Trở lại Khu kháng chiến Rừng tràm Bà Vụ năm xưa
Nói đến rừng Tràm Bà Vụ, người dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An luôn tự hào vì nơi đây gắn liền với những trang sử vẻ vang của miền Nam trong hai thời kỳ kháng chiến và là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ.
Ngày nay, nơi đây - xã Tân Hòa, huyện Bến Lức có một diện mạo mới, đời sống kinh tế của người dân không ngừng được nâng lên, xóa tan cảnh tàn phá khốc liệt của chiến tranh năm xưa.
Rừng tràm Bà Vụ nằm trên địa bàn 4 xã Lương Hòa - An Thạnh - Tân Bửu và Tân Hòa, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, có phong trào quần chúng phát triển sâu rộng từ sau khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Nơi đây, nhiều cơ sở Đảng do các đồng chí lãnh đạo tiền bối như Nguyễn Thị Minh Khai, Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Hồ Văn Long… dày công xây dựng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, khu vực Rừng tràm Bà Vụ là hành lang chiến lược từ biên giới xuống Nam lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A) là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ cách mạng xung quanh Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Thời gian đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Rừng tràm Bà Vụ là nơi trú đóng của các cơ quan, đơn vị Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính Nam bộ, Ban Quân sự Nam bộ… Tại Rừng tràm Bà Vụ, quân và dân ta lập nhiều chiến công oanh liệt, giáng cho kẻ thù những đòn sấm sét, điển hình là các trận Láng Le - Bàu Cò vào những năm 1948, 1966. Đây cũng là nơi đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục và đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định về hoạt động vào cuối năm 1967 để lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, góp phần tạo đà cho những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược tiếp theo mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Chiến tranh đã qua, Rừng tràm Bà Vụ trở thành điểm son trong trang sử vàng của dân tộc, là niềm tự hào to lớn tô thắm truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc “của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An. Mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, Rừng tràm Bà Vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng Di tích lịch sử năm 1994.
Hiện nay, Khu Di tích lịch sử Rừng tràm Bà Vụ tọa lạc tại xã Tân Hòa, có diện tích hơn 1 ha, gồm: nhà tưởng niệm; nhà trưng bày hiện vật; khu tái hiện rừng tràm và vườn thơm; nhà đón khách, nhà quản lý; nhà bảo vệ, quầy lưu niệm; cổng, hàng rào; cây xanh, sân đường nội bộ... với tổng mức đầu tư trên 35 tỉ đồng và khu di tích đang dần hoàn thiện các hạng mục.
Bằng những nỗ lực vượt khó vươn lên, tại Khu trung tâm Rừng Tràm Bà Vụ - xã Tân Hòa hôm nay đã “thay da, đổi thịt”. Từ khi chính thức được thành lập năm 1992, xã Tân Hòa phát triển rất hạn chế do kênh rạch chằng chịt, cầu cây được bắt tạm bợ, chưa có điện nước sinh hoạt. Người dân nơi đây phần lớn di cư từ nhiều nơi đến lập nghiệp theo chủ trương xây dựng “vùng kinh tế mới”. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh của xã hầu như chưa có gì đáng kể, tất cả đều ở điểm xuất phát thấp. Qua 30 năm, diện mạo nông thôn xã Tân Hòa thật sự đổi mới, giờ đây, vùng đất hoang hóa tại khu vực Rừng tràm Bà Vụ đã nhường chỗ cho nhiều loại cây phát triển kinh tế giúp nâng cao đời sống người dân địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Nguyễn Thanh Đức, với chương trình đầu tư đê bao khép kín của tỉnh, từ năm 2000, xã được quan tâm đầu tư nạo vét và bao đê tất cả các tuyến kênh bảo đảm tốt phòng chống lụt bão, ngăn mặn, rửa phèn, cơ cấu cây trồng thay đổi và sản lượng ngày một nâng lên. Cụ thể, xã Tân Hòa có 475 ha lúa, với năng suất đạt 4 - 5tấn/ha; diện tích chanh tăng theo từng năm, giá bán cao mang lại thu nhập cho người dân. Toàn xã có 598 ha chanh, diện tích còn lại trồng các cây khác như dừa, riềng, mai, mít, thanh long… và các loại rau màu.
Đến nay, xã Tân Hòa có 100% các tuyến kênh chính được bao đê bảo đảm công tác chống lũ và triều cường, 100% hộ dân sử dụng điện, nước. Trạm Y tế được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, hệ thống giao thông được nâng cấp và mở rộng đến nay đã xóa bỏ cầu khỉ và thay vào đó là đầu tư xây dựng mới 79 cây cầu, tổng kinh phí xây dựng hơn 24 tỷ đồng (trong đó, xã hội hóa 42 cây cầu với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng), đường giao thông từng bước được cứng hóa với gần 35km, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.
Tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cách mạng, nhất là gắn liền với địa danh lịch sử Rừng tràm Bà Vụ, anh Nguyễn Phi Thuận, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Hòa biết ơn các vị anh hùng, cha ông đi trước đã đổ bao xương máu để có được ngày hôm nay. Với sức trẻ của mình nói riêng và thanh niên xã Tân Hòa nói chung, anh Thuận ra sức phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ban Chấp hành Đoàn thanh niên xã Tân Hòa có nhiều hoạt động thu hút thanh niên tham gia. Các ngày lễ lớn, Đoàn Thanh niên đều thắp hương, dọn dẹp vệ sinh các khuôn viên khu di tích Rừng tram Bà Vụ, treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, Đoàn thanh niên xã thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thực hiện hiệu quả tặng sữa cho các nạn nhân chất độc Dioxin...
Về lại xã Tân Hòa hôm nay, mọi người sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi trước đây là một vùng trũng, đất đai hoang hóa, một túi phèn chất chứa hàng chục năm không được con người khai phá. Giờ đây, trải qua quá trình cải tạo đất bằng sức người đầy gian nan và chịu khó nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, xã từng bước vươn lên phát triển công nghiệp.