Triệt xóa 'tín dụng đen'

BPO - Những ngày gần đây, nhiều người viết thư tay cảm ơn, bày tỏ niềm tin, phấn khởi về chiến công của Công an tỉnh Bình Phước đã triệt phá thành công 10 nhóm với 25 đối tượng “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” có tính chất “tín dụng đen”. Chiến công này đã giúp những trường hợp nhẹ dạ, cả tin không may là nạn nhân của tín dụng đen dần ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vậy, thực trạng tín dụng đen len lỏi vào cuộc sống của người dân; hành trình triệt phá tội phạm của Công an tỉnh Bình Phước và giải pháp ngăn chặn hoạt động phạm pháp này trong thời gian tới như thế nào? Đó là những vấn đề được dư luận quan tâm tìm lời giải đáp, qua đó bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, cuộc sống bình yên của nhân dân.

Bài 1:
NHỮNG MÓN VAY VỚI LÃI SUẤT "TRÊN TRỜI"

“Chỉ cần gõ vào trang cá nhân hoặc app vay của đối tượng là ngay lập tức họ tự nhắn tin, gọi điện liên lạc, hỏi địa chỉ và tìm đến ngay. Ban đầu gặp mặt, họ tỏ ra rất lịch sự, nói chuyện vui vẻ, thể hiện là người hiểu chuyện và chia sẻ khó khăn của mình một cách rất gần gũi, thân thiện. Sau khi làm các thủ tục viết giấy vay nợ, cầm sổ hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân của mình thì họ giao tiền ngay. Có 2 hình thức vay là trả góp hoặc vay đứng do 2 bên thỏa thuận. Và... thật không thể ngờ, việc trả nợ chính thức bắt đầu ngay sau khi giải ngân với lãi suất “cắt cổ”” - một nạn nhân ở thị xã Chơn Thành chia sẻ về câu chuyện vay tín dụng đen của mình.

Nợ chồng nợ với lãi suất cao

Một ngày đầu tháng 3-2022, khi dịch Covid-19 đã lắng xuống, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân đang ổn định trở lại, chị N.T.A.N ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (nay là phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành) cũng muốn nhập thêm hàng về để bán. Tuy nhiên, theo hợp đồng của đối tác, tổng trị giá lô hàng 50 triệu đồng, trong khi gia đình chị chỉ còn 30 triệu đồng. Phần vì rất ưng lô hàng đã chọn, phần muốn đột phá làm ăn sau dịch nên bằng mọi giá chị phải vay được tiền để mua lô hàng này. Trong khi đang lướt web, chị N thấy một trang mạng quảng cáo “Vay tiền đơn giản, thủ tục nhanh gọn, 10 phút nhận tiền ngay”, liền nhấn vào. Ngay lập tức nhân viên quản trị trang web này nhắn tin làm quen hỏi số điện thoại, địa chỉ. Nói chuyện vài câu, chị N phấn khởi nhận ra người đang nói chuyện với mình là một người quen cũ tên Hùng. Sau khi chị N nói rõ nguyện vọng vay tiền, Hùng hẹn ăn cơm trưa xong sẽ cho người tới giải ngân ngay.

Vì kẹt vốn kinh doanh nên nhiều người đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen

Vì kẹt vốn kinh doanh nên nhiều người đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen

Theo thỏa thuận, chị N vay 20 triệu đồng với hình thức trả góp trong vòng 25 ngày. Mỗi ngày chị phải trả 1 triệu đồng và phụ phí khác (công đi thu tiền, xăng xe, tiền ăn, uống cho người đi đòi nợ...). Chị N những tưởng việc vay 20 triệu đồng sẽ trả được trong thời gian ngắn như hợp đồng. Nhưng không ngờ, chỉ sau 15 ngày liên tục góp 1 triệu đồng/ngày vào tài khoản cho bọn chúng thì chị đã “kiệt sức”. Lúc này, Hùng đề nghị chị đáo hạn, vay một dây khác để trả khoản vay đầu. Chị N buộc phải vay thêm 20 triệu đồng để trả hết 10 triệu đồng còn lại của hợp đồng trước. Lần này, chị chỉ nhận được 9 triệu đồng, do trừ thêm 1 triệu đồng của ngày góp đầu tiên dây thứ 2. Tuy nhiên, tổng số nợ vẫn là 20 triệu đồng, cũng trả trong 25 ngày và mỗi ngày trả 1 triệu đồng. Hằng ngày, chị N vừa lo bán hàng vừa lo trả nợ đúng hẹn. Vòng xoáy vay mượn liên tục khiến chị không còn minh mẫn mà bị cuốn theo sự điều khiển của bọn chúng.

“Đỉnh điểm đến tháng 8-2022, tôi đã vay của 7 nhóm, tổng số tiền phải trả mỗi ngày 40 triệu đồng. Từ tháng 3 đến tháng 8-2022, với hàng chục lần đáo hạn như vậy, tôi chỉ nhận được tổng số tiền vay khoảng 500 triệu đồng. Trong khi, sao kê của ngân hàng, số tiền tôi đã phải chuyển khoản trả cho bọn chúng trên 2,4 tỷ đồng” - chị N cho biết.

Sang tạp hóa, bán đất để trừ nợ

Cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 10-2022, cổng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (huyện Đồng Phú) vẫn còn những quán tạp hóa mở cửa. Tuy nhiên, không khí mua - bán không sầm uất như trước. Bà N.T.B ngồi trên chiếc ghế đỏ, nét mặt buồn, pha chút nghi ngại khi tiếp xúc với người lạ. Khi nhận ra một cán bộ cảnh sát hình sự và chúng tôi thì bà mới cởi mở trò chuyện. Bà B cho biết: “Cứ hễ thấy người lạ, nhất là mặc đồ đen, đội mũ lưỡi chai tới gần là tôi sợ lắm. Bởi đó là hình ảnh của tên côn đồ cho vay nặng lãi, hắn đã uy hiếp và đánh đập những con nợ ở đây, trong đó có tôi”.

Những người buôn bán nhỏ thường là mục tiêu các đối tượng cho vay nặng lãi nhắm tới. Trong ảnh: Các gian hàng của tiểu thương tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú

Bà B cho biết, bà có một người bạn cũng buôn bán tạp hóa tại cổng khu công nghiệp này. Vài tháng trước, người bạn này vì thiếu tiền mua hàng, không biết vay mượn ai nên bà B đã vay hộ 10 triệu đồng từ một người tên Huy. Thấy việc vay dễ dàng, có tiền ngay nên bà vay luôn cho 2 người bạn, mỗi người 5 triệu đồng. Chồng bà cần tiền làm việc riêng nên cũng vay 10 triệu đồng. Tưởng rằng việc làm ăn, buôn bán sẽ thuận lợi hơn, ai ngờ với mức góp bình quân 500 ngàn đồng/ngày cho khoản vay 10 triệu đồng và góp trong 24 ngày, khiến các con nợ không thể xoay xở kịp. Hằng ngày, các đối tượng mặc đồ đen, cố tình để lộ những hình xăm tới quán đòi nợ. Ai không trả đúng hẹn dù chỉ 1 ngày chúng cũng chửi bới, đập phá đồ hàng và thậm chí sẵn sàng đánh nạn nhân khiến người nợ phải bỏ đi lánh nạn. “Họ bỏ đi hết, lúc này, tôi phải đứng ra chịu trách nhiệm vì là người vay của bọn chúng. Hôm tôi không còn tiền nữa, bọn chúng đạp tôi ngã dúi dụi vào góc nhà. Chúng cầm dao Thái Lan kề cổ tôi hăm dọa, rồi tiếp tục đập vào đầu mấy nhát khiến tôi choáng váng, ngất xỉu. Bọn chúng manh động lắm nên tôi phải bán mảnh đất trị giá 500 triệu đồng để trả một lượt cho xong” - bà B kể lại.

Bà N.T.K ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú cũng không thoát khỏi cạm bẫy của tín dụng đen. Đầu tháng 5-2022, bà K vay của đối tượng Hoàng Việt Hùng 10 triệu đồng. Chỉ trong gần 3 tháng, bọn chúng đã đáo hạn và lừa bà phải vay món nọ, trả món kia. Mỗi ngày, bà K phải trả góp 1,8 triệu đồng. Chủ nhật, công nhân không đi làm, bà không bán được hàng, không có tiền góp thì bọn chúng tới đánh đập, chửi bới thậm tệ. Vì quá sợ hãi nên bà K phải sang lại quán cho người khác để lấy tiền trả nợ nhưng cũng không đủ.

“3 tháng vay tín dụng đen là 3 tháng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Cứ chiều tối là đi lánh nạn, đêm về nằm ngủ cũng thấp thỏm lo bọn chúng tới đốt quán, hăm dọa. Tôi lỡ vay, không dám chia sẻ cho gia đình biết. Có lúc bế tắc quá, tôi đã từng nghĩ đến tự tử cho xong” - bà K ứa nước mắt nói.

Nhà tôi chỉ trông vào cái chảo chiên chuối để bán ở cổng khu công nghiệp. Con trai tôi bị té từ gác xép xuống dẫn đến chấn thương sọ não phải đi cấp cứu, nuôi sọ. Để có tiền lo cho con, tôi buộc phải vay tín dụng đen vì họ có tiền ngay. Nào ngờ, tiền lo cho con chưa xong, mà ngày nào cũng phải lo trả lãi. Xin chậm 1 ngày, họ cũng không cho. Họ tới nhà, cầm dùi cui chích điện từng người. Em tôi chống cự, họ đuổi đánh chạy vòng vòng ngoài sân. Thấy họ hung hãn quá, mọi người la lên nhưng hàng xóm không ai dám sang. Chiều chiều là cả nhà lo đi trốn, họ gọi điện thì tôi bảo đang ở bệnh viện, họ hỏi ở bệnh viện nào để tới luôn. Họ tuyên bố, không trả đúng hẹn là họ lấy mạng mình luôn.

Một nạn nhân ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú kể lại trong nỗi kinh hoàng

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/138188/triet-xoa-tin-dung-den