Triển khai hóa đơn điện tử với cửa hàng bán lẻ xăng dầu: Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thực tế thời gian qua cho thấy vẫn có tình trạng việc quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng quy định.
Về cơ sở pháp lý triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (CHBLXD), Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022; Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ đã quy định rõ.
Cụ thể như, khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (Luật QLT) về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng HĐĐT quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”.
Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 123) cũng quy định chi tiết: “Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải bảo đảm lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và bảo đảm có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu” (điểm i khoản 4 Điều 9). Nghị định 123 cũng quy định chi tiết về việc thực hiện HĐĐT đối với từng trường hợp cụ thể như bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh…
Về lộ trình thực hiện HĐĐT đối với các CHBLXD, Luật QLT khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022.
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện Luật QLT từ ngày 1/7/2022, toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đã thực hiện phát hành HĐĐT. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn có tình trạng việc quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn đối với các CHBLXD không đúng quy định như: cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày; định kỳ hàng tuần, hàng tháng xuất 1 hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn; thậm chí có trường hợp bán hàng hóa nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hóa đơn thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN).
Do đó, để bảo đảm thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng của các CHBLXD tại địa phương…
Mới đây, tại Công điện 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng HĐĐT, đặc biệt là trong việc lập HĐĐT tại các CHBLXD cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện…
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định 123, bao gồm quy định về “Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán”, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) là cơ quan chủ trì đã lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và xem xét, thông qua. Bộ Tài chính khẳng định, các quy định trên bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định.