộ vẫn ở lại nhà cũ.

Chúng tôi tìm đến Trưởng thôn Phìn Hồ thì được biết, từ năm 2018, sau khi Báo Lào Cai phản ánh, xã đã thanh toán toàn bộ tiền hỗ trợ cho người dân, sau đó chỉ gọi điện lên thôn hỏi han, không có ai lên tận nơi để kiểm tra hoặc thăm nắm tình hình. Còn tại thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, mặc dù người dân, chính quyền xã đã nhiều lần đề nghị được di chuyển và đã có mặt bằng, nhưng năm này qua năm khác vẫn chưa được hỗ trợ chuyển về nơi ở mới.

Đặc biệt, ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường (Bát Xát), mặc dù người dân rất lo lắng khi mùa mưa lũ sắp đến, nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Tường, Chủ tịch UBND xã lại khẳng định rằng: Qua rà soát, xã chưa phát hiện hộ nào nằm trong nguy cơ sạt lở cần di chuyển. Nếu lũ to như năm 2008 hoặc to hơn thì mới sợ nước dâng cao sạt lở đến khu San Hồ và làm sạt đoạn đường cứu hộ, cứu nạn. Hiện khu vực đó không có gì nguy hiểm (?!).

Cũng theo ông Tường, xã Trịnh Tường được Tổng cục Phòng, chống thiên tai của Trung ương chọn xây dựng xã điểm đảm bảo an toàn về phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới, một trong những công trình sẽ được xây dựng là kè suối ở khu vực thôn San Hồ dài khoảng 200 m với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay kinh phí thực hiện dự án vẫn chưa được phê duyệt.

Còn bộn bề khó khăn

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân và khó khăn trong việc di chuyển các hộ ra khỏi vùng thiên tai, nguy hiểm, chúng tôi đã làm việc với Chi cục Phát triển nông thôn, cơ quan tham mưu và thực hiện các dự án sắp xếp, di chuyển các khu dân cư ra khỏi vùng thiên tai của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nói về nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ di chuyển các khu dân cư, ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Cái khó nhất của việc thực hiện các dự án đó là vốn, sau đó là quỹ đất, việc bố trí xen ghép còn khó, nên việc bố trí cả một khu dân cư đặt ra rất nhiều vấn đề.

Trong giải phóng mặt bằng, đất được giao tại nhiều địa phương còn chồng chéo giữa đất rừng và đất của hộ gia đình. Các địa phương chưa có sự vào cuộc sâu sát, chặt chẽ trong việc quản lý, tuyên truyền cho người dân về tái định cư. Do đó, toàn tỉnh hiện có 25 dự án tái định cư thì có tới 7 dự án phải chuyển tiếp qua các năm, 5 dự án mới được khởi công.

Thêm một khó khăn nữa là nhận thức của một số hộ còn hạn chế, tâm lý chủ quan khi sinh sống bên suối, dưới khu vực có nguy cơ sạt lở. Cùng với đó, một số hộ có tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mặc dù được tuyên truyền nhiều lần vẫn không di chuyển, buộc phải cưỡng chế…Vì thế, có nơi qua mỗi mùa mưa lũ lại chất chồng thêm những câu chuyện xót xa, đau lòng.

Chuồng trại, nhà dân bị nứt tường ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường (Bát Xát).

Chuồng trại, nhà dân bị nứt tường ở thôn San Hồ, xã Trịnh Tường (Bát Xát).

Giải pháp nào cho “bài toán” di chuyển dân cư khỏi vùng nguy hiểm?

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác rà soát, sắp xếp, di chuyển các hộ ra khỏi khu vực thiên tai, nguy hiểm trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên ở một số nơi vẫn còn không ít bất cập. Mùa mưa lũ năm nay đã cận kề, bên cạnh những hộ đã được di chuyển đến nơi an toàn thì vẫn còn hàng trăm hộ đang ngày đêm sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu, sợ hãi khi mưa to, gió lớn.

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết thêm: Giải pháp căn cơ là Trung ương và tỉnh cần khẩn trương bổ sung nguồn vốn cho những dự án đang chậm do thiếu kinh phí để thi công các hạng mục dang dở. Cùng với đó, cần nâng mức hỗ trợ di chuyển khỏi vùng có nguy cơ thiên tai cho người dân, vì đa số hộ nằm trong diện di chuyển ở khu vực vùng cao, kinh tế rất khó khăn, nhiều hộ nghèo. Trách nhiệm của chính quyền địa phương là thực hiện chi trả tiền hỗ trợ kịp thời.

Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Hiện nay, các khu Choán Ván, thị trấn Mường Khương và Vả Thàng, xã Tung Chung Phố đã có dự án để di chuyển các hộ cần ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai.

Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đã thực hiện được một số bước, tuy nhiên còn vướng mắc về vốn, do đó huyện mong muốn tỉnh và Trung ương sớm bố trí đủ vốn để hoàn thiện dự án trên, người dân sớm ổn định cuộc sống. Huyện đã tạo mọi điều kiện để giải phóng mặt bằng, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, thông tin về việc di chuyển và sắp xếp dân cư để người dân hiểu, ủng hộ.

Qua tìm hiểu ở một số khu tái định cư, chúng tôi thấy vấn đề chi trả tiền hỗ trợ di chuyển cho các hộ còn nhiều bất cập. Trong khi người dân cần tiền để di chuyển nhà ngay, thì chính quyền một số nơi chi trả theo nhiều cách khác nhau: Chi trả 1 đợt, chi trả thành nhiều đợt, hoặc yêu cầu sau khi xây dựng xong nhà mới chi trả. Một số hộ đã nghèo, do không có tiền nên phải vay ngân hàng, vay nợ ngoài để di chuyển nhà, xây dựng nhà mới và các công trình phụ, trở nên túng quẫn, khó ổn định cuộc sống sau khi di chuyển.

Mùa mưa lũ năm nay đã đến, với diễn biến phức tạp và thất thường của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguy cơ xảy ra những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực ở nhiều thôn, bản vùng cao của tỉnh. Minh chứng là ngay đầu mùa lũ năm nay, trận lũ bất ngờ ập đến thôn trung tâm xã Bản Hồ, huyện Sa Pa rạng sáng 24/6/2019, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân, may mắn không có thiệt hại về người. Vì thế, hơn bao giờ hết, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này, tránh để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc, sau đó rút kinh nghiệm thì đã quá muộn.

Ngọc Khuyên - Ðức Nguyễn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/tro-lai-vung-dat-duoi-mieng-tu-than-z5n20190715100843131.htm