Triển khai quyết liệt các biện pháp trấn áp tội phạm ngay từ cơ sở
Sáng 24-11, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới'; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy'.
Các đại biểu dự hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc; Thứ trưởng Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.
Dự hội nghị còn có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã...
Xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc
Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy do Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày nêu rõ, sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị 48-CT/TƯ, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, qua đó nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tội phạm.
Thành ủy Hà Nội đặc biệt chú trọng, nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Toàn thành phố đã xây dựng trên 300 mô hình, chuyên đề vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; 137 đội tình nguyện phòng, chống tội phạm; thành lập và củng cố 5.427 tổ hòa giải …
Quang cảnh hội nghị.
Thành phố cũng đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy tại 383/383 xã, với tổng số 2.368 cán bộ, chiến sĩ; xây dựng 604 câu lạc bộ pháp luật và phòng, chống tội phạm; trên 10 nghìn hòm thư tố giác tội phạm. Nhờ đó, trong 10 năm qua, nhân dân đã cung cấp trên 300 nghìn nguồn tin, trong đó có trên 200 nghìn nguồn tin có giá trị cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Từ những kết quả trên, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực. Tính từ ngày 15-11-2010 đến 14-6-2020, toàn thành phố đã điều tra, khám phá 42.937 vụ phạm pháp về trật tự xã hội với 86.195 đối tượng (đạt tỷ lệ 80,8%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra).
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”, Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố, Công an thành phố đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Qua kiểm tra đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 19.184 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền hơn 65 tỷ đồng. Thành phố cũng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động với 1.838 cơ sở; đình chỉ hoạt động 1.096 cơ sở…
Triển khai quyết liệt các biện pháp trấn áp tội phạm ngay từ cơ sở
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao những kết quả của thành phố Hà Nội trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 47-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần kéo giảm các loại tội phạm, trong đó, phạm pháp hình sự giảm 14%, không để hình thành các ổ nhóm tội phạm. Thành phố cũng kiềm chế và kiểm soát tình hình cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều mô hình, điển hình về huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, được nhiều địa phương nghiên cứu, học tập...
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xác định việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ và Chỉ thị số 47-CT/TƯ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Cùng với coi trọng công tác phòng ngừa, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý, thành phố Hà Nội tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm tín dụng đen, chiếm đoạt tài sản; tội phạm công nghệ cao; tội phạm núp bóng doanh nghiệp và tội phạm ma túy; chủ động mọi phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 47-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng luôn được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; từ đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng văn bản cụ thể hóa và tăng cường tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức đến kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện... Nhờ đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện hai chỉ thị đã được thành phố triển khai toàn diện, đạt kết quả tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; chủ động tham mưu, xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ và Chỉ thị số 47-CT/TƯ, đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trong công tác nắm bắt và dự báo tình hình để xây dựng Hà Nội tiếp tục là điểm đến đầu tư, du lịch an toàn, hấp dẫn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đặc biệt yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các biện pháp phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Trước mắt, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cơ quan, đơn vị, các lực lượng triển khai giải pháp phục vụ tốt nhất, an toàn nhất cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chủ động chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Tân Sửu 2021 vui tươi, an toàn.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ và Chỉ thị số 47-CT/TƯ.