Triển vọng kém sáng của thị trường nhà ở Mỹ
Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số lượng nhà ở đơn lập được khởi công – vốn chiếm phần lớn hoạt động xây dựng nhà – đã giảm 4,6% xuống mức 883.000 căn trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.

Công nhân làm việc tại công trình xây dựng một tòa nhà ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 18/7, hoạt động xây dựng nhà ở đơn lập tại Mỹ trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, do lãi suất thế chấp cao và tình trạng bất định về kinh tế cản trở hoạt động mua nhà, cho thấy đầu tư vào khu vực nhà ở có thể đã tiếp tục suy giảm trong quý II.
Báo cáo từ Bộ Thương mại cũng cho thấy số giấy phép xây dựng nhà ở đơn lập – chỉ báo cho hoạt động xây dựng trong tương lai – đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm vào tháng 6, phản ánh tâm lý tiêu cực lan rộng trong giới xây dựng. Tình trạng nhu cầu suy yếu đã khiến nguồn cung nhà ở trên thị trường tăng lên, khiến các nhà xây dựng ngần ngại khởi công dự án mới. Lượng tồn kho nhà mới hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số lượng nhà ở đơn lập được khởi công – vốn chiếm phần lớn hoạt động xây dựng nhà – đã giảm 4,6% xuống mức 883.000 căn trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.
Số giấy phép xây dựng nhà ở đơn lập trong tương lai giảm 3,7%, xuống còn 866.000 căn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023.
Trong khi đó, hoạt động khởi công xây dựng các dự án nhà ở dành cho nhiều hộ gia đình lại tăng cao 30,6%, lên mức 414.000 căn trong tháng 6. Tuy nhiên, phân khúc này có tính biến động cao.
Số giấy phép xây dựng nhà ở dành cho nhiều gia đình đã tăng 8,1%, lên mức 478.000 căn, góp phần đẩy tổng số giấy phép xây dựng tăng nhẹ 0,2%, lên mức 1,397 triệu căn trong tháng 6.
Dù thị trường nhà ở chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, nhưng lĩnh vực này có ảnh hưởng kinh tế lớn hơn thông qua hoạt động mua sắm nội thất, thiết bị gia dụng và các chi tiêu liên quan khác. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng tình trạng suy yếu kéo dài của thị trường nhà ở có thể lan sang toàn bộ nền kinh tế.
Các nhà kinh tế cho biết, thị trường nhà ở đang rất cần chi phí vay thấp hơn, nhưng thừa nhận rằng các chính sách thuế quan quyết liệt của Tổng thống Donald Trump đang khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) khó nối lại chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Theo ông Christopher Rupkey, chuyên gia kinh tế trưởng tại FWDBONDS, các nhà xây dựng đang có vô số lý do để trì hoãn hoặc hủy bỏ dự án và triển vọng thị trường nhà ở chưa bao giờ u ám đến thế. Còn ông Stephen Stanley, chuyên gia kinh tế trưởng tại Santander U.S. Capital Markets, thì dự đoán hoạt động xây dựng nhà ở sẽ suy yếu kéo dài, xuyên suốt mùa Hè và có thể đến cả mùa Thu.
Một khảo sát của Hiệp hội các nhà xây dựng nhà quốc gia (NAHB) hôm 17/6 cho thấy tỷ lệ các nhà xây dựng phải giảm giá để thu hút người mua đã tăng trong tháng 7, đạt mức cao nhất kể từ năm 2022.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trien-vong-kem-sang-cua-thi-truong-nha-o-my/380879.html