Triển vọng kết nối du lịch Tây Ninh - Bình Phước

Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, Đông Nam bộ là một trong 7 vùng du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước.

Trong đó, du lịch liên kết vùng được các tỉnh, thành trong khu vực chú trọng. Mới đây, tỉnh Tây Ninh và Bình Phước đã có những bước đầu cụ thể hóa các nội dung đã ký kết hợp tác phát triển về văn hóa và du lịch, mở ra tiềm năng liên kết du lịch giữa 2 địa phương.

Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử kháng chiến điểm cuối hệ thống tuyến đường ống xăng dầu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử kháng chiến điểm cuối hệ thống tuyến đường ống xăng dầu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trước đó, ngày 29.3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức ký kết chương trình hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2023-2025 với hai tỉnh Tây Ninh và Đăk Nông. Trong đó, giữa Tây Ninh và Bình Phước đã chọn lĩnh vực được hai bên quan tâm và thống nhất đẩy mạnh là phát triển du lịch. 2 tỉnh đặt mục tiêu phối hợp phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các nguồn lực về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của hai địa phương, để hỗ trợ nhau cùng phát triển, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Vừa qua, tỉnh Bình Phước đưa các đơn vị du lịch, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có sản phẩm được công nhận OCOP tham gia sự kiện du lịch tiêu biểu tại lễ hội quảng bá nghệ thuật chế biến các món ăn chay tỉnh Tây Ninh.

Đồng thời, triển khai thực hiện, đẩy mạnh tour du lịch liên tuyến “Tình đất đỏ miền Đông” giữa Tây Ninh - Bình Phước; phối hợp tổ chức các chương trình khảo sát farmtrip và presstrip. Thông qua các hoạt động nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách đầu tư phát triển du lịch, các điểm đến, dịch vụ du lịch của tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Phước đến các công ty du lịch, lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch của 2 địa phương.

Đoàn khảo sát tham quan Nhà làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà (Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết).

Đoàn khảo sát tham quan Nhà làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà (Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết).

Ông Đỗ Minh Trung- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước nhận định: “Các tour khảo sát thực sự thiết thực và có ý nghĩa lớn trong việc liên kết phát triển du lịch Tây Ninh và Bình Phước. Đây là dịp để các công ty lữ hành, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu và góp ý, xây dựng các sản phẩm đưa khách du lịch của Tây Ninh và khu vực Đông Nam bộ đến Bình Phước. Đồng thời, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng trao đổi, giúp Bình Phước nhận diện được những hạn chế, ưu điểm để đầu tư phát triển du lịch cho phù hợp”.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển nền tảng hạ tầng kết nối, hạ tầng điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, thì vai trò các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành là không thể thiếu trong chuỗi hoạt động tham gia liên kết phát triển du lịch.

Ký kết giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước là cầu nối để các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch có cơ hội gặp gỡ, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động liên kết hợp tác, giao thương và hình thành chương trình du lịch kết nối 2 địa phương. Qua việc khảo sát thực tế còn giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đánh giá tiềm năng, năng lực phát triển du lịch của Bình Phước, từ đó đưa ra kế hoạch cụ thể để kết nối, triển khai có hiệu quả những thế mạnh, giúp việc kết nối du lịch vùng phát triển bền vững.

Đoàn khảo sát dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết.

Đoàn khảo sát dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tây Ninh chia sẻ: “Các hiệp hội du lịch trong 6 tỉnh Đông Nam bộ cũng đã thành lập và kết nối với nhau để phát triển khu du lịch vùng. Bình Phước còn rất tiềm năng, thế mạnh, nhất là khai thác những cái khác biệt gắn với đời sống của người dân tộc, hay giá trị của những di tích lịch sử”.

Bên cạnh sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp, trong công tác quản lý nhà nước, 2 địa phương tiếp tục trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; thông tin sản phẩm du lịch; thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch.

Ông Trần Quốc Thịnh- Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết: “Thời gian tới, chúng ta sẽ có những hỗ trợ, phối hợp cụ thể thông qua việc cố gắng khai thác những lợi thế, tiềm năng của 2 địa phương, để phát huy những giá trị di sản, văn hóa. Còn rất nhiều hoạt động 2 địa phương cần cụ thể hóa”.

Với những định hướng, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm trong liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, cụ thể là Tây Ninh và Bình Phước, tin tưởng rằng sẽ tạo “cú hích” đồng bộ, để mỗi địa phương sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi liên kết phát triển du lịch vùng. Thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Hòa Khang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/trien-vong-ket-noi-du-lich-tay-ninh-binh-phuoc-a159598.html