Triển khai tiêu chí số 7: Điều chỉnh phù hợp từng địa phương

Quyết định số 4800/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020 được ban hành, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đánh giá xã đạt tiêu chí số 7 cụ thể và rõ ràng hơn.

Xác định đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn sẽ góp phần căn bản vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, trong quá trình triển khai xây dựng NTM; Bộ Công Thương đã căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí số 7.

Nhiều chợ nông thôn còn khó thu hút đầu tư xây dựng

Kết quả, qua rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện tiêu chí số 7 của các địa phương, đến nay, cả nước có gần 8.000 xã đạt tiêu chí số 7, đạt 88,4% (tăng 75,7% so với năm 2010 và tăng 30,45% so với năm 2015). Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân vùng nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế triển khai tiêu chí số 7 đang cho thấy, nhu cầu nguồn lực ngân sách để xây dựng chợ rất lớn, nhưng khả năng ngân sách địa phương có hạn; việc xã hội hóa chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, do chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thực hiện tiêu chí số 7 nên tại nhiều nơi, sự phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan trong công tác rà soát, đánh giá còn chưa kịp thời, thiếu chính xác, gây khó khăn cho công tác tổng hợp, cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tiêu chí số 7.

Với quan điểm, ưu tiên phát triển thương mại nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương rà soát mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020; từ đó chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tiêu chí số 7 giai đoạn sau năm 2020, theo hướng xác định rõ mục tiêu gắn với tình hình thực tế.

Song song đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị với Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương có chính sách hỗ trợ huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, hạ tầng thương mại nông thôn; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm phân bổ, hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ, kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá trị tài sản còn lại đối với các chợ đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khi chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã (HTX) quản lý chợ; kiến nghị Bộ Xây dựng: Nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9211:2012 thiết kế chợ phù hợp với địa phương...

Với vai trò của mình, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất với UBND các tỉnh/thành phố, chỉ đạo UBND cấp huyện điều phối ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để bố trí cho đầu tư mới, cải tạo nâng cấp các chợ nông thôn, bảo đảm các tiêu chí theo quy định; chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong công tác phát triển và quản lý chợ, nhất là trong việc thẩm định các nội dung liên quan đến chuyển đổi mô hình quản lý chợ trong thời gian tới.

Các tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM về tiêu chí số 7, gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trien-khai-tieu-chi-so-7-dieu-chinh-phu-hop-tung-dia-phuong-148179.html