Trí tuệ nhân tạo 'lấn sân' điện ảnh: Chẳng có lý do gì để lo lắng
Bắt nhịp với xu hướng thế giới, nhiều đạo diễn trẻ cũng bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sáng tạo điện ảnh từ viết kịch bản, đạo cụ, sản xuất, hậu kỳ… Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về việc nếu 'AI hóa' thì điện ảnh sẽ thế nào?
Kinh ngạc khi AI “lấn sân” điện ảnh
Trên thế giới, từ năm 2016, một vài bộ phim do AI tham gia sáng tác từng được giới thiệu với công chúng là phim ngắn: “Do you love me” (năm 2016), hay bộ phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng “Sunspring”, được viết do một AI có tên Benjamin. Rồi những dự án phim ứng dụng AI đã xuất hiện nhiều hơn, thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim trên toàn thế giới như “Secret Invasion” của Marvel, “What Jennifer Did” của Netflix đã sử dụng AI trong các giai đoạn tạo poster, chỉnh sửa hình ảnh và thậm chí là xây dựng phân đoạn.
Kể cả kịch bản đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một bộ phim thì giờ đây, dựa trên khối lượng nền tảng kịch bản sẵn có, thuật toán AI sẽ phân tích dữ liệu, học hỏi và từ đó tạo ra các kịch bản mới. Bên cạnh đó, AI cũng có thể được sử dụng để phân tích các kịch bản được dựng thành phim. Các thuật toán AI có thể nghiên cứu cốt truyện, đưa ra những câu hỏi có thể xảy ra, những điểm không chắc chắn và đề xuất cải thiện, từ đó giúp quá trình phân tích kịch bản trở nên dễ dàng hơn.
AI còn có tiềm năng to lớn trong việc đơn giản hóa quy trình tiền sản xuất bằng việc hỗ trợ lập kế hoạch lịch trình, tìm địa điểm phù hợp nhất với cốt truyện cũng như các quy trình chuẩn bị khác.
Đáng chú ý, AI cũng được sử dụng để dự đoán doanh thu một bộ phim. Ví dụ, hãng Warner Bros đã sử dụng Cinelytic AI để dự đoán thành công doanh thu phòng vé các bộ phim. Hay ScriptBook là một hệ thống dự đoán phim dựa trên AI khác được Sony Pictures sử dụng để phân tích 62 bộ phim của hãng.
Tại Việt Nam, nhiều đạo diễn, nhất là đạo diễn trẻ cũng đã ứng dụng AI vào công việc sáng tạo điện ảnh và tin tưởng AI sẽ mở ra nhiều khả năng mới. Tiêu biểu có đạo diễn trẻ Phạm Vĩnh Khương, anh được biết đến với nhiều MV triệu view làm từ AI như “Bức tranh Đại Việt” tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và đất nước Việt Nam; “Tiệc trắng” sản phẩm âm nhạc bằng AI tuyên truyền bảo vệ trẻ em; “Mắt bão” - sản phẩm âm nhạc bằng AI hướng tới đồng bào vùng lũ... Đáng chú ý, những dự án này đều thực hiện tất cả các khâu sản xuất chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh.
Dùng công nghệ AI để làm nghệ thuật, nhưng đạo diễn Phạm Vĩnh Khương không có ý định cổ xúy cho việc chúng ta phụ thuộc vào công nghệ này. Anh Khương cho rằng, công nghệ và thời đại rõ ràng hình thành dòng chảy lớn, liệu ai trong chúng ta đủ sức để dập tắt hoặc dừng nó lại. Chúng ta từng phản đối với sự ra đời của các phần mềm, các thiết bị điện tử ứng dụng vào nghệ thuật, cuối cùng chúng ta cũng thừa nhận sự ra đời của các thiết bị, các phần mềm là vô cùng cần thiết.
Sáng tạo và cảm xúc vẫn là yếu tố cốt lõi
Trước sự lo ngại của nhiều người về việc AI có thể thay thế hoàn toàn con người trong ngành điện ảnh, đạo diễn điện ảnh Chu Ánh Nguyệt cho rằng: Bộ phim hay là bộ phim chạm tới trái tim thay vì chỉ là đi theo một khuôn mẫu hay thỏa mãn sự thách thức của não bộ. Có lẽ một bộ phim được viết bởi AI sẽ rất chỉn chu và đúng cấu trúc, một diễn viên AI sẽ biểu cảm rất đạt nhưng ở nghệ thuật, tính riêng biệt và dấu ấn cá nhân lại là một điều vô cùng quan trọng. Nếu ta luôn cố gắng để không chỉ những người thợ làm theo khuôn mẫu với điện ảnh thì tôi nghĩ sẽ chẳng có lý do gì để lo lắng. Vì đến cuối cùng, công cụ sinh ra để phục vụ con người chứ không phải đào thải con người, nó là một sự thúc đẩy để con người làm tốt hơn công việc của mình.
Còn đạo diễn điện ảnh, NSƯT Bùi Trung Hải cho biết: Với quan điểm của người làm điện ảnh, tôi tin rằng việc ứng dụng AI trong điện ảnh là một bước tiến lớn về công nghệ và sẽ là một công cụ hữu hiệu mà những người làm điện ảnh ở Việt Nam cần nghiên cứu để sử dụng trong sáng tác. Đây thực sự là một công cụ rất hữu hiệu nếu những nhà làm phim biết sử dụng AI đúng cách.
“Ở mức độ hiện nay, không nên lo lắng về việc AI có thể làm thay con người làm phim một cách tuyệt đối và AI có thể thay đổi quan hệ công việc theo kiểu ‘không cần người làm phim nữa mà chỉ cần công nghệ AI là đủ’. Hiện tại sự phát triển của công nghệ AI trong điện ảnh là chưa thể ở mức độ đó, nó vẫn cần được phát triển, và được dùng như những gợi ý, tham khảo cho người sử dụng với tính hiệu quả cao về tiết kiệm thời gian và độ mở của gợi ý. Người làm phim, chủ thể sáng tác vẫn luôn là người quyết định và giữ sự kiểm soát trong cả quá trình sáng tác” - đạo diễn Bùi Trung Hải nói.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:
Tận dụng những gì tốt nhất từ AI
Trong tương lai không xa, AI sẽ can thiệp vào hầu hết các lĩnh vực, mà sáng tạo nghệ thuật, trong đó có điện ảnh là một lĩnh vực khó tránh do bản chất của điện ảnh là sản phẩm có hàm lượng công nghệ rất cao. Những người sáng tạo nói chung chỉ có một con đường duy nhất là tiếp cận để làm bạn và tận dụng những gì tốt nhất từ AI, từ đó để giảm thiểu những lao động mà nó có thể thay thế, đồng thời nhanh chóng nâng cấp chính mình, tìm cách đào thoát khỏi lối mòn tư duy cũng như sự bảo thủ càng nhanh càng tốt.
Cơ hội việc làm là một vấn đề lớn. Nhưng trong lịch sử phát triển của nhân loại, sự thay thế của công nghệ cho sức lao động của con người không chỉ mới diễn ra một lần, và nhân loại đã thích nghi để cùng tồn tại. Bây giờ cũng vậy, nhưng sự thích nghi đòi hỏi tốc độ và sự nhạy bén hơn trước.
Tuy vậy, tôi tin có rất nhiều điều thuộc về bản chất sâu thẳm của con người mà AI sẽ không thể thay thế. Đó là xúc cảm, đôi khi đến mức phi logic mà con người đang sở hữu. Những yếu tố mang tính bản chất này vô cùng phong phú trong những con người có khả năng sáng tạo, và AI còn lâu lắm mới có khả năng ấy.
Ở Việt Nam, tuy phát triển công nghệ AI chậm hơn so với thế giới, nhưng xu thế ấy chúng ta phải sẵn sàng đối mặt. Thế hệ điện ảnh trẻ sẽ phải đương đầu, thích nghi và hợp tác cùng AI để có cơ hội tồn tại. Tôi nghĩ các bạn trẻ sẽ làm tốt sứ mệnh của mình.