Triều Tiên dùng 'Trò chơi con mực' để chỉ trích Hàn Quốc

Khi 'Trò chơi con mực' (Squid Game) đang gây sốt khắp thế giới, Triều Tiên cũng dùng bộ phim này để chỉ trích xã hội tư bản Hàn Quốc.

Nam chính tham gia trò chơi tách kẹo trong phim "Trò chơi con mực". (Ảnh: Netflix)

Bộ phim thu hút người xem khắp thế giới bằng câu chuyện đau thương về tình trạng tuyệt vọng vì tiền bạc và những cảnh đẫm máu bắt nguồn từ trò chơi của trẻ em. Bài viết trên một trang báo chính thống Triều Tiên nói rằng bộ phim này phơi bày bản chất của xã hội tư bản Hàn Quốc, nơi con người “rơi vào những cuộc cạnh tranh khắc nghiệt”.

Bài viết đăng ngày 12/10 nói rằng “Trò chơi con mực” phản ánh một xã hội bất bình đẳng, nơi kẻ mạnh bóc lột người yếu thế.

Trong bộ phim, hơn 400 người ngập trong nợ nần, gồm cả một cô gái chạy trốn khỏi Triều Tiên, bước vào những trò chơi sinh tử để giành số tiền thưởng khổng lồ. Nếu thua, họ phải trả giá bằng tính mạng.

Bộ phim đang gây tiếng vang lớn ở Hàn Quốc và khắp thế giới, nhất là những người đang bất mãn với tình trạng bất bình đẳng thu nhập, thất nghiệp và những thách thức tài chính.

Ngày 12/10, Netflix xác nhận “Trò chơi con mực” mà của đạo diễn Hwang Dong-hyuk bắt đầu chuẩn bị cách đây 1 thập kỷ, đã trở thành phim được xem nhiều nhất trong lịch sử của nền tảng phim này kể từ khi nó bắt đầu được chiếu vào tháng 9.

“Bộ phim đã chính thức đạt mốc 111 triệu người xem và trở thành bộ phim được xem nhiều nhất của chúng tôi”, Netflix viết trên Twitter. Số lượng này khiến “Trò chơi con mực” soán ngôi số 1 của “Bridgerton”, bộ phim từng lập kỷ lục với 80 triệu lượt xem.

Triều Tiên từng nhiều lần chỉ trích văn hóa Hàn Quốc. Hồi tháng 6, nhà lãnh đạo Kim Jong Un gắn mác cho K-pop Hàn Quốc là loại “ung thư hiểm nghèo”. Ông đổ lỗi cho K-pop làm suy đồi “kiểu tóc, lời nói và hành vi” của người dân Triều Tiên, New York Times đưa tin.

Trong khi sự phổ biến của “Trò chơi con mực” tạo nên một làn sóng chế hình ảnh trên mạng xã hội và trở thành cảm hứng cho các thể loại trang phục mùa Halloween, thành công của bộ phim cũng gây ra một số vấn đề. Một phụ nữ ở Hàn Quốc nhận được hàng loạt cuộc gọi từ những người lạ vì có số điện thoại trùng với số in trong chiếc danh thiếp xuất hiện nhiều lần trong phim.

Tuần này, cảnh sát Anh đã trấn an các tài xế rằng tấm biển trên một tuyến cao tốc ở nước này có hình dạng giống như các hình trong “Trò chơi con mực” nhưng không gây hại và không liên quan gì đến bộ phim.

Các trường học ở Anh cũng cảnh báo phụ huynh rằng nội dung bạo lực, tình dục và các vấn đề của người lớn trong bộ phim này không phù hợp với học sinh.

Bình Giang

Theo Washington Post

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trieu-tien-dung-tro-choi-con-muc-de-chi-trich-han-quoc-post1384871.tpo